.

Minh Hóa tập trung phát triển nguồn nhân lực

Thứ Sáu, 08/11/2013, 14:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 9-2011, BCH Đảng bộ huyện Minh Hóa có Nghị quyết số 03- NQ/HU về ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đồng thời giao UBND huyện xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chương trình. Qua 2 năm thực hiện, chương trình này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực huyện Minh Hóa giai đoạn 2011-2015 có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của huyện; vừa là tiền đề mang tính định hướng, vừa là động lực tổ chức thực hiện các chương trình, đề án khác.

Qua 2 năm thực hiện chương trình, Minh Hóa đã xây dựng chất lượng nguồn nhân lực theo hướng toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể lực; năng động, sáng tạo, trẻ hoá, có khả năng thích ứng với môi trường làm việc. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã được nâng lên một bước, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học ngày càng tăng; công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngày càng tốt hơn, thể lực của người lao động từng bước được cải thiện.

Công tác giáo dục lao động-hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông đã được thực hiện nghiêm túc, đạt kế hoạch đề ra. Mạng lưới trường lớp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng bố trí khá hợp lý để tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho việc học tập của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, từng bước xây dựng một xã hội học tập.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, UBND huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của huyện, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo, rà soát quy hoạch nguồn nhân lực của huyện đến năm 2015. Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách huy động vốn, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục-dạy nghề nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm.

Hệ thống trường học ở huyện Minh Hóa được đầu tư nhằm thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nguồn nhân lực.
Hệ thống trường học ở huyện Minh Hóa được đầu tư nhằm thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nguồn nhân lực.

Hiện hệ thống mạng lưới trường học, cơ sở vật chất trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân, gồm: 20 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 9 trường THCS; 5 trường TH và THCS, 1 trung tâm DNTH huyện; đã có 16/16 xã, thị trấn thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 100%.

Toàn huyện có 6 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 4 trường so với năm 2010; có 16/16 (100%) xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học-chống mù chữ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên từng bước đáp ứng về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, cụ thể: mầm non 99,18% giáo viên đạt chuẩn (trên chuẩn 52,6%); tiểu học 99,77% giáo viên đạt chuẩn (trên chuẩn 73,93%); THCS 83,64% giáo viên đạt chuẩn (55,76% trên chuẩn)...

Trong lĩnh vực dạy nghề, đào tạo nghề, ông Cao Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện Minh Hóa cho biết, trên cơ sở thẩm định về đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, giáo trình, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho Trung tâm với 8 nghề được phép đào tạo.

Thông qua việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo đã từng bước

Huyện Minh Hóa hiện có đội ngũ cán bộ, công chức hành chính cơ bản đạt chuẩn, tỷ lệ đại học trở lên chiếm 94,4%, chỉ còn 1,1% chưa qua đào tạo; đội ngũ viên chức từng bước được nâng lên, tỷ lệ đại học trở lên chiếm 65%, cao đẳng và trung cấp chiếm 33,9%, chưa qua đào tạo chiếm 1,1%.

làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa dạy nghề và học nghề, bước đầu tạo nên phong trào học nghề trong nhân dân, mang lại cho bà con nhân dân nhiều kiến thức, kỹ thuật, những kinh nghiệm, những cách làm tốt, có hiệu quả, được bà con nông dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nên thời gian qua, đội ngũ này đã từng bước tiêu chuẩn hoá ngạch, bậc theo quy định của nhà nước; bảo đảm cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực còn nặng về bằng cấp, chưa tập trung vào chuyên môn, tình trạng thừa, thiếu trong việc sử dụng nguồn nhân lực còn phổ biến; chưa xây dựng được định hướng tổng thể về nguồn nhân lực, cũng như chưa xác định được nhu cầu theo ngành nghề đào tạo. Các cơ sở sản xuất, chế biến, các làng nghề ở địa phương chưa phát triển nên việc sử dụng lao động sau đào tạo nghề còn hạn chế, do đó các nội dung hướng nghiệp chưa thuyết phục đối với học sinh. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa làm chuyển biến nhận thức của người lao động về tính thiết thực của việc học nghề, tâm lý của người học muốn vào đại học mà rất ít người chọn con đường học để làm "thợ"...

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời nâng cao việc thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn phù hợp với tình hình mới, sắp tới huyện Minh Hóa sẽ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề, cụ thể: sáp nhập 3 đơn vị (Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, Trung tâm Dạy nghề tổng hợp) thành một đơn vị.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, bằng việc phân cấp, thực hiện quyền tự chủ, nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nhân lực; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông, dạy nghề, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Minh Văn