.
Bài dự thi viết về chủ đề "Kỷ cương và trách nhiệm":

Người bí thư tận tâm với đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 01/09/2016, 07:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Bí thư Đảng bộ xã Lâm Hóa Trương Tư Thoan là một cán bộ cơ sở gương mẫu, năng động, sáng tạo, là người rất tận tâm với đồng bào dân tộc Mã Liềng trên địa bàn. Những suy nghĩ, việc làm cụ thể của anh đã giúp bà con dân bản nơi đây xóa dần đi những tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Lâm Hóa là xã vùng cao của huyện Tuyên Hóa gần giáp với biên giới Việt - Lào. Đảng bộ xã có 102 đảng viên, sinh hoạt tại 8 chi bộ. Trong 5 năm qua thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trên cương vị là một Bí thư Đảng ủy, Trương Tư Thoan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm chỉ đạo các chi bộ tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.

Đặc biệt anh luôn gắn việc học tập với hành động làm theo tấm gương đạo đức của Bác từ việc nhỏ đến việc lớn, trong công tác cũng như trong đời sống hàng ngày, mà quan trọng nhất là học theo Bác về tư tưởng “thương yêu con người”. Những việc làm của anh hết sức cụ thể, thiết thực, luôn gần gũi, cảm thông, chia sẻ với tất cả mọi người, nhất là với đồng bào dân tộc Mã Liềng trong xã.

Xã Lâm Hoá có hơn 500 người là đồng bào dân tộc Mã Liềng sống định cư ở 3 bản: Kè, Cáo, Chuối nên anh Thoan luôn trăn trở làm thế nào để bà con dân tộc, xóa được đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Bí thư Đảng ủy Trương Tư Thoan luôn gần gũi với bà con Mã Liềng.
Bí thư Đảng ủy Trương Tư Thoan luôn gần gũi với bà con Mã Liềng.

Trong chỉ đạo phát triển kinh tế, anh đã chỉ đạo tiến hành giao đất gắn với giao rừng cộng đồng cho 3 bản với diện tích 763,9 ha, bà con được hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật làm 2 vườn ươm giống keo, 2 vườn ươm giống cây mỡ và vàng tâm với trên 12 vạn cây; triển khai trồng rừng cộng đồng được trên 12 ha keo. Nhiều hộ đã trồng đến hàng vạn cây keo như gia đình ông Hồ Bun, Hồ Đề (bản Kè), Phạm Thị Lâm (bản Cáo).

Nhờ việc giao đất giao rừng hoàn thành, bà con đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo vệ rừng, hạn chế được tình trạng mua bán, đổi đất rừng, phát rừng làm nương rẫy. Anh còn kêu gọi đầu tư, tổ chức khai hoang cho bà con tại bản Cáo được 5ha, bà con phấn khởi sản xuất hết diện tích và chăm bón chu đáo, một số hộ thu được trên 15 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh chỉ đạo bà con phát triển chăn nuôi, nhiều hộ nuôi trâu bò từ 6 đến 8 con, như các hộ: Ông Hồ Hợi (bản Cáo), Cao Bang (bản Kè).

Đến nay một số hộ cơ bản đã bảo đảm được lương thực, nhiều hộ đã xóa được đói vươn lên hộ cận nghèo và khá. Có nhiều hộ đã có tích góp để sửa chữa nhà ở và đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi, tạo điều kiện cho con em đi học tập các trường chuyên nghiệp.

Anh Thoan còn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác vệ sinh môi trường và trong ăn ở, sinh hoạt cho bà con: Tổ chức tu sửa nhà ở, sắp xếp lại nhà cửa ngăn nắp gọn gàng, vận động bà con tách bếp ra khỏi nhà ở, làm chỗ phơi áo quần, ăn chín uống sôi, làm vệ sinh nhà sàn, đường sá sạch sẽ.

Anh chỉ đạo Hội Phụ nữ xã tổ chức hội thi người nội trợ giỏi trong đồng bào; giao cho Chi bộ Trạm y tế đăng ký mô hình khám chữa bệnh tại nhà cho các hộ khó khăn ở xa không có điều kiện đi lại; vận động bà con khi ốm đau, sinh đẻ đưa đến trạm xá để điều trị, trường hợp nặng thì quan tâm hỗ trợ cho đi điều trị tuyến trên; tổ chức thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình...

Mùa rét về, anh đã vận động, kêu gọi cán bộ xã, một số cơ quan cấp huyện ủng hộ tiền mua áo ấm, chăn ấm hỗ trợ cho bà con. Kết quả đã vận động quyên góp, hỗ trợ được gần 50 triệu đồng. Các chế độ chính sách được cấp đến tận tay các đối tượng không xảy ra vi phạm.

Khi biết bà con ốm đau, khó khăn, hoạn nạn anh đã đến tận nơi thăm hỏi và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong xã tìm cách để hỗ trợ giúp đỡ. Anh còn giao cho Xã đoàn đảm nhận xây dựng mô hình giảm tỷ lệ tảo hôn tại bản Kè để tuyên truyền cho các bản; giao UBND xã cho cán bộ về các bản hướng dẫn bà con đăng ký kết hôn và làm thủ tục khai sinh cho trẻ. Những việc làm đó đã khắc phục được tình trạng xây dựng gia đình không đăng ký kết hôn, con sinh ra không được khai sinh và giảm dần tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Việc học hành của con em dân tộc Mã Liềng được anh hết sức quan tâm. Kết quả nổi bật là vài năm trở lại đây các thầy cô giáo trong xã đã hàng ngày tự nguyện đi xe máy đến tận các bản đưa đón các em học sinh tới trường. Các cô giáo trường mầm non đã tổ chức nấu cơm ngay tại trường cho các em, bảo đảm duy trì mô hình bán trú 100%. Vì thế các cháu trong độ tuổi đều được đến trường để học tập.

Trước tình hình ở các bản còn có nhiều người uống rượu say, gây rối mất trật tự ban đêm, anh đã họp Đảng ủy, ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo khắc phục, và giao cho Công an xã xây dựng mô hình tiếng kẻng bình yên (10 giờ đêm).  “Mô hình tiếng kẻng bình yên tại các bản đã thực sự đem lại bình yên cho bà con trong những đêm khuya, góp phần nâng cao ý thức người dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện hương ước của bản đã đề ra, khắc phục được tập quán tồn tại lâu đời của bà con là khi có tiền thì tụ tập uống rượu và nghe nhạc, có lúc dẫn đến đánh nhau gây ồn ào trong bản và mất đoàn kết”, anh Thoan chia sẻ.

Phong trào văn hóa văn nghệ ở các bản cũng luôn được quan tâm, các bản đều có đội bóng chuyền, đội văn nghệ để tham gia cùng phong trào toàn xã. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu dần được xoá bỏ. Đến nay số hộ gia đình văn hoá của các bản là 30%; số hộ có điện thoại để sử dụng 60% ; hộ có ti vi là 45%; hộ có xe máy 25%. Các tổ chức trong bản đều được củng cố, kiện toàn từ chi bộ, ban mặt trận, các chi đoàn, chi hội, các ban an ninh... Hiện nay đảng viên là người dân tộc thiểu số có 14 đồng chí. Xã bố trí 2 cán bộ thường xuyên cắm bản để theo dõi, chỉ đạo các hoạt động tại các bản.

Bí thư Đảng ủy Trương Tư Thoan tâm sự: Để lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn vươn lên, ngoài sự quan tâm của cấp trên và các chương trình dự án thì việc nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tính nhạy bén, chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong xã là yếu tố quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Với những kết quả đã đạt được, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, anh Thoan vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến được Huyện ủy Tuyên Hóa khen thưởng.

Với 40 tuổi đời, nhưng Trương Tư Thoan đã có 3 năm làm Chủ tịch UBND xã, 9 năm làm Bí thư Đảng uỷ xã (có 7 năm Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh), nhiều năm được các cấp khen thưởng. Anh xứng đáng là con chim đầu đàn, là niềm tin, chỗ dựa cho bà con xã Lâm Hóa.

Hồ Duy Thiện