.

Nâng cao chất lượng tuyên truyền về xây dựng Đảng trên báo Đảng địa phương

Thứ Ba, 21/06/2016, 10:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong lời đề dẫn của nhà báo Lưu Ngọc Minh, Phó Tổng biên tập Báo Bình Định tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần 6, vòng IV được tổ chức vừa qua tại thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định) có nhấn mạnh: “Có nhiều ý kiến cho rằng viết và thông tin về xây dựng Đảng là vấn đề ít hấp dẫn với phóng viên, cộng tác viên, là vấn đề khó từ khâu phát hiện đề tài, xác định nội dung, khai thác tài liệu, cho đến thể hiện tác phẩm. Điều đó có xác đáng không và nếu có thì nguyên nhân từ đâu?”.

“Khó, khô và khổ”?

Với chức năng báo Đảng địa phương, lẽ đương nhiên, công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, là “linh hồn”, “đặc sản” của mỗi tờ báo.

Trong thời gian qua, các báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên đều chú trọng xây dựng và kiện toàn đội ngũ phóng viên viết xây dựng Đảng. Các báo Đảng địa phương đã dành tỷ lệ thích đáng, đầu tư nhân lực và trí tuệ để tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng.

Mỗi tờ báo đều có những cách làm sáng tạo vừa làm nổi bật chuyên mục, vừa hấp dẫn bạn đọc như: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Sinh hoạt tư tưởng, Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống...

Thế nhưng, nhiều bài tham luận của các báo Đảng địa phương tham dự Hội thảo vẫn khẳng định, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng công tác tuyên truyền xây dựng Đảng hiện còn nhiều khó khăn. Các bài viết còn khô cứng, một chiều, thiếu sự sắc bén, thuyết phục, tính chiến đấu còn hạn chế. Đội ngũ phóng viên viết đúng, viết trúng, viết hay về công tác xây dựng Đảng còn quá ít.

Các ý kiến tại hội thảo đều có chung nhận định rằng các bài viết về xây dựng Đảng thường thông tin một chiều, khô cứng, chưa thực sự sát với cuộc sống, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người đọc... Việc xây dựng đội ngũ phóng viên, cộng tác viên chuyên viết về đề tài xây dựng Đảng vẫn còn là khó khăn chung của các báo Đảng địa phương.

Thế nhưng, một thực tế mà hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều không thể phủ nhận đó là với không ít phóng viên, nhà báo, viết về xây dựng Đảng luôn là lĩnh vực “khó, khô và khổ”. Nói như nhà báo Trương Diên Thống - Phó Tổng biên tập Báo Thừa Thiên- Huế thì nếu không có nghiệp vụ tốt trong phát hiện đề tài, khai thác tư liệu và kỹ năng thể hiện thì khó có thể viết được những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn công chúng.

Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: T.H.
Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: T.H.

Các đồng chí lãnh đạo các báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng thống nhất rằng, để tuyên truyền hay về xây dựng Đảng, ngoài việc năng động tư duy về đề tài, nội dung và cách thể hiện của Ban biên tập, phóng viên, rất cần một thái độ ứng xử đúng mực, cầu thị của lãnh đạo địa phương với báo chí, nhất là những vấn đề mang tính phản biện, trung thực, tạo điều kiện cho đề tài xây dựng Đảng không còn là “khó, khô, khổ” mà thực sự mang đậm hơi thở cuộc sống.

Đồng thời, để những tác phẩm báo chí viết về đề tài này thực sự gần gũi, thu hút người đọc, theo nhà báo Trương Đức Minh Tứ, Tổng biên tập Báo Quảng Trị thì tâm thế của người cầm bút khi viết về xây dựng Đảng cần mang tính xây dựng, phát hiện, tôn vinh những gương điển hình tiên tiến, hay đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực.

Những cách làm hay

Trước những thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập như thế, các đại biểu tham dự Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ 6, vòng IV đã tập trung thảo luận, đi sâu vào những biện pháp mang tính lâu dài để “nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền xây dựng Đảng của Báo Đảng địa phương”. Nhiều cách làm hay, những kinh nghiệm thực tế đã được áp dụng hiệu quả trong công tác tuyên truyền xây dựng Đảng tại các báo Đảng khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã được các đại biểu thẳng thắn chia sẻ và cùng nhau thảo luận.

Theo nhà báo Ngô Quang Tự - Phó Tổng biên tập Báo Thanh Hóa thì trong xây dựng đề cương tuyên truyền hàng tháng, Ban biên tập Báo Thanh Hóa đã chỉ đạo phóng viên tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề có tính dài hơi, cũng như các chuyên đề bài viết cho từng số báo, đồng thời khuyến khích phóng viên viết chuyên đề tạo thành những vệt tuyên truyền đậm nét.

Nhiều năm qua, Báo Thanh Hóa đã có nhiều bài viết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực của xã hội, từ đó đề xuất cơ quan thẩm quyền tháo gỡ những bất cập, kẻ hở trong cơ chế, chính sách.

Một cách làm hay mà đại diện Báo Nghệ An đã chia sẻ và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các đại biểu tham dự Hội thảo đó là việc để khắc phục tình trạng thiếu thông tin, BBT Báo Nghệ An đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác kết nối cộng tác viên, thành lập nhóm tương tác trên mạng xã hội với tên gọi “Nhóm tương tác Chính trị xây dựng Đảng” bao gồm các phóng viên Chính trị - Xây dựng Đảng, cộng tác viên, Trưởng Ban Tuyên giáo các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy...

Nhóm mở này thường xuyên trao đổi thông tin về những vấn đề tuyên truyền xây dựng Đảng. Nhờ đó, Báo Nghệ An luôn cập nhật được thông tin, bảo đảm được dung lượng thông tin theo lịch xuất bản, thông tin mang tính chất mở, đối thoại hai chiều giữa cơ quan tuyên truyền, cơ quan báo chí với cơ sở và ngược lại.

Là tỉnh có vị trí chiến lược về an ninh – quốc phòng của cả nước, với 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Đắk Lắk luôn được xem là địa bàn tương đối phức tạp về dân tộc, tôn giáo, với rất nhiều điểm nóng về an ninh trật tự. Do đó, công tác tuyên truyền xây dựng Đảng luôn được Báo Đắk Lắk đặt lên hàng đầu, với quan điểm “Mọi phóng viên đều phải viết về xây dựng Đảng”, không riêng gì phóng viên phụ trách viết về mảng đề tài này mà ngay cả phóng viên phụ trách các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, xã hội... đều tham gia viết bài về xây dựng Đảng.

Ban Biên tập Báo Đắk Lắk cũng giao định mức cho tất cả cán bộ quản lý, lãnh đạo mỗi tháng phải có ít nhất một bài viết về xây dựng Đảng, kèm theo đó là chế tài thưởng, phạt để “làm gương” cho phóng viên.

Cũng giống như nhiều báo Đảng địa phương, để đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả về tuyên truyền xây dựng Đảng, hàng tháng, Báo Quảng Bình duy trì đều đặn 2 chuyên mục về xây dựng Đảng và 2 chuyên mục về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chưa kể một số tin, bài thường xuyên ngoài chuyên mục. Tổng số lượng tin, bài về xây dựng Đảng đạt từ 250-300 tin, bài/năm.

Để nâng cao chất lượng của các tác phẩm này, trong đề cương tuyên truyền hàng tháng, Ban Biên tập Báo Quảng Bình luôn định hướng cụ thể về công tác tuyên truyền xây dựng Đảng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời điểm.

Tại các buổi sinh hoạt chuyên đề, đề tài xây dựng Đảng luôn được quan tâm và đưa ra thảo luận để đảm báo đúng tiêu chí thời sự, yêu cầu chính trị của địa phương, các vấn đề bạn đọc quan tâm. Ban Biên tập cũng luôn chủ động trong việc gợi mở đề tài, cùng với đó là chế độ khen thưởng hợp lý đối với những tác phẩm mang tính phát hiện, thể hiện sinh động, khách quan thực tế diễn ra ở cơ sở.

Rõ ràng, mục đích cuối cùng của các tác phẩm báo chí viết về công tác xây dựng Đảng là nâng cao hơn năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng tổ chức đảng, thể hiện được mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng Đảng cũng là làm nên “linh hồn”, “đặc sản” của báo Đảng địa phương, tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với độc giả gần xa. 

Diệu Hương