.
Hoạt động của Đoàn ĐBQH Quảng Bình tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII:

Tích cực đóng góp vào sự thành công của kỳ họp

Thứ Ba, 12/04/2016, 06:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 11-kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII-chính thức khai mạc vào ngày 21-3-2016 và bế mạc vào ngày 12-4-2016. So với các kỳ họp trước, kỳ họp này tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương góp ý vào Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương góp ý vào Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020; xem xét, thông qua 7 dự án luật; phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; xem xét Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan; xem xét các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng kiểm toán nhà nước.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần này Quốc hội tiến hành xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tham gia phát biểu ý kiến. Đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với nhiều ý kiến lấy tên gọi của luật là Luật Báo chí (sửa đổi) và cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu một cách rất đầy đủ trên tinh thần đề cao vai trò của báo chí và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về báo chí.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện và thông qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã có ý kiến đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo về một số vấn đề cụ thể, như đề nghị không sử dụng trong Luật những từ ngữ không mang tính chất phổ quát, gây khó hiểu; đối với một số cụm từ như "cổ súy lối sống" hoặc "thông tin cổ súy" nếu sử dụng thì cần phải có giải thích từ ngữ.  Cần thiết phải sắp xếp lại cơ quan báo chí và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chất lượng đội ngũ làm báo để không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lãng phí nguồn lực và cơ sở vật chất, tài chính, cũng như làm tăng thêm gánh nặng của ngân sách.

Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 5, chính sách của Nhà nước về quản lý phát triển báo chí một điểm hết sức quan trọng là hàng năm cơ quan quản lý báo chí phải rà soát, bổ sung lại cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả và chất lượng của báo chí để tiết kiệm, tránh lãng phí cho xã hội. Tại Điều 23 quy định về người đứng đầu cơ quan báo chí có các tiêu chuẩn là từ đại học trở lên, đại biểu đề nghị phải quy định chuyên ngành học phải gần với chuyên ngành báo chí.

Về việc quy định "trừ tổ chức tôn giáo” đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng, không có gì phải “trừ” đối với tổ chức này. Tại Điều 27 quy định về điều kiện cấp thẻ nhà báo cho các phóng viên cũng vậy, không nên “trừ” tổ chức tôn giáo, hơn nữa, cần căn cứ theo đề xuất của tổ chức, cá nhân tôn giáo để cấp. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bỏ Điểm a, Điều 26 về trường hợp cấp thẻ nhà báo vì, theo đại biểu quy định như vậy là thừa.

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu đánh giá cao dự thảo báo cáo, cho rằng báo cáo được soạn thảo công phu, kỹ lưỡng và có tính khái quát cao, đề cập toàn diện đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện được tầm nhìn chiến lược vĩ mô; đồng thời rút ra được bài học kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo đại biểu, Quốc hội khoá XIII, đã có nhiều đổi mới, tạo được nhiều dấu ấn, những việc làm mang tính đột phá quan trọng, hết sức có ý nghĩa. Sau khi phân tích những kết quả đạt được, đại biểu cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế Quốc hội cần rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tiếp theo và có một số đề nghị:

Một là, việc xây dựng luật vẫn còn những hạn chế trong lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau đối với dự thảo luật; khá nhiều ý kiến được đại biểu đưa ra nhưng không được tiếp thu, giải trình đầy đủ và nhiều vấn đề còn theo ý chí của cơ quan soạn thảo; đề nghị cần rút kinh nghiệm để việc lấy ý kiến đại biểu về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau phải được tập hợp đầy đủ, giải trình rõ ràng, qua đó nâng cao chất lượng xây dựng luật.

Hai là, quan điểm giữa chất lượng đại biểu và cơ cấu chưa được giải quyết một cách thoả đáng, hợp lý; vì vậy, cần quan tâm xử lý tốt hơn giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu, đặc biệt là cần đề cao, chú trọng hơn nữa về chất lượng.

Ba là, chất lượng một số đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội vẫn còn hạn chế, số lượng Đại biểu Quốc hội tham gia thường ít hơn số lượng thành viên trong đoàn, thành phần mời thường không có lãnh đạo bộ, ngành mà chỉ có lãnh đạo và chuyên viên các vụ, cục... đã làm hạ thấp vị thế của đoàn giám sát; cần phải nâng cao vị thế của các đoàn giám sát và yêu cầu các bộ, ngành chú trọng đến trách nhiệm của mình đối với việc tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội.

Bốn là, đề cập tới vấn đề phẩm chất của đại biểu Quốc hội, đại biểu nhấn mạnh: Trong Báo cáo có nêu “có vị đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân cả nước”, đây quả là điều đáng buồn. Trong nhiệm kỳ có 02 đại biểu vi phạm pháp luật đều là trường hợp ứng cử tự do, không đại diện được cho ý chí, nguyện vọng cử tri và nhân dân. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Ban chỉ đạo bầu cử trung ương và các tỉnh, thành phố coi đây là bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm; cử tri và nhân dân cũng cần sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng để bầu vào Quốc hội khóa mới.

Năm là, về vấn đề chính sách tiền lương và phụ cấp, đại biểu cho rằng, vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục xem xét, điều chỉnh để bảo đảm công bằng, tiết kiệm chi tiêu ngân sách, góp phần thực hiện lộ trình nâng lương.

Ngoài những vấn đề trên, đại biểu còn đề cập đến việc thực hiện Đề án tinh giảm biên chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thời gian qua không đạt yêu cầu và đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo thực hiện Đề án một cách thực sự có hiệu quả.

Cũng tại phiên thảo luận này, đại biểu Trần Minh Diệu phát biểu đồng tình với báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội và tham gia một số ý kiến góp ý về hoạt động giám sát của Quốc hội và về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.

Về những tồn tại, hạn chế, ngoài việc đồng tình với những điểm được nêu trong báo cáo, đại biểu trao đổi thêm 2 vấn đề:

Thứ nhất, về kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ; đại biểu cho rằng, với cách làm như vừa qua cho thấy thấy việc tổng hợp ý kiến của đại biểu tại các phiên thảo luận tổ là vấn đề cần phải được xem xét để bổ sung điều chỉnh.

Cụ thể là, các khái niệm thường dùng để thể hiện sự đồng tình hay không đồng tình hay ý kiến khác trong quá trình thảo luận như: Có ý kiến, có một số ý kiến, có nhiều ý kiến, có đa số ý kiến... được phản ánh trong kết quả tổng hợp là rất quan trọng, nó sẽ là định hướng cho quá trình xem xét và quyết định của Quốc hội.

Vậy nhưng, cách tổng hợp, cách hiểu và cách sử dụng các khái niệm nói trên còn thiếu thống nhất và không chính xác. Ví dụ số liệu tổng hợp không đúng với thực tế số ý kiến tham gia; hoặc số liệu đúng nhưng lại không phản ánh được thực chất của vấn đề mà đại biểu tham gia...

Từ những băn khoăn trên, đại biểu đề nghị Ban thư ký kỳ họp cần có một nghiên cứu bài bản về quy trình và phương pháp tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu theo hướng bảo đảm sự thống nhất, phản ánh khách quan và chính xác các loại ý kiến thảo luận ở tổ, thông qua đó để định hướng cho quá trình thảo luận tại hội trường tập trung và có chất lượng hơn.

Thứ hai là, về cách thức xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Theo đại biểu, đây là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu để điều chỉnh bao gồm từ khâu thiết kế nội dung lấy ý kiến, tổ chức lấy ý kiến, tổ chức kiểm phiếu và tổng hợp ý kiến của đại biểu. Cụ thể: Thiết kế nội dung lấy ý kiến phải khách quan và đúng với yêu cầu Quốc hội đặt ra; việc tổ chức lấy ý kiến phải đầy đủ, nghiêm túc, tại chỗ và trực tiếp bằng phiếu kín.

Việc tổ chức kiểm phiếu và tổng hợp ý kiến của đại biểu cũng phải được Quốc hội chỉ định phân công thực hiện theo đúng nguyên tắc và phải chịu trách nhiệm về độ chính xác của quá trình tổng hợp thông tin.

Phong Hồng-Ất Mão

(Còn nữa)