.
Nhân Đại hội thành lập Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị tỉnh Quảng Bình:

Khúc tráng ca Thành cổ

Chủ Nhật, 10/04/2016, 21:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến, có một thế hệ thanh niên Quảng Bình từ những miền quê nghèo, những sinh viên đại học tạm xếp bút nghiên, viết đơn bằng máu tình nguyện ra trận. Các chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi ấy tham gia vào một cuộc đối đầu lịch sử-Trận chiến 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972... Đến bây giờ, 44 năm trôi qua, khúc tráng ca bất tử về Thành cổ Quảng Trị vẫn còn vang mãi.

Lời người ra đi

Nếu viết về Thành cổ, về những người lính Quảng Bình anh dũng hy sinh vì cuộc chiến giữ Thành cổ, tôi phải nghiêng mình trước anh- Liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn. Đêm 25- 8-1972, giữa đổ nát hoang tàn Thành cổ, tiểu đội trưởng Nguyễn Kỳ Sơn dẫn tiểu đội của mình hành quân tiêu diệt một chốt địch tại làng An Tiêm ven Cổ thành Quảng Trị rồi cùng đồng đội anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức này.

 Cổ thành Quảng Trị hôm nay.
Cổ thành Quảng Trị hôm nay.

Liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn là người anh cả trong gia đình có 8 người con của ông bà Nguyễn Kỳ Ngộ, Nguyễn Thị Ngọc Thanh (phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới). Tháng 9-1971, đang là sinh viên năm thứ hai, Học viện Thủy lợi, khoa Thủy công, anh viết thư tình nguyện vào bộ đội, biên chế thuộc đơn vị C10, D3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325.

Trước lúc hy sinh, Nguyễn Kỳ Sơn để lại cho đời cuốn nhật ký bằng thơ viết trên tập vở học trò. Cùng với nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc... các anh, các chị đã đi vào lịch sử bi hùng, sáng lạng. Trong khói bom, trong nghiệt ngã, dữ dội của 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, Nguyễn Kỳ Sơn vẫn thấy một khoảng trời thanh bình, anh vẫn tin về một tương lai tươi sáng, đất nước không còn bom đạn chiến tranh.

Lời người ra đi rất đỗi tự hào, Nguyễn Kỳ Sơn viết thư về cho bố mẹ: “Cuộc đời bộ đội rất nhiều bổ ích lắm ba mẹ ạ! Trong cuộc thử lửa tới, ba mẹ sẽ tin rằng con của ba mẹ cứng rắn hơn nhiều... Con không sợ hy sinh chết chóc đâu, có phải con là người đầu tiên đâu. Có chiến thắng là phải có hy sinh”.

Ngày 19-8-1972, giữa Thành cổ, bốn bề là sự bao vây của kẻ thù, Nguyễn Kỳ Sơn khẳng định cái tâm thế của người lính can trường và cả của một lớp người trai trẻ nguyện cống hiến, sẵn sàng cống hiến vì độc lập, thống nhất Tổ quốc: "Ngày mai tôi giáp trận. Ác liệt là một điều tất nhiên của chiến trận.

Rất có thể rằng tôi sẽ ngã xuống. Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu, có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hy sinh, gian khổ. Cái chủ yếu là phải sống cho ra sống, phải lập được những kì tích đẹp. Sống, cuộc sống đẹp nhất là cuộc sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn.

Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn và cuốn nhật ký bằng thơ anh để lại.
Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn và cuốn nhật ký bằng thơ anh để lại.

Hãy nghĩ như Paven- Coocsaghin (Nhân vật chính trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Xô- viết, Nhicolai Axtôrôpxki): "Cái quý giá nhất của người ta là đời sống, cuộc đời chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa vì những dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình.

Để rồi khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp: sự nghiệp giải phóng loại người".

Hãy nói như Lê Mã Lương: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận chiến với quân thù...".

Những người còn lại

Thành cổ Quảng Trị (còn có tên khác là Cổ thành Đinh Công Tráng) nằm phía bờ nam sông Thạch Hãn, tiếp giáp hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng (nay thuộc thị xã Quảng Trị), diện tích khoảng 4km2. Năm 1972, toàn thị xã Quảng Trị có khoảng 14.000 dân đã sơ tán khỏi vùng chiến sự.

Đứng về mặt quân sự, Cổ thành Đinh Công Tráng chỉ là một mục tiêu có tính chiến thuật. Nhưng để phục vụ nhiệm vụ chính trị và yêu cầu trực tiếp của cuộc đấu tranh ngoại giao tại bàn đàm phán Pari lại hết sức quan trọng, mang tính sống còn đối với các bên tham chiến tại chiến trường Nam Việt Nam.

Theo nguồn cứ liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong cuộc đối đầu lịch sử 81 ngày đêm tại Cổ thành Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, các lực lượng tham gia của ta thời điểm cao nhất đến 80.100 người. Mảnh đất đầu giới tuyến Quảng Bình cống hiến cho cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trên 3.000 người.

Chiến trường Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9-8-1972 viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử.

Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.

Hơn 3.000 người con ưu tú của quê hương Quảng Bình tham gia giữ Thành cổ Quảng Trị, nhiều người nằm lại nơi chiến trường xưa, như lời thơ của Lê Bá Dương (CCB Thành cổ Quảng Trị) day dứt: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhé/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa hai trận đánh của các chiến sỹ quân giải phóng được tái hiện lại tại Bảo tàng Thành cổ.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa hai trận đánh của các chiến sỹ quân giải phóng được tái hiện lại tại Bảo tàng Thành cổ.

Những người lính Thành cổ năm xưa, những ngày tháng 4 lịch sử này đang xúc tiến chuẩn bị cho Đại hội thành lập Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị tỉnh Quảng Bình.

Tôi đã gặp họ: Nguyễn Hữu Lai (thôn Hữu Cung, xã Lộc Ninh), Ngô Xuân Sơn (phường Nam Lý), Trương Văn Thế (phường Bắc Lý)... Nhớ về Thành cổ, ký ức của mùa hè đỏ lửa như vẹn nguyên trong lòng họ.

Tôi hỏi: “Biết là xung phong vào Thành cổ, nghĩa là nhận lấy cái chết, vì sao thế hệ các bác vẫn hiên ngang băng mình qua dòng Thạch Hãn để vào?”.

Họ đã có chung câu trả lời: “Trên hết là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã cháy lên tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như lông hồng cả thôi”.

Ông Nguyễn Hữu Lai, Phó Ban vận động thành lập Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị tại tỉnh Quảng Bình kể: “Tôi nhập ngũ tháng 9-1970 thuộc Trung đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình, tháng 7-1972, thời khắc khốc liệt nhất cuộc chiến giữ thành, tôi tình nguyện chuyển sang biên chế thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B để vào trấn giữ ngay trung tâm Cổ thành.

Nhớ nhất là trận đánh cứ điểm nhà thờ Trí Bưu do đồng chí Hồ Quang Vân, một người con Quảng Bình chỉ huy, lúc đó đồng chí Vân là Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, đột kích mũi chính diện trận đánh. Ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm địch khiến chúng phải dạt ra xa. Chính đồng chí Hồ Quang Vân là người cuối cùng trong đội hình Trung đoàn 48 rút khỏi Thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm khói lửa”.

Vâng! Những người lính Thành cổ trong đó có nhiều con em ưu tú Quảng Bình, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, lấy gan vàng chọi với sắt thép quân thù, tạc nên một tượng đài vĩnh cửu về khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng được viết bằng máu đỏ, biết bao người ngã xuống trong đó nhiều người thân xác vĩnh viễn hòa vào lòng đất Quảng Trị yêu thương.

Thanh Long