.
Thi đua-Khen thưởng:

Những "thủ lĩnh áo xanh"

Thứ Ba, 29/03/2016, 06:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Họ đến từ các làng quê khác nhau, lĩnh vực công tác khác nhau nhưng có chung niềm đam mê cống hiến và sáng tạo. Đó là những “thủ lĩnh áo xanh" luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào, giữ ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ với công việc và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thanh niên cũng như công tác Đoàn, Đội.

“Lấy ước mơ gần nuôi dưỡng ước mơ xa”

Trương Thị Thanh Nga, Ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình. là người  trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và triển khai thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch với phương thức canh tác mới: giảm lượng giống gieo, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, tăng năng suất 16% so với canh tác lúa truyền thống.

Việc giảm tối đa các chi phí đầu vào, tăng năng suất đã giúp người nông dân tăng thu nhập từ 3-6 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà. Ngoài ra, áp dụng phương pháp canh tác cải tiến lúa SRI đã hạn chế được việc sử dụng hóa chất trong sản xuất: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song song với cải tiến quy trình kỹ thuật, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với người nông dân cũng là điều mà những người làm công tác trong ngành nông nghiệp như Nga hết sức trăn trở.

Và điều đáng mừng là, mô hình hiện đã có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa SRI cho nông dân, bước đầu xây dựng thương hiệu “Gạo sạch SRI”, hướng đến sản xuất hàng hóa, xây dựng nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, Trương Thị Thanh Nga còn đắc lực tham gia dự án “Công ty kinh doanh cùng người nghèo trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn-IBC” với sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT).

Trên cơ sở xây dựng các vườn thí nghiệm: trồng xen (sắn trồng xen lạc), phân bón và giống (KM -987, KM21-12, Rayong9, Rayong72) tại hai huyện Quảng Ninh và Bố Trạch, Nga đã đúc rút kinh nghiệm để xây dựng quy trình thâm canh sắn tại Quảng Bình với sự phối hợp hai đơn vị: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Long Giang Thịnh và Nhà máy xuất khẩu tinh bột sắn Sông Dinh nhằm thực hiện các giải pháp để xây dựng chuỗi giá trị sắn bền vững.

Ngoài việc thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất các cây lương thực, cây màu, Nga còn tham mưu cho lãnh đạo Sở trong chỉ đạo xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn trên ớt”, chuyển các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng ớt và đã trồng được hơn 450ha ớt, Thực tế cho thấy cây ớt đang tạo được nguồn thu ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa.

Nga còn là một trong những gương mặt trẻ của Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tạo được nhiều dấu ấn trong phong trào thi đua “Lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học”. Đề tài nghiên cứu “Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cao su tiểu điền Quảng Bình” của Nga được đánh giá cao, có giá trị ứng dụng trong thực tiễn  sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Những mùa quả ngọt được dệt nên từ niềm đam mê và cống hiến của những “thủ lĩnh áo xanh” đã góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh.

Và họ được ví như những bông hoa khoe sắc chào tháng ba-tháng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Từ thực tiễn công việc đã khơi nguồn sáng tạo trong Nga và rồi ngày lại qua ngày, cô cán bộ Đoàn năng động này lại bằng sức trẻ, niềm đam mê với công việc để không ngừng sáng tạo nhằm có thêm những trải nghiệm và hun đúc thành những dự định mới, thành quả mới để rồi viết tiếp những ước mơ...

“Đất không phụ công người”

Chuyện làm giàu của chàng thanh niên Nguyễn Sỹ Hiếu, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn đã minh chứng sâu sắc một điều rằng “yêu đất, đất không phụ công người”. Không như một số thanh niên trong làng và các địa phương lân cận chọn cách ly hương tìm việc làm ở những vùng đất khác với hy vọng đổi đời, Hiếu lại nuôi ý chí tạo dựng cuộc sống mới ngay trên chính quê hương của mình bằng việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nhận thấy quê mình là nơi có bờ biển dài, thích hợp cho việc nuôi trồng thủy hải sản, trong khi ngành nuôi tôm trên cát hiện đang là mô hình kinh tế mới có xu hướng phát triển nhanh, Nguyễn Sỹ Hiếu đã bắt tay vào việc triển khai thực hiện mô hình này với quyết tâm làm giàu bằng việc nuôi trồng thủy sản và nuôi tôm công nghiệp trên cát.

Từ việc nghiên cứu kỹ độ mặn, nhiệt độ nước biển, tham quan học hỏi các mô hình lớn trong tỉnh và tự tìm tòi, học hỏi qua sách báo, Hiếu đã xây dựng cho mình kế hoạch làm ăn cụ thể. Lúc bắt tay vào triển khai mô hình, Hiếu gặp không ít khó khăn như thường xuyên gặp phải thiên tai, bão lũ, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, giá cả thị trường không ổn định... Song Hiếu không nản chí mà vượt lên tất cả để thực hiện cho bằng được ước mơ của mình. Hiện tại, trang trại của Hiếu đã xuống giống được 3 triệu post tôm thẻ của Công ty thủy sản Việt Úc, với diện tích 28.000m2. 

Ngoài ra, Hiếu luôn mua sắm đầy đủ các loại máy móc, thức ăn, thuốc men nhằm phục vụ tốt nhất cho cho việc nuôi tôm trên cát. Và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của Hiếu đã mang lại nguồn thu nhập là 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động, chủ yếu là đoàn viên thanh niên.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Nguyễn Sỹ Hiếu đã vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2015.

“Có quyết tâm ắt thành công”

Đó là câu nói của Nguyễn Lương Trọng, Bí thư chi đoàn tổ dân phố 9, phường Bắc Lý, Đồng Hới. Chứng kiến cuộc sống vất vả của gia đình, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Trọng quyết định lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Từ chủ trương dồn điền đổi thửa của chính quyền địa phương, với số vốn ít ỏi của gia đình, Trọng đã  mạnh dạn nhận 2,7 hecta đất tại đồng Ngã Ba, phường Bắc Lý và vay thêm vốn để phát triển mô hình kinh tế trang trại vườn-ao-chuồng.

Thời gian đầu, do còn thiếu kinh nghiệm trong khâu kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, nguồn vốn vay hạn chế, giá cả vật tư không ngừng tăng cao, đầu ra của sản phẩm phụ thuộc vào thương lái nên việc làm ăn của Trọng gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm vượt qua thử thách, Nguyễn Lương Trọng đã chủ động học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, áp dụng những tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt nên mô hình kinh tế trang trại của gia đình Trọng đã phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Sau hơn 7 năm, từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, với nghị lực và quyết tâm vươn lên, Nguyễn Lương Trọng đã trở thanh ông chủ của một trang trại có quy mô lớn với tổng giá trị đầu tư gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho một số lao động ở địa phương.

Không dừng lại ở đó, năm 2011, nhận thấy nhu cầu dịch vụ thuê rạp cưới, rạp sự kiện trọn gói ngày càng cao, Trọng đã đầu tư 600 triệu đồng để kinh doanh trong lĩnh vực này, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ năng động trong cách làm ăn, Trọng còn được mọi người biết đến là một cán bộ Đoàn đầy trách nhiệm với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi địa phương, được chính quyền địa phương đánh giá cao.

Những mùa quả ngọt được dệt nên từ niềm đam mê và cống hiến của những “thủ lĩnh áo xanh” đã  góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh. Và họ được ví như những bông hoa khoe sắc chào tháng ba-tháng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Nhật Văn