.

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo

Thứ Tư, 11/11/2015, 07:40 [GMT+7]
Nhiều hội nghị phổ biến pháp luật cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức.
Nhiều hội nghị phổ biến pháp luật cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức.

(QBĐT) - Đối với lĩnh vực tôn giáo, một lĩnh vực nhạy cảm thì công tác phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng.

So với cả nước, đồng bào theo đạo ở tỉnh ta không đông, khoảng 105.000 tín đồ của 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo, chiếm hơn 11% dân số của tỉnh, nhưng trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chú trọng, tập trung vào các nội dung như: Quán triệt phổ biến Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12-3-2003 của BCH Trung ương Đảng về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1-3-2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP...

Có thể nói, trong mỗi thời điểm lịch sử, ngay sau khi các văn bản QPPL của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác tôn giáo được ban hành có hiệu lực, các cơ quan Đảng, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thành phố đã tích cực tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản QPPL của Trung ương; tổ chức quán triệt, cụ thể hóa chỉ thị, chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các quyết định, chỉ thị về công tác tôn giáo của UBND tỉnh cho cán bộ lãnh đạo, cốt cán của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo.

Ban Tôn giáo tỉnh tích cực phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật; tập huấn cho cán bộ làm công tác tôn giáo cấp tỉnh, huyện, xã; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho các chức sắc các tôn giáo theo kế hoạch hàng năm của cơ quan và của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai đến cán bộ công chức các ban, ngành, đoàn thể; các xã phường, thị trấn; chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tham dự.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo đã luôn chú trọng đổi mới về hình thức; đồng thời có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ban, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện.

Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo, quán triệt, trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, tỉnh ta đã tổ chức được 60 cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến tôn giáo với hơn 70.000 lượt người tham dự; đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2003, đã tổ chức được 10 cuộc phổ biến tuyên truyền về Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khoá IX về công tác tôn giáo với 8.900 lượt người tham dự; từ năm 2004-2005, triển khai 22 cuộc phổ biến, quán triệt pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 22 của Chính thủ (nay đã được thay thế bằng Nghị định 92 của Chính phủ) trong cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện với khoảng 26.000 lượt người tham gia; riêng Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo từ khi có hiệu lực đến nay đã tổ chức được 12 cuộc phổ biến, quán triệt từ cấp tỉnh đến huyện, xã với gần 11.000 lượt người tham dự; đối với đối tượng là chức sắc, tín đồ các tôn giáo được 11 cuộc với gần 7.000 người tham dự...

Việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã đem lại sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tôn giáo và công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có sự quan tâm, đầu tư đối với công tác tôn giáo, tạo điều kiện bảo đảm bộ máy làm công tác tôn giáo ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác tôn giáo ngày càng có chiều sâu và hiệu quả hơn, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần tuý của giáo dân được các cấp các ngành quan tâm, giải quyết thoả đáng theo quy định của pháp luật.

Phần lớn chức sắc, chức việc, tín đồ hiểu rõ hơn về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, từ đó yên tâm thực hành đức tin, kết hợp hài hoà nghĩa vụ công dân và giáo dân, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào việc giữ gìn tốt trật tự an ninh ở địa phương, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Hoàng Huế
(Ban Tôn giáo tỉnh)