.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thứ Sáu, 25/09/2015, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc đào tạo còn bất cập, thừa thầy, thiếu thợ, vì vậy cần có định hướng và biện pháp đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề; quan tâm đến các cơ sở, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập...

* Ông Nguyễn Trường Giòn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Quảng Ninh:

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tôi nhận thấy, công tác chuẩn bị văn kiện công phu, chu đáo và chất lượng; bố cục chặt chẽ, hợp lý; nội dung đầy đủ, khách quan, chính xác.

Tôi đồng tình cao với đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; nguyên nhân và kinh  nghiệm. Đánh giá tổng quát đã nêu bật được những thành quả quan trọng, những hạn chế, yếu kém chủ yếu và nguyên nhân, trong đó đã nhấn mạnh những nguyên nhân chủ quan; đồng thời rút ra 5 bài học quan trọng qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Các nhận định “5 năm qua đã đạt được những thành quả quan trọng”, “nhìn lại tổng thể qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững” như vậy là phù hợp, khách quan, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn, không né tránh.

Để làm rõ thêm về phần hạn chế, yếu kém, tôi xin góp ý, như sau:

- Việc làm ở nông thôn thiếu ổn định, lực lượng lao động chính đi làm ăn xa vì vậy chưa khai thác hết mọi tiềm năng, nguồn lực lao động ở nông thôn.

- Công tác quy hoạch, quản lý, bố trí cán bộ chưa đạt yêu cầu; bộ máy hành chính cồng kềnh, hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa phát huy đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, dân chủ có lúc còn hình thức.

- Công tác quản lý văn hóa, hoạt động lễ hội còn thiếu chặt chẽ, hiện tượng một số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, văn hóa truyền thống để hoạt động mê tín dị đoan làm mất bản sắc văn hóa dân tộc, gây thiệt hại, lãng phí tiền của của nhân dân có xu hướng tăng.

- Xóa đói giảm nghèo là chủ trương đúng, nhưng việc chỉ đạo và thực hiện chủ trương này ở các địa phương không thống nhất, đang có biểu hiện chạy theo thành tích nên công tác giảm nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

- Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; tệ nạn xã hội còn nhiều phức tạp, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp.

* Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Xướng thôn Phú Vinh, xã Duy Ninh:

Tôi xin góp ý vào mục 5 "Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực", đó là:

- Việc đào tạo còn bất cập, thừa thầy, thiếu thợ, vì vậy cần có định hướng và biện pháp đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề; quan tâm đến các cơ sở, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

- Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhiều, gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, vì vậy cần xem xét lại việc đào tạo nguồn nhân lực và việc sắp xếp, bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Cần quan tâm đầu tư cho giáo dục,  bảo đảm cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy và học, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức. Đào tạo cần gắn với sử dụng, không nên đào tạo tràn lan, việc đào tạo nguồn nhân lực phải chú trọng đến thực hành, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề.

- Tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học; cần giảm về lý thuyết, tăng thực hành, chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

H.Trà (thực hiện)