.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thứ Tư, 23/09/2015, 08:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, các quan điểm phát triển trong dự thảo báo cáo đã thể hiện rõ và phù hợp. Đặc biệt là các nội dung về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình tăng trưởng, xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với phát huy quyền làm chủ của người dân và phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp tư nhân.

* Đồng chí Hoàng Thanh Cảnh, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp

Qua nghiên cứu các Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu, chu đáo, kỹ lưỡng, khoa học trong quá trình chuẩn bị văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng tình cao về bố cục vì đã bảo đảm được tính lôgíc, hợp lý và cân đối giữa các phần; nội dung sâu sắc, chất lượng, đánh giá sát đúng thực tế và có nhiều điểm đổi mới hơn so với các kỳ đại hội trước. Tuy nhiên, tôi cũng xin mạnh dạn có một số ý kiến đề xuất chỉnh sửa, bổ sung thêm.

Cụ thể, về Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng:

Phần đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới:
Trang 3, đầu câu có viết cụm từ “Năm” nên sửa thành số “5” cho phù hợp với ngữ cảnh.
Trang 5, dòng 9 ở trên xuống bổ sung thêm cụm từ “nhất là giáo dục và đào tạo” vào cuối câu.
Trang 5, dòng 12 bổ sung thêm cụm từ “và có chiều hướng gia tăng, việc chạy chức, chạy quyền vẫn còn tiếp diễn” sau cụm từ ...chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Phần mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020:

Trang 9, dòng 3 theo tôi nên thay cụm từ “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng” thành cụm từ “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cầm quyền”.

Trang 9, dòng 4 từ dưới lên cần nói rõ thêm “và chất lượng đào tạo, không chạy theo số lượng” trong cụm từ “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Phần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước:

Trang 13 phần “phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” ở dòng 29 nên bổ sung thêm dòng: có chính sách hỗ trợ phát triển bền vững các vùng còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung “hình thành và phát triển nông nghiệp hàng hoá”.

Phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực:

Trang 19, dòng thứ 3 trên xuống, đề nghị bổ sung thêm ý “tri thức kết hợp hài hoà với kỹ năng sống” vào cuối cụm từ “... học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”.

Phần Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng:

Trang 35, dòng 13 trên xuống câu “Trong những năm tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI” nên viết lại “Trong những năm tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI một cách kiên quyết và kiên trì.”

Trang 37, dòng 8 đề nghị bổ sung cụm từ “quyền hạn, trách nhiệm” sau cụm từ “chức năng, nhiệm vụ”. Câu đó viết lại là: “Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phương thức hoạt động của các tổ chức;...”.

* Đồng chí Lê Thanh Bình, tổ trưởng tổ chuyên môn Lịch sử, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp

Vừa qua tôi đã nghiên cứu kỹ các Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tôi thống nhất cao với nội dung đánh giá của các Dự thảo văn kiện.

Đặc biệt phần Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020: Có thể nói, bối cảnh trước và sau Đại hội XI, báo cáo nêu đã sát và phù hợp với tình hình thực tiễn; dự thảo báo cáo đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém đã đầy đủ và phản ánh đúng với thực tiễn; Những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế yếu kém trong dự thảo báo cáo rất đầy đủ và xác đáng.

Tôi thấy rằng, nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội là: nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân... chưa đủ rõ và chưa thống nhất. Phương thức lãnh đạo quản lý kinh tế-xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Khả năng phân tích, dự báo còn bất cập, phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức còn nhiều mặt hạn chế.

Để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, các quan điểm phát triển trong dự thảo báo cáo đã thể hiện rõ và phù hợp. Đặc biệt là các nội dung về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình tăng trưởng, xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với phát huy quyền làm chủ của người dân và phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp tư nhân.

Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội, môi trường trong dự thảo báo cáo là phù hợp. Trong đó về nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 6,5-7%/năm là khá cao đề nghị điều chỉnh là 6,2-6,7%/năm.

Và tôi hoàn toàn nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm tới. Trong đó, cần: Quan tâm hình thành các cụm công nghiệp để hỗ trợ sản xuất.

Nội Hà (thực hiện)