.
Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2015):

Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn Quảng Bình 69 năm xây dựng và phát triển

Thứ Ba, 28/07/2015, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 86 năm, ngày 28-7-1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón-Hà Nội, một sự kiện chính trị lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam-Đại hội thành lập Tổng công hội đỏ Bắc kỳ. Đây là tổ chức công đoàn đầu tiên ở Việt Nam, do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo, là tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam (CĐVN) ngày nay.

Trải qua 86 năm hoạt động, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, dù ở thời kỳ nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, CĐVN luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích dân tộc, quyền lợi của giai cấp công nhân, của người lao động; không xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vận động, tập hợp CNVCLĐ đi đầu trong mọi phong trào hành động cách mạng. Nhiều thế hệ cán bộ CĐVN đã tận tụy, hết mình để viết nên trang sử hào hùng của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam.

Cũng như giai cấp công nhân Việt Nam, công nhân lao động Quảng Bình ra đời và hình thành sau 2 cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Là một tỉnh nhỏ lẻ ở miền Trung thuần tuý về nông nghịêp, giai cấp công nhân Quảng Bình hình thành chậm, chủ yếu xuất thân từ nông dân và số lượng ít so với các khu vực trong cả nước. Họ bị thực dân Pháp tước hết mọi tư liệu sản xuất, trở thành người vô sản, rơi vào tình cảnh khó khăn, phải đem ruộng cầm cố cho địa chủ và bị gán nợ... dẫn đến bần cùng hoá, trở thành lao động làm thuê tự do. Cùng với lực lượng lao động chuyên nghiệp ngành giao thông lúc đó - đường sắt và đường bộ trên tuyến  quốc lộ 1  đã thu hút một lực lượng lao động ở nông thôn, họ tập hợp thành đội ngũ công nhân chủ yếu đầu tiên ở Quảng Bình...

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta chuyển sang một giai đoạn cách mạng mới, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và Công đoàn Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng, bắt tay vào khôi phục hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tháng 3 năm 1976, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Trong 13 năm sáp nhập tỉnh, CNVCLĐ và tổ chức công đoàn Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội IV, V, VI của Đảng và các nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ I, II, III, IV, xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên giàu mạnh.

Những năm đầu tái lập tỉnh, mặc dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, hậu quả chiến tranh còn nặng nề, kinh tế chậm phát triển, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lực lượng CNVCLĐ phát huy truyền thống của những người con trên quê hương “Hai giỏi”, cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất và đời sống; khôi phục kinh tế, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu...

Trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và 25 năm tỉnh Quảng Bình trở về địa giới hành chính cũ, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Quảng Bình đã tập trung xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng tổ chức Công đoàn vững vàng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Chú trọng nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt cho cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ học vấn và tay nghề cao, không ngừng vươn lên làm tròn trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của mình, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng; lực lượng đi đầu thực hiện sự  nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cơ sở hạt nhân của khối đại đoàn kết, liên minh giai cấp.

Bằng nhiều hoạt động phong phú và thiết thực, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tập hợp, động viên đông đảo CNVCLĐ tham gia các phong trào hành động cách mạng, các cuộc vận động, tích cực và đi đầu trong việc giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động xã hội. Từ các phong trào “ba điểm cao, ba cải tiến” của ngành Giao thông vận tải, “5 nhất”  của Cơ khí 3-2, Nông trường Lệ Ninh; “5 không” của ngành Bưu điện, “3 tốt” Công đoàn Ngân hàng, “3 nhất” của Đoạn I, Đoạn II ngành Giao thông vận tải, “3 nhất, 4 không” của Công ty đường dây Công nghiệp, “Đã giao việc phải là người tiên tiến” của Công đoàn ngành Giáo dục... những năm đầu thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh và ngày nay với các phong trào thi đua "Hai tốt" của ngành Giáo dục; "12 điều y đức", "10 điều dược đức" của ngành Y tế; "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi" trong các ngành kinh tế-kỹ thuật; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu" của Công đoàn Viên chức; phong trào "Thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH Nông nghiệp và phát triển Nông thôn"... đã góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Sau 69 năm xây dựng và phát triển, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực, tăng về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên. Từ 5 Công đoàn huyện, thị xã, 10 công đoàn ngành và 577 công đoàn cơ sở với khoảng 2,4 vạn đoàn viên lao động (tháng 7-1989, sau khi tách tỉnh), đến nay tổ chức bộ máy Công đoàn Quảng Bình có 8 Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, 6 công đoàn ngành, 1 công đoàn viên chức với 1.095 công đoàn cơ sở, tập hợp trên 60.000 đoàn viên, lao động. Tỷ lệ công đoàn cấp trên cơ sở hoạt động toàn diện và toàn diện xuất sắc, vông đoàn cơ sở đạt vững mạnh và vững mạnh xuất sắc, đoàn viên công đoàn xuất sắc được tăng lên qua mỗi nhiệm kỳ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; được Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Quảng Bình luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người lao động. Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh; vị thế của tổ chức công đoàn trong xã hội ngày càng được nâng lên.

Lê Thuận Văn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ Quảng Bình