.

Khi "nhóm nòng cốt" phát huy hiệu quả

Thứ Tư, 15/07/2015, 09:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Hướng đến một môi trường sống lành mạnh, không có tranh chấp, kiện tụng, người dân hoà đồng, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau là mục đích mà những người làm công tác mặt trận trên địa bàn tỉnh ta luôn hướng đến. Xuất phát từ mục đích đó, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật đến tận người dân ở từng khu dân cư. Sự ra đời của các “nhóm nòng cốt” ở khu dân cư chính là một trong những “điều kiện cần” để hiện thực hóa điều đó.

Căn cứ nội dung Đề án 02-212/TTg về “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp với chính quyền các cấp thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện.

Trong đó, xác định việc xây dựng các “nhóm nòng cốt” trên cơ sở lựa chọn những cá nhân thật sự uy tín, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục và tinh thần trách nhiệm cao tại địa bàn mỗi khu dân cư được xem là khâu then chốt. Để hoạt động, mỗi “nhóm nòng cốt” cần có khoảng từ 6 đến 10 thành viên bao gồm đại diện của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, các chi hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, Nông dân, Người cao tuổi... và một số cá nhân am hiểu pháp luật khác. Qua quá trình hoạt động, có thể thấy, các “Nhóm nòng cốt” đã thật sự đóng vai trò hạt nhân, chủ đạo trong tuyên truyền và vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở địa bàn khu dân cư.

Hoạt động của nhóm nòng cốt góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn ở các địa phương.
Hoạt động của nhóm nòng cốt góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn ở các địa phương.

Để nắm bắt thực trạng hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân tại các khu dân cư về một số lĩnh vực như: bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, cải cách thủ tục hành chính; hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo; bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện dân chủ cơ sở, các “nhóm nòng cốt” đã tích cực xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong mỗi tháng, hằng quý, hằng năm hoặc theo từng thời điểm cụ thể phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đặc biệt khi có những chủ trương, chính sách, quy định mới của Trung ương và địa phương thì các “nhóm nòng cốt” sẽ tổ chức họp nhóm, phân công nhiệm vụ và bàn kế hoạch tổ chức tuyên truyền một cách cụ thể. Những khu dân cư là “điểm nóng” về vi phạm pháp luật, tập trung nhiều thanh niên hư hỏng hoặc có khả năng phát sinh các tệ nạn xã hội thì thành viên các “nhóm nòng cốt” phối hợp với lực lượng chức năng (như công an thôn, công an xã...) và gia đình tiến hành giải thích, vận động họ tự nguyện từ bỏ các tật xấu, tránh xa tệ nạn, phấn đấu trở thành người công dân tốt.

Nhờ được trang bị các tài liệu, văn bản pháp luật, được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền cộng với sự nhiệt tình, năng nổ của các thành viên nên hoạt động của các “nhóm nòng cốt” thời gian quan đã thực sự phát huy được hiệu quả.

Hiện nay, với 544 nhóm nòng cốt và 236 “Điểm sáng chấp hành pháp luật”, công tác tuyền truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh ta đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.

Nhận xét về hiệu quả của mô hình này, ông Phạm Đức Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh nhấn mạnh: Các nhóm nòng cốt trên địa bàn tỉnh ta tuy thời gian thành lập và hoạt động chưa phải là dài nhưng hiệu quả thì đã được chứng minh qua thực tiễn hoạt động. Sự ra đời của mô hình này đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người. Tỷ lệ “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa” cũng nhờ đó tăng đáng kể. Phát huy tốt vai trò của nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh đã góp phần không nhỏ cùng với Đảng bộ, chính quyền vượt qua mọi khó khăn, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đ.V

Tổ chức 54 buổi tập huấn về công tác tuyên truyền pháp luật ở khu dân cư

Để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về pháp luật, thời gian qua, Ban điều hành Đề án 02-1133 tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn Ban điều hành đề án các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Ban điều hành Đề án 02-1133 tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức được 54 buổi tập huấn về công tác tuyên truyền pháp luật cho hơn 465 cán bộ Mặt trận cấp xã và Ban công tác Mặt trận, cán bộ chi đoàn, chi hội, “nhóm nòng cốt" ở khu dân cư. Đồng thời, tổ chức 843 buổi tuyên truyền với trên 50.037 lượt người tham dự.

P.V