.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020:

Cần xem xét để điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế cho phù hợp

Thứ Tư, 15/07/2015, 08:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện tại, trừ thành phố Đồng Hới và một phần của thị xã Ba Đồn, còn lại lực lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ còn cao, do đó, tôi đề nghị cần phải xem xét để điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế cho phù hợp. Trong dự thảo đến năm 2020 về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ 17,5% là chưa phù hợp, theo tôi, nên điều chỉnh chiếm khoảng 23-25% mới sát thực tế hơn.

* Đồng chí Hoàng Minh Phương, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa

Đồng chí Hoàng Minh Phương.
Đồng chí Hoàng Minh Phương.

Trước hết tôi đồng tình và nhất trí chủ đề Đại hội và các nội dung trong dự thảo. Về kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đánh giá một cách đúng đắn, khách quan về những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2010-2015.

Riêng về phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu trong 5 năm tới, tôi xin góp ý kiến bổ sung, điều chỉnh một số nội dung như sau: Đối với các chỉ tiêu định hướng đến năm 2020 (trang 26) về lĩnh vực kinh tế, thứ nhất, trong dự thảo, cơ cấu kinh tế... Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 17,5%; Công nghiệp-xây dựng chiếm 27,5%; Dịch vụ chiếm 55%, theo tôi, với xu thế phát triển và định hướng cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ là đúng và có cơ sở, nhất là về dịch vụ, du lịch. Nhưng với tiềm năng lợi thế của tỉnh ta thì lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã và đang có xu hướng phát triển khá tốt như: phát triển cây cao su, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản... đã đưa lại giá trị kinh tế cao, vừa giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ.

Hiện tại, trừ thành phố Đồng Hới và một phần của thị xã Ba Đồn, còn lại lực lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ còn cao, do đó, tôi đề nghị cần phải xem xét để điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế cho phù hợp. Trong dự thảo đến năm 2020 về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ 17,5% là chưa phù hợp, theo tôi, nên điều chỉnh chiếm khoảng 23-25% mới sát thực tế hơn.

Thứ hai, tôi đề nghị nên thay đổi cụm từ “Tiếp tục đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng”, sang cụm từ “Hoàn thành việc giao đất, giao rừng”, và bổ sung thêm nhiệm vụ “Chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế”. Bởi vì, thứ nhất, có giao được đất và rừng đến hộ gia đình hoặc tổ chức hay cá nhân, lúc đó mới chuyển đổi được mục đích sử dụng và phát huy được hiệu quả của rừng. Thứ hai, có chuyển đổi được diện tích rừng nghèo, mới thực hiện được chỉ tiêu trồng mới 5.000ha rừng/năm và độ che phủ rừng mới đạt tỷ lệ 69-70%.

Đối với vấn đề phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân (tại trang 42), trong dự thảo xác định “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”.

Theo tôi đề nghị nên đưa cụm từ “Tăng cường” vào thay cụm từ “Tiếp tục”. Bởi vì qua nhiều năm thực hiện đổi mới nhưng thực tế kết quả đem lại chưa cao, thậm chí có một số nơi lĩnh vực này hoạt động còn mang tính hình thức, đặc biệt là ở cấp xã, phường, thị trấn. Do đó, tôi đề nghị cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong việc tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân một cách thiết thực, có hiệu quả, đặc biệt là ở cấp xã, thôn và ở bản, tổ dân phố. Vì đây là những nơi trực tiếp phát huy dân chủ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân...

Văn Minh (thực hiện)