.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2015

Thứ Hai, 08/06/2015, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Tham luận của đại biểu Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình về tình hình kinh tế-xã hội, năm 2015.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tham gia đầy đủ và tích cực trong các phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tham gia đầy đủ và tích cực trong các phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII.

Qua xem xét Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, tôi nhận thấy, trong những tháng đầu năm 2015, bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô có xu hướng ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cung cầu hàng hóa tiêu dùng được bảo đảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Tăng trưởng GDP phục hồi, tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng trưởng của quý I trong các năm gần đây và cao hơn nhiều so với mức tăng 5,3% của cùng kỳ 2014. Nguồn thu nội địa đạt khá, phản ánh xu hướng phục hồi của nền kinh tế; lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ; các lĩnh vực đời sống, văn hóa, phúc lợi và an sinh xã hội tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, thực tế cho thấy, khó khăn vẫn còn nhiều: Kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng còn khó khăn, thể hiện ở một số mặt, như: Lãi suất thực còn ở mức cao, hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và lạm phát hơn 4%/năm. Chúng ta khuyến khích người dân gửi tiết kiệm nhưng khuyến khích đầu tư còn hạn chế. Giá cả một số mặt hàng nhà nước quản lý điều chỉnh tăng, như: điện, nước, dịch vụ y tế...; giá xăng dầu tăng trở lại do giá dầu thế giới tăng và chính sách tiền tệ - tài khóa “nới lỏng” hơn năm 2014. Bội chi ngân sách nhà nước ở mức cao, nợ công tăng. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn.

Đáng lưu ý là, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là lĩnh vực được Quốc hội đề cập rất nhiều, nhưng mức đầu tư cho khu vực này còn thấp. Đến nay, tăng trưởng khu vực nông nghiệp chỉ đạt 2,14%, thấp hơn mức tăng 2,68% cùng kỳ năm 2014; đặc biệt, hiện nay hạn hán nặng xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nhân dân. Sản lượng lương thực vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Trung bộ giảm (theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giảm 200.000 tấn); kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm, tiêu thụ nông sản khó khăn.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 5,82%, thấp hơn mức tăng 5,9% cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân cơ bản là do lượng khách du lịch và dịch vụ du lịch giảm; sản phẩm du lịch chất lượng còn thấp; quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều vấn đề bất cập, như: niêm yết giá, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, vấn đề văn hóa du lịch, môi trường,...

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao và xử lý chậm. Đến cuối tháng 2, tỷ lệ nợ xấu khoảng 3,59% so với tổng dư nợ, tăng so với cuối năm 2014. Nguyên nhân cơ bản là do một số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giải thể, ngừng sản xuất; các khoản nợ được cơ cấu lại không thu hồi đúng hạn chuyển sang nợ xấu; nhiều nơi xử lý nợ xấu rất khó khăn do gặp trở ngại trong việc phát mại tài sản thế chấp, thủ tục phát mại tài sản phức tạp, kéo dài, vướng mắc.

Từ tình hình trên, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

(1) Trước hết, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tăng khả năng vay vốn của doanh nghiệp và hỗ trợ sản xuất, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn. Kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh, có cơ chế cụ thể để tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm.

Tích cực xử lý nợ xấu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế xuống dưới 3% và tháo “nút thắt” trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tăng quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc mua, bán các khoản nợ xấu, phát mại tài sản để thu hồi nợ, tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

(2) Đề nghị tăng khuyến khích xuất khẩu, thu hút khách du lịch và vốn đầu tư nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các địa phương có lợi thế phát triển du lịch; chú trọng đầu tư cho các địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch hang động, như du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, hang động Thiên Đường, hang động Sơn Đoòng-là những hang động nổi tiếng thế giới.

Chúng ta biết rằng, Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới-Đó không chỉ là di sản của địa phương, mà còn là di sản của cả nước, cả thế giới. Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng cùng với hệ thống hang động nổi tiếng là một lợi thế để phát triển du lịch của địa phương và cả nước, cần phải được bảo vệ, khai thác có hiệu quả trong chiến lược phát triển du lịch sắp tới. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách; đầu tư hạ tầng du lịch; kêu gọi đầu tư các dự án động lực để khai thác lợi thế, tạo sự bứt phá trong phát triển du lịch hang động; đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch ở các thị trường nước ngoài cho địa phương.

(3) Thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn trước mắt và lâu dài đối với sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, có biện pháp chống hạn, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất khá nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, có cơ chế mạnh trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là về chế biến và tiêu thụ nông sản nhằm giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, trong đó chú trọng một số vấn đề, như: tiếp tục rà soát, chỉ đạo thực hiện chính sách nhà ở tránh lũ cho các tỉnh thường xuyên bị lũ lụt nặng; quan tâm đầu tư hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cho các tỉnh, các vùng khó khăn giáp biên giới Việt-Lào ở miền Trung, Tây Nguyên; tăng vốn đầu tư duy tu, bão dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi, hồ chứa ở các tỉnh Bắc Trung bộ để chống lũ quét trong mùa mưa bão sắp tới. Đối với các khu neo đậu tàu thuyền chống bão ở các tỉnh miền Trung, cần có kế hoạch chỉ đạo khảo sát cụ thể, có phương án đầu tư xây dựng, tu bổ sớm. Vấn đề này, đã có chính sách quy định khá cụ thể trong Nghị định 67/NĐ-CP, vì vậy cần tập trung chỉ đạo đầu tư vốn cho các địa phương triển khai thực hiện.

(4) Thực tế cho thấy, hiện nay việc triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng còn chậm. Chúng ta đã xác định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng; hiện nay có một số vùng động lực được đầu tư phát triển khá tốt, nhưng vẫn còn một số vùng chưa được quan tâm đầu tư, chủ yếu rơi vào địa bàn các tỉnh khó khăn, nhất là một số tỉnh chậm phát triển ở vùng Bắc Trung bộ còn thiếu các dự án có tính động lực phát triển. Để các địa phương có sự phát triển đồng đều, tránh sự tụt hậu so với các địa phương khác, đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo, kêu gọi các dự án đầu tư cho các tỉnh khó khăn; có sự đổi mới trong quan điểm đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, trong đó, cần quy hoạch, quan tâm kêu gọi đầu tư những dự án có tính động lực cho các tỉnh khó khăn, nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các tỉnh trong khu vực, trong các vùng kinh tế.

(5) Vấn đề cuối cùng là, việc quản lý nhà nước về tài nguyên, khai thác khoáng sản thời gian qua còn có những bất cập; một số nơi quản lý lỏng lẽo, thiếu bài bản, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Ví dụ:

- Về tình trạng khai thác cát ở lòng sông, ven biển; hiện nay, tại nhiều địa phương có một số tàu lớn của doanh nghiệp vào hút cát một lượng lớn, có nguy cơ làm xói lở bờ sông, đe dọa đến việc gây sụt lở đất ở và đất sản xuất, làm cho nhân dân nhiều nơi rất bức xúc. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động của dự án để bảo đảm tính an toàn cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm và quản lý chặt chẽ việc nạo vét, hút cát ở lòng sông, ven biển, nhất là những nơi có đông dân cư.

- Về việc khai thác cát trắng để chế biến sản phẩm thủy tinh cao cấp tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình; mặc dù, địa phương không đồng ý cho Tổng Công ty Vigracera khai thác cát ở nơi đây để đưa đi bán nơi khác; nhân dân địa phương cho rằng, đây là tình trạng bán tài nguyên của địa phương. Tỉnh đã có ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng, để khai thác cát ở địa phương thì cần đầu tư một nhà máy chế biến cát tại chỗ nhằm giải quyết việc làm cho lao động và phát triển kinh tế của địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị về vấn đề trên, nhưng Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng nghiên cứu kỹ vấn đề này để có giải pháp phù hợp nhằm giải quyết theo yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân địa phương.

- Về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch khai thác mỏ vàng Xà Khía ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nhưng không bàn bạc, phối hợp với tỉnh. Điều này gây dư luận không tốt trong nhân dân địa phương; nhân dân 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh lo ngại quá trình khai thác sẽ phá hỏng rừng đầu nguồn, dẫn đến nguy cơ lũ quét lớn, tai họa khôn lường. Tỉnh cũng đã có ý kiến không đồng ý với việc khai thác nếu không có phương án tốt. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét kỹ lại vấn đề này, phối hợp với tỉnh Quảng Bình để bàn bạc, cân nhắc, tìm phương án giải quyết phù hợp, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn.