.

Bão số 10 và bài học ứng phó thiên tai

Thứ Bảy, 23/09/2017, 19:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Bão số 10 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm qua. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương và áp dụng triệt để phương châm “4 tại chỗ”, Quảng Bình đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra. Từ “siêu bão” này, tỉnh ta đã rút ra được những bài học quý về ứng phó với thiên tai.

Chủ động “đón” bão

Ngày 14-9-2017, khi những tin tức về cơn bão số 10 tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở Quảng Bình, công tác phòng, chống bão cũng được triển khai nhanh chóng, kịp thời và đầy quyết tâm.

Từ Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đại diện các bộ, ngành liên quan đã có mặt tại những điểm xung yếu để chỉ đạo, như: khu neo đậu tránh trú bão cảng Gianh, cảng Hòn La. Tiếp đó, các đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng tỏa về tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để tập trung chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 10. Phương châm “4 tại chỗ” được thực hiện triệt để ở tất cả các địa phương, đơn vị.

Rút kinh nghiệm từ đợt mưa bão tháng 10-2016, công tác neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa được triển khai ngay khi vừa có tin bão. Đến 16 giờ cùng ngày, khu neo đậu tránh trú bão cảng Gianh đã có trên 750 tàu cá về neo đậu. Tại âu thuyền bắc Roòn (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch), nếu tháng 10-2016, chỉ lác đác tàu cá về neo đậu, thì trước bão số 10, hàng trăm tàu cá của ngư dân trong khu vực đã về đây neo đậu an toàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã trực tiếp chuyện trò, động viên nhiều ngư dân đang neo đậu tàu thuyền tại hai địa điểm này, đồng thời yêu cầu các ngư dân trong trường hợp khẩn cấp phải rời tàu để về nơi trú ẩn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng trong mọi tình huống. Người dân sống trong các vùng xung yếu được khẩn trương di dời và công tác chằng chống nhà cửa cũng được hoàn thành trong chiều 14-9.

Cùng với các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí ở Quảng Bình, như: Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, các trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh, tin nhắn cảnh báo qua điện thoại..., đã liên tục cập nhật tin bão, chia sẻ những thông tin cần thiết khi bão đổ bộ để người dân chủ động ứng phó.

Ngành Giáo dục – Đào tạo chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 15 và 16-9. Các ngành khác, như: Giao thông vận tải, Điện lực, Viễn thông, lực lượng vũ trang, y tế... đều sẵn sàng triển khai các phương án để chủ động đối phó với những hậu quả do bão số 10 gây ra.

Bám sát cơ sở, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”

Từ khoảng 1 giờ sáng ngày 15-9, bắt đầu những trận gió kèm theo mưa lớn. 7 giờ sáng, tại tất cả các cơ quan, công sở trong tỉnh, công tác phòng, chống bão số 10 đã sẵn sàng. Về phía người dân, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng suốt trong ngày 14-9, hầu hết đều ở trong nhà tránh bão hoặc trú ẩn ở nơi an toàn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Đăng Quang kiểm tra công tác phòng, chống bão  tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch).
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Đăng Quang kiểm tra công tác phòng, chống bão tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch).

Để bám sát diễn biến và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 10, lúc này, các đoàn công tác của tỉnh, huyện vẫn có mặt tại nhiều điểm xung yếu, thường xuyên cập nhật tình hình hệ thống hồ đập thủy lợi, khu neo đậu tàu thuyền, vùng biển, vùng miền núi có nguy cơ sạt lở. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các địa phương cũng phân công nhau trực 24/24 giờ tại trụ sở, duy trì thông tin liên lạc, cập nhật tình hình thường xuyên tại các khu dân cư để kịp thời ứng phó. Lực lượng vũ trang có mặt tại tất cả các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là tại những khu vực xung yếu, với các phương án sẵn sàng đối phó với bão số 10.

Ngay trong thời điểm bão đổ bộ vào sáng 15-9, khi hệ thống điện bị ảnh hưởng và toàn tỉnh bị cắt điện, tại các cơ quan, công sở, trong đó có Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng, bệnh viện, công ty viễn thông... đã sử dụng hệ thống máy phát điện dự phòng, bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt để cập nhật tình hình từ cơ sở, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân trong bối cảnh đầy khó khăn khi bão đổ bộ.

Sau hơn 10 tiếng đồng hồ hoành hành, bão số 10 suy yếu dần, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thiệt hại về con người, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đã được hạn chế đến mức thấp nhất so với cường độ của bão. Số tàu thuyền tại các khu neo đậu, trong đó có nhiều tàu trị giá hàng tỷ đồng hầu hết đều an toàn. Đây được xem là “thắng lợi lớn” trong việc “đối đầu” với thiên tai.

Tất cả cùng chung tay

Sau những thiệt hại nặng nề do bão số 10 gây ra, sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương tại thành phố Đồng Hới đã kịp thời chia sẻ, động viên các cấp, ngành, địa phương và người dân trong việc khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước đó, hàng ngàn cây xanh và hai cổng chào lớn tại trung tâm thành phố gãy đổ đã gây tắc đường cục bộ. Ngay sau khi bão số 10 giảm cường độ, các lực lượng đã có mặt, thu dọn, cơ bản để thông đường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác phòng, chống bão của Quảng Bình và khẳng định “Quảng Bình đã rất chủ động trong công tác ứng phó với bão nên đã giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là về tính mạng người dân”.

Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lần thứ 33, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh: “Qua bão số 10, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với thiên tai.

Đó là sự chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành; bám sát diễn biến tình hình, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, áp dụng các biện pháp phòng chống cụ thể, phù hợp với từng địa phương; phát huy tinh thần và ý thức tự giác của nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); chủ động phòng ngừa, ứng phó nhanh, hạn chế thiệt hại; tăng cường chỉ đạo các lực lượng vũ trang bám địa bàn, đồng hành cùng nhân dân trong quá trình phòng, chống và khắc phục hậu quả; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị, đặc biệt là ở cơ sở, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu...”.

Những ngày qua, Quảng Bình như một “đại công trường”. Hàng trăm ngôi trường, hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập, đã nhanh chóng được lực lượng tình nguyện và thầy cô giáo chung tay sửa chữa. Cán bộ, công nhân các ngành Điện, Giao thông vận tải, Viễn thông... làm việc xuyên đêm để khắc phục hậu quả kịp tiến độ. Cảnh quan đô thị, giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường... nhanh chóng trở nên phong quang, sạch đẹp nhờ sự nỗ lực chung tay của lực lượng chức năng và mỗi một người dân. Lực lượng vũ trang đã kịp thời có mặt tại các địa bàn bị thiệt hại nặng để sửa chữa nhà cửa, đồng hành cùng nhân dân vượt qua khó khăn.

Người trồng rừng, trồng cao su giữa ngổn ngang đổ nát vẫn cố cứu vớt những cây xanh còn gốc, hy vọng sự hồi sinh của những cánh rừng. Và đến thời điểm này, các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã có những món quà đầu tiên đến với người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 10 để cùng nhau vượt qua gian khó.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định: “Cùng với sự quan tâm của Trung ương, tinh thần chủ động của các cấp chính quyền, kinh nghiệm của người dân kết hợp với phương châm 4 tại chỗ, không chủ quan trong công tác phòng chống bão là mấu chốt quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, cơ quan dự báo của Trung ương cũng đã dự báo sớm và khá chính xác, công tác truyền thông tích cực và hiệu quả, nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại do bão số 10. Đây được xem là “thắng lợi lớn” trong phòng, chống thiên tai ở Quảng Bình.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái “được” rút ra từ cơn bão số 10, vẫn còn đó những điều cần rút kinh nghiệm. Đó là, mặc dù đã được cảnh báo nhưng một số người dân vẫn rất liều khi cố chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, nhặt các tấm tôn bị gió thổi bay ngay trong thời điểm bão đang đổ bộ. Việc hai người bị tử vong do bão số 10 cũng bắt nguồn từ sự sơ ý trong khi chằng chống nhà cửa.

Sau bão, khi cường độ gió vẫn còn rất mạnh và nước sông dâng cao, nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em, vẫn đi thả lưới, nhặt củi.... Đây là những vấn đề cần khắc phục để tiếp tục hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả của thiên tai trong tương lai.

Quảng Bình cần phát huy những bài học này, đồng thời cần có các phương án lâu dài trong quy hoạch và phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, thích ứng với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả khi có thiên tai xảy ra. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng là quyết tâm của Quảng Bình sau những thiệt hại do bão số 10 gây ra.

Ngọc Mai