.

Quá tải các khu neo đậu tàu thuyền

Thứ Năm, 24/08/2017, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay: “Hiện nay, tỉnh có 3 khu neo đậu (KNĐ) tránh trú bão cho tàu thuyền với tổng cộng sức chứa gần 1.000 tàu có công suất dưới 300CV. Nhưng, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 tàu thuyền có công suất từ 30CV trở lên, trong đó có trên 1.000 tàu có công suất trên 300CV. Vì vậy, Quảng Bình đã quá tải KNĐ. Cứ mỗi lần báo bão là ngư dân trong tỉnh lại lo lắng để tìm nơi tránh trú cho tàu bè…”.

Chật cứng trước mỗi cơn bão lũ

Trước cơn bão số 4, chúng tôi đã cùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra các KNĐ, nơi tập kết của tàu thuyền tránh bão. Tại KNĐ Sông Gianh (xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch), san sát tàu lớn, tàu nhỏ. Ngay sát sân bê tông là hai chiếc tàu gỗ có công suất gần 1.000CV được bố trí cặp mạn. Kế tiếp là tàu được xếp lối cạnh nhau”.

Ngư dân neo tàu ở khu neo đậu Cửa Thôn (Bảo Ninh, TP.Đồng Hới).
Ngư dân neo tàu ở khu neo đậu Cửa Thôn (Bảo Ninh, TP.Đồng Hới).

Ông Nguyễn Đăng Thảo, Giám đốc KNĐ nhìn ra phía âu thuyền không còn chỗ trống rồi lo lắng: “Hiện KNĐ đã xếp gần 400 tàu vào rồi. Trong đó, khoảng 140 tàu có công suất từ 300-1.000CV. Như vậy là đã quá tải lớn rồi.

Nếu tàu của ngư dân tiếp tục vào thì chúng tôi cũng không thể tiếp nhận được”. Cũng theo ông Thảo, vì KNĐ quá tải nên buộc phải xếp tàu chật cứng như vậy. Ngư dân Trương Lộng bước từ tàu này qua tàu khác thăm hỏi tình hình rồi quay về tàu mình, nhìn cảnh tượng tàu san sát lo lắng: “Nếu có gió lớn thì tàu bè chen như nêm sẽ va đập, nguy hiểm lắm”.

Phía bắc của tỉnh, có KNĐ Roòn (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) được đưa vào sử dụng trong năm nay. KNĐ này có công suất cho 280 tàu dưới 300CV. Tuy nhiên, mặt nước của KNĐ cũng không còn chỗ trống. Ông Thảo cho hay: “Anh em đã cố gắng xếp vào đây trên 300 tàu rồi. Nếu thêm tàu nữa cũng không có đường quay trở và tàu cứ kẹt cứng với nhau”.

“Hiện nay, ngư dân rất chú trọng việc đầu tư đóng tàu mới có công suất lớn để vươn khơi, bám biển.

Trung bình hàng năm, Quảng Bình có thêm 70-100 tàu công suất trên 900CV đóng mới và đưa vào sử dụng.

Chính vì vậy, nhu cầu có một KNĐ quy mô lớn là rất cấp bách” - ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định.

Tại KNĐ Cửa Thôn (Bảo Ninh-TP.Đồng Hới), dù mới được đưa vào sử dụng trong năm nay nhưng cũng đã quá tải. KNĐ này chứa được 270 tàu từ 300CV trở xuống.

Với công suất này, KNĐ vừa đủ chứa cho đội tàu biển của xã Bảo Ninh là hết. Còn lại đội tàu hàng trăm chiếc của ngư dân xã Quang Phú, phường Hải Thành (TP.Đồng Hới) đành phải tốc lực ngược dòng Nhật Lệ lên neo tránh ở vùng Chợ Gộ (huyện Quảng Ninh), chờ ngày bão lũ tan mới quay về.

Ngư dân Nguyễn Văn Tứ  (phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn), chủ tàu công suất 900CV, bộc bạch: “Vì chật chỗ nên tàu vào KNĐ Sông Gianh phải xếp san sát nhau. Mũi, lái để cách nhau không được  mấy gang tay.

Vào neo cũng đã khó. Khi tan bão, cho tàu ra cũng khó hơn. Quay tới, de lui, mắc kẹt lấy nhau. Có khi cả ngày mới de được tàu ra khỏi âu. Những lúc đó, bà con hay gọi là kẹt tàu. Kẹt tàu trong KNĐ cứ như cảnh kẹt xe ô tô ở các thành phố lớn”.

Những năm gần đây, do lượng tàu tránh trú bão quá lớn, nên ngư dân Quảng Bình còn có các vùng trốn bão “tự phát” khác. Đó là vịnh của Cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch) và các điểm ở thượng nguồn sông Nhật Lệ (vùng Chợ Gộ) và vài điểm ở nơi khuất của các cồn nổi phía đầu nguồn sông Gianh thuộc các xã vùng nam huyện Quảng Trạch.

Tuy nhiên, vì không an toàn nên thiệt hại đã xảy ra làm điêu đứng nhiều gia đình. Tại khu vịnh cảng Hòn La, trong trận bão của cuối năm 2013 và cơn bão số 2 năm nay, gió to, sóng lớn đã nhấn chìm, đánh vỡ trên 60 tàu cá, tàu hàng... Tổn thất lên đến cả vài trăm tỷ đồng.

Những điểm neo tàu phía thượng nguồn sông Nhật Lệ hay sông Gianh cũng là điều bất đắc dĩ. Dù ngư dân đã được hướng dẫn thả neo, tăng thêm dây thừng cỡ lớn chằng néo tàu theo đúng quy trình, nhưng gió kết hợp với lũ lớn đã giật đứt dây neo làm đắm tàu, đẩy tàu trôi dạt ra biển. Đã xảy ra trường hợp cả ngư dân lẫn tàu neo ở cồn nổi bị lũ cuốn ra biển mất tích.

Cũng trong đợt bão lũ cuối năm 2013, hàng chục tàu cá lên trú bão ở vùng Chợ Gộ bị mắc cạn. Anh Nguyễn Văn Hải (xã Bảo Ninh TP.Đồng Hới) kể lại: “Đợt bão năm đó, tui đưa tàu 500CV lên vùng Chợ Gộ với mấy anh em khác. Khi lũ lên, nước xiết buộc phải đưa tàu vô sát bờ để tránh lũ. Sáng ra, lũ rút nhanh, mười mấy con tàu nằm mắc trên cạn. Phải nhờ đến lực lượng cứu hộ và mất cả tuần mới đưa được tàu xuống.

Mắc cạn trong KNĐ

Được đưa vào sử dụng gần 10 năm nay, KNĐ Sông Gianh đã phát huy được tính ưu việt trong nhiệm vụ tránh trú bão an toàn cho tàu bè. Trước đây, trong âu thuyền được chia làm 3 khu vực có độ sâu khác nhau để bố trí tàu thuyền. Vùng nước sâu nhất là 3,3m và cạn nhất 2,4m. Tuy nhiên, qua gần chục năm sử dụng, vùng vịnh của KNĐ đã  bị lũ, sóng lớn làm bồi lắng cạn dần. Không ít trường hợp tàu lớn của ngư dân khi vào KNĐ đã bị mắc cạn.

Tàu lớn nằm san sát tránh bão ở khu neo đậu sông Gianh (Bắc Trạch, Bố Trạch).
Tàu lớn nằm san sát tránh bão ở khu neo đậu sông Gianh (Bắc Trạch, Bố Trạch).

Ngư dân Võ Văn Long (xã Thanh Trạch, Bố Trạch) kể lại: “Cuối năm ngoái, tui cho tàu vô tránh bão thì dính luôn. Dù tàu lớn được bố trí vùng nước sâu nhưng vẫn bị mắc cạn. Sau khi bão tan, tui phải thuê tàu, huy động nhân lực và tốn kém đến vài chục triệu đồng mới đưa được tàu ra”.

Theo ông Nguyễn Đăng Thảo, hiện việc bồi lắng ở KNĐ Sông Gianh cũng đáng báo động. “Tùy theo luồng nước mà mức độ bồi lắng trong âu có từ 0,6 đến 1m. Do đó, việc nạo vét trong lòng âu là cần thiết và khẩn trương nhằm phát huy tác dụng của KNĐ” - ông Thảo nhấn mạnh.

Tình trạng quá tải các KNĐ ở Quảng Bình đang làm ngư dân lo lắng. Qua hàng năm, lượng tàu lớn được đóng mới càng tăng thêm, việc tìm được nơi tránh trú bão cho tàu thuyền càng trở nên vô cùng bức thiết. Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) rất băn khoăn: “Tôi là người đầu tiên và duy nhất trong xã đầu tư đóng tàu lớn hàng chục tỷ đồng. Nhiều khi nghe tin bão, đưa tàu về chậm là hết chỗ trong KNĐ và đành chạy lên sông Nhật Lệ. Vì vậy, ngư dân rất mong có thêm KNĐ mới”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, ngành đã tham mưu cho tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng KNĐ vùng có tên Bắc Sông Gianh (tại phường Quảng Phúc, TX.Ba Đồn)”. KNĐ vùng với sức chứa trên 1.000 tàu  có công suất đến 1.000CV sẽ đảm nhận tránh trú bão không chỉ cho tàu lớn của ngư dân trong tỉnh mà các tỉnh bạn. Nhưng, kinh phí khoảng 500-700 tỷ đồng đầu tư KNĐ thì vượt quá sức của tỉnh.”- ông Lợi chia sẻ thêm.

Nguyễn Tâm