.

TP. Đồng Hới: 759 tàu thuyền đã vào bờ trú bão

Thứ Ba, 25/07/2017, 16:09 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng nay (25-7), UBND TP. Đồng Hới đã tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão một số xã, phường trên địa bàn. Ngay sau đó, thành phố đã họp khẩn và chỉ đạo 16 xã, phường; các cơ quan, đơn vị, phòng ban trên địa bàn phương án, chủ động công tác phòng chống cơn bão số 4.  
 
Ngư dân vào bờ và neo đậu tàu thuyền phòng chống với cơn bão số 4
Ngư dân vào bờ và neo đậu tàu thuyền tránh bão số 4

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo thành phố đã báo cáo và thông tin nhanh về tình hình, hướng đi của cơn bão số 4, trong đó, nhấn mạnh dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, vì vậy khả năng ảnh hưởng lớn đến TP. Đồng Hới.

Thông qua các báo cáo nhanh của phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường cho thấy, thành phố Đồng Hới đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống bão số 4.

Cụ thể, TP. Đồng Hới đã kêu gọi được 759 tàu thuyền với hơn 3.402 thuyền viên vào tránh trú bão, trong đó có 743 tàu/3.224 thuyền viên đã vào bờ và neo đậu an toàn tại các khu neo đậu trên địa bàn tỉnh, 13 tàu/133 thuyền viên đã vào tránh trú bão ở TP. Đà Nẵng và 3 tàu/45 thuyền viên đang đánh bắt tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Thành phố đã có phương án chủ động phòng chống và di dời đối với những hộ dân ở vùng cửa sông, ven biển và các hộ dân có nhà cấp 4 không bảo đảm an toàn, vùng thường xuyên ngập lụt đến nơi an toàn. Cán bộ và nhân dân các địa phương tích cực chằng chống nhà cửa, trụ sở cơ quan, kho tàng và các công trình xung yếu của thành phố; kiểm tra và chống đỡ hệ thống đường dây và các cột điện, hệ thống cây xanh có nguy cơ ngã, đổ. Các trường học mầm non chủ động cho học sinh nghỉ học từ trưa 25-7 nhằm bảo đảm an toàn...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 4, TP. Đồng Hới cũng đã yêu cầu: các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường trên địa bàn thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão nhằm chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, khu tránh trú bão cho tàu cá, khu cảng cá để bảo đảm an toàn tránh chìm tàu, đứt dây neo, đậu không đúng quy định làm ảnh hưởng đến công trình hạ tầng, gây va đập giữa các tàu và tuyệt đối không được chủ quan trong việc neo đậu, tránh trú bão để tránh các thiệt hại không đáng có xảy ra;  sẵn sàng triển khai các phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản tại khu vực du lịch ven biển, các hồ nuôi thủy sản và tại những khu vực thường xuyên bị ngập lụt.
 
Các địa phương phải chủ động các biện pháp phòng chống bão, kiểm tra phương án sơ tán dân, nhất là các địa phương có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông, thấp trũng; Chi nhánh thủy nông Phú Vinh cử cán bộ trực tại các hồ chứa để thực hiện tích nước theo thiết kế và theo dõi an toàn hồ chứa, an toàn đập và vùng hạ du; các đơn vị liên quan bố trí sẵn lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống bảo đảm giao thông thông suốt...
 
                                                                     N.L