.

Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 4

Thứ Ba, 25/07/2017, 15:25 [GMT+7]
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của bão số 4, từ sáng nay (25-7), trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã bắt đầu có mưa vừa, mưa to. Nhận định đây là cơn bão trực tiếp đổ bộ vào tỉnh ta và có thể gây thiệt hại lớn nên UBND huyện đã có công điện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng ban, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung cụ thể nhằm chủ động ứng phó.
Ngư dân các xã vùng bãi ngang huyện Lệ Thủy chủ động đưa bơ nan lên bờ phòng tránh bão.
Ngư dân các xã vùng bãi ngang huyện Lệ Thủy chủ động đưa bơ nan lên bờ phòng tránh bão.
UBND các xã, thị trấn đã thông báo rộng rãi diễn biến tình hình mưa bão cho toàn thể nhân dân biết để chủ động đối phó trên cơ sở bám sát phương án phòng chống lụt bão năm 2017 với phương châm “4 tại chỗ” đã được phê duyệt.
 
Mặt khác, các địa phương cũng đã chỉ đạo các HTX triển khai lực lượng, phương tiện bảo vệ sản xuất lúa tái sinh và lúa hè - thu bằng cách đóng các cửa cống tại các vị trí dọc sông Kiến Giang; bố trí vật tư, phương tiện, bao cát, tại các vị trí cửa cống để xử lý kịp thời khi có sự cố vỡ đê.
 
Riêng 3 xã vùng bãi ngang gồm Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam đã kịp thời phối hợp với Đồn Biên phòng Ngư Thủy thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.
 
Các địa phương nằm trong vùng có khả năng bị lũ quét và sạt lở đất như Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy, Văn Thủy, Trường Thủy… đã sớm triển khai phương án di dời các hộ dân đang sinh sống ở những vùng thấp lụt, vùng có nguy cơ bị lũ quét, hạ lưu các hồ chứa, vùng sạt lở bờ sông, vách núi đến nơi an toàn. 
 
Theo thông tin dự báo, chiều nay, bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Cùng với cả tỉnh, huyện Lệ Thủy đang khẩn trương thực hiện các phương án tối ưu nhất để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.
 
Nguyễn Hoàng
 
. Theo Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá Lê Nam Giang, ngay trong sáng 25-7-2017, UBND huyện đã tiến hành họp khẩn và ban hành Công điện số 07 CĐ-UBND để chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị... đóng trên địa bàn gấp rút triển khai các biện pháp, giải pháp ứng phó với bão số 4. 
 Người dân xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hoá tiến hành di dời các lồng cá trong đợt bão số 2 năm 2017.
Người dân xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hoá tiến hành di dời các lồng cá trong đợt bão số 2 năm 2017.
Cụ thể, UBND huyện Tuyên Hoá chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện  những nội dung sau: Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo, kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền đang hoạt động trên sông vào bờ tìm nơi trú ẩn an toàn; kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra sông đánh bắt cá, vận chuyển hàng hóa; tiến hành di chuyển và có các biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, tuyệt đối không được để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Cùng với đó, Tuyên Hoá chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, UBND các xã, thị trấn sẵn sàng triển khai các phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản tại các khu vực có nguy cơ thiếu an toàn cao, đặc biệt là trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản và những khu vực thường xuyên bị ngập lụt. Ngoài ra, UBND huyện Tuyên Hoá đề nghị UBND các xã, thị trấn phải túc trực theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và mưa lũ 24/24 giờ để cảnh báo, thông tin, chỉ đạo kịp thời đến tận hộ dân nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh bão, lũ; sẵn sàng và thực hiện kịp thời phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực thấp trũng, thường bị ngập lụt...
 
Thượng tá Trần Quang Hiếu, Trưởng Công an huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện nay, đơn vị đã chỉ đạo các đồng chí công an huyện được giao phụ trách địa bàn phải tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng công an xã, thị trấn bố trí lực lượng túc trực tại các ngầm, tràn có lũ chảy xiết để cảnh báo nguy hiểm cho người dân; hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa, di dời người, tài sản, vật nuôi ở những nơi nguy hiểm đến vị trí an toàn; kiên quyết không cho người ở lại trên thuyền, lồng bè vào những lúc gió lớn, lũ mạnh...
 
 Rút kinh nghiệm từ những năm trước, trong ngày hôm nay, khi có dự báo bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền trên địa bàn tỉnh ta, người dân huyện Tuyên Hóa đã chủ động chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối nhằm phòng chống gãy, đổ. Nhiều hộ dân đã và đang di chuyển tài sản, đồ đạc trong nhà lên những vị trí cao để tránh bị ngập lụt; gia súc, gia cầm cũng được đưa đến nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, những hộ dân sinh sống trên lồng, bè dọc sông Gianh đã di chuyển thuyền bè, lồng cá đến vị trí an toàn, neo buộc cẩn thận. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng giúp người dân triển khai phòng chống lụt bão...
 
Nhìn chung, công tác chủ động ứng phó với bão số 4 đang được các cấp chính quyền và nhân dân Tuyên Hoá tích cực triển khai với phương châm chủ động "4 tại chỗ", không chủ quan, lơ là trước mọi tình huống... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. 
 
V. Minh-V.Tư
 
. Nhằm chủ động ứng phó với bão số 4, từ chiều 24-7, UBND thị xã Ba Đồn đã khẩn trương triển khai công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn.

Theo đó, đồng chí Phạm Quang Long, Chủ tịch UBND thị xã đã yêu cầu các phòng, ban, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh và xã, phường ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi neo đậu, tránh, trú bão an toàn. Các đơn vị, địa phương tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu; di chuyển và có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền và lồng bè.

Chủ tịch UBND các xã, phường theo dõi chặt chẽ diến biến của mưa, bão và cảnh báo cho nhân dân sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó; đồng thời phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các thôn, tổ dân phố phòng chống bão số 4. Đối với những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét, chính quyền địa phương phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và tập trung chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra.

 Đến 14 giờ ngày 25-7-2017, 273/428 tàu thuyền và các phương tiện vận tải hoạt động trên biển của thị xã đã về nơi neo đậu và trú bão an toàn tại địa phương, 255 tàu thuyền đã nắm được thông tin về bão số 4 và đang khẩn trương di chuyển vào bờ hoặc đang tránh, trú an toàn tại các tỉnh bạn. Qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, đến nay, mọi người dân trên địa bàn thị xã đã nắm bắt được diễn biến và những thông tin mới nhất của bão số 4 để chủ động phòng tránh an toàn.

UBND thị xã cũng đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại các công trình trọng điểm và vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Nhìn chung, thị xã Ba Đồn đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị lực lượng và các phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão số 4.

Hiền Chi