.

Tạo sinh kế cho người dân vùng giáo

Chủ Nhật, 23/07/2017, 15:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ những nông dân nghèo vùng giáo tham gia các lớp đào tạo nghề phụ ngắn hạn, năm 2013, ông Lê Viết Sơn đã mạnh dạn chọn lọc, tập hợp bà con và rồi thành lập hợp tác xã (HTX). Đặc biệt, ông Sơn còn góp công đào tạo nhiều nông dân từ chỗ quen với việc "cày sâu cuốc bẫm" nơi đồng ruộng trở thành những người thợ lành nghề, có công ăn việc làm ổn định và thu nhập khá.

Mạnh dạn "kéo" nông dân vào HTX

Ông Lê Viết Sơn (69 tuổi), thôn Kim Trung, xã Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá từng là giảng viên Trường trung cấp Lâm nghiệp Trung ương I (đóng tại tỉnh Lạng Sơn). Năm 1983, ông chuyển về công tác tại ngành Kiểm lâm huyện Tuyên Minh và nghỉ hưu vào năm 1997. Sau khi nghỉ hưu, ông được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hoá.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2011 đến 2015, ông Lê Viết Sơn đã được chính quyền và Trung tâm Giáo dục- dạy nghề huyện Tuyên Hoá mời tham gia đào tạo 14 lớp dạy nghề ngắn hạn cho trên 500 học viên tại địa phương, gồm: chăn nuôi thú y, nuôi ong lấy mật, mây tre đan, trồng và chăm sóc, khai thác mủ cao su. Trong quá trình giảng dạy, đặc biệt đối với 2 lớp kỹ thuật mây tre đan, ông Sơn phát hiện ra các học viên ở địa phương rất hào hứng, có nhiều tiến bộ. Vốn có nhiều kiến thức bản địa và chuyên môn trong lĩnh vực lâm sản, ông nảy ra một ý tưởng thành lập HTX mây tre đan để giải quyết việc làm cho các lao động nhàn rỗi ở địa phương, đồng thời tận dụng và phát huy nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa bàn.

Ông Lê Viết Sơn giới thiệu các sản phẩm của HTX Mây tre đan Vân Sơn.
Ông Lê Viết Sơn giới thiệu các sản phẩm của HTX Mây tre đan Vân Sơn.

Nghĩ là làm, ông Sơn bán hơn chục ha keo lai đến kỳ khai thác và dốc hết số tiền dành dụm được để đầu tư sản xuất. Tiếp đó, ông kêu gọi các học viên tham gia và tiến hành các thủ tục thành lập HTX. UBND huyện Tuyên Hoá đồng ý cho ông Sơn mời thợ mây tre đan giỏi ở miền Bắc về giảng dạy cho 35 học viên để nâng cao trình độ tay nghề. Đặc biệt, Trung tâm Giáo dục - dạy nghề huyện Tuyên Hoá đã tạo điều kiện cho HTX mượn một số máy móc trong thời gian đầu, như: máy chẻ mây, máy vót mây tắt, máy chẻ mây nước, máy phát điện...     

Ngày 27-11-2013, Đại hội HTX Mây tre đan Vân Sơn đã được tổ chức thành công và ông Lê Viết Sơn được bầu giữ chức Chủ nhiệm HTX. Đây là một bước ngoặt lớn tại thôn Kim Trung, xã Kim Hoá (địa phương có gần 100% bà con đều theo đạo Thiên chúa giáo) khi có 35 nông dân từ chỗ quen với việc "cày sâu cuốc bẫm" nay đã trở thành những xã viên có trình độ tay nghề, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Không những thế, hàng trăm lao động khác ở xã Kim Hoá cũng có thêm cơ hội để tăng thu nhập khi được nhận làm thuê bán thời vụ cho HTX. Vốn điều lệ bước đầu của HTX lúc mới đi vào hoạt động khoảng 1 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn này đều do gia đình ông Sơn tự bỏ ra.

Chú trọng "rèn" thợ giỏi

Những năm qua, bên cạnh việc tìm kiếm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, HTX luôn tích cực đổi mới về công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thị trường. HTX đã chú trọng nâng cao trình độ tay nghề cho xã viên, quan tâm đa dạng hoá sản phẩm để gia tăng thu nhập cho lao động. Hiện tại, HTX đang có một “ngân hàng mẫu” mây tre đan xuất khẩu với những sản phẩm chủ yếu như: lẵng hoa, làn hoa, giỏ đựng bình nước, bình hoa, khay đựng chén trà, cơi trầu, bát sen có cánh... Hầu hết các sản phẩm đều được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong và ngoài tỉnh, người tiêu dùng rất ưa chuộng, tin dùng. Nhờ đó, mức thu nhập bình quân của các xã viên HTX không ngừng được nâng cao theo hàng năm. Từ giữa năm 2015 đến nay, HTX đã mạnh dạn sản xuất thêm mặt hàng tấm lợp bằng cây vọt. Khi sản phẩm này ra đời, HTX đã nhận rất nhiều đơn đặt hàng từ các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... trong tỉnh và nhiều địa phương khác ở các tỉnh phía Bắc.

Các lao động làm việc tại HTX Mây tre đan Vân Sơn.
Các lao động làm việc tại HTX Mây tre đan Vân Sơn.

Ông Lê Viết Sơn tâm sự, những ngày đầu thành lập, HTX gặp không ít khó khăn do trình độ tay nghề của xã viên còn hạn chế, chưa có tác phong công nghiệp. Sản phẩm làm ra vẫn còn đơn điệu, chủ yếu chỉ là vật dụng gia đình đơn giản, như: quạt nan, bình đựng ấm trà..., nên nhiều khi hàng còn bị trả về. Để duy trì việc sản xuất và từng bước tạo uy tín cho khách hàng, HTX đã chủ động mời các thợ giỏi ở miền Bắc về đào tạo, hướng dẫn cho xã viên. Mặt khác, đơn vị cũng mạnh dạn tạo điều kiện cho một số thợ giỏi được vào thành phố Đồng Hới học tập nâng cao trình độ tay nghề chuyên sâu. Khi trình độ tay nghề của xã viên được nâng lên, HTX đã chủ động đa dạng hoá sản phẩm để tạo thêm cơ hội việc làm, thu nhập cho lao động. Hiện nay, HTX Mây tre đan Vân Sơn đã có 1 thợ giỏi cấp tỉnh (bà Hoàng Thị Mai, được UBND tỉnh công nhận vào năm 2015); hai xã viên khác Trương Thị Gái và Lê Thế Mỹ đang được đề nghị tỉnh công nhận. Đến cuối năm 2015, HTX đã tự sắm mới được 7 máy phục vụ cho hoạt động sản xuất, không còn phải mượn máy móc như trước đây. Mới đây, đơn vị còn xây dựng được 1 lò luộc mây rất hiện đại với trị giá 140 triệu đồng, góp phần giảm bớt sức người bỏ ra và tăng cao hiệu suất công việc, độ an toàn cho lao động. Trong năm 2017 này HTX sẽ đầu tư tiếp 1 lò sấy nguyên liệu trị giá 130 triệu cùng 2 máy chẻ mây nước, 1 máy đánh bóng mây. Nhờ hoạt động ngày càng hiệu quả, tổng số vốn điều lệ của HTX Mây tre đan Vân Sơn  đến nay đã lên đến 2 tỷ đồng...

Từ khi HTX Mây tre đan Vân Sơn ra đời, nhiều phụ nữ ở địa phương đã có việc làm ổn định, thu nhập bình quân của 1 xã viên đạt từ 4-7 triệu đồng/tháng. Những lao động nam giới lên rừng lấy mây về bán cho HTX với giá thành thu được cũng cao hơn so với bán trôi nổi ở ngoài thị trường. Với những đóng góp trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương, ông Lê Viết Sơn vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016".

Văn Minh