.

Hành trình "giải cứu" vỉa hè ở TP. Đồng Hới - Bài 1: Thực trạng vỉa hè và công tác "giải cứu"

Thứ Sáu, 07/07/2017, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 29-3-2017, lực lượng chức năng thành phố Đồng Hới đã ra quân “giải cứu” vỉa hè. Đến nay, sau gần 3 tháng triển khai, việc lập lại trật tự đô thị nói chung, giành lại vỉa hè cho người đi bộ nói riêng, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” hoặc máy móc trong quá trình triển khai, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, câu chuyện “giải cứu” vỉa hè vẫn còn nhiều điều đáng bàn!

“Giải cứu” vỉa hè: Việc cần làm!

Là một đô thị trẻ đang trên hành trình phát triển, bên cạnh những điểm nhấn đẹp, thành phố Đồng Hới cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề của đô thị, trong đó có lấn chiếm vỉa hè.

Một đoạn vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo thông thoáng sau chiến dịch “giải cứu”.
Một đoạn vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo thông thoáng sau chiến dịch “giải cứu”.

Dạo quanh các tuyến đường chính của thành phố, rất dễ dàng bắt gặp cảnh các cửa hàng ngang nhiên trưng bày sản phẩm và phương tiện phục vụ kinh doanh lên hầu hết diện tích vỉa hè. Hàng hóa đa dạng từ vật liệu xây dựng, tạp hóa cho đến đồ ăn thức uống... Phương tiện kinh doanh là bàn ghế, tủ hàng, thậm chí cả bếp nấu.. Hạn hữu, nếu cửa hàng không trưng bày sản phẩm ra vỉa hè, thì cũng “ưu ái” dùng vỉa hè làm nơi đỗ ô tô, xe máy.

Chưa kể, tại nhiều con đường có vỉa hè, lòng đường đều được dùng để đỗ ô tô, người đi bộ đành chấp nhận vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông khi phải đi hẳn xuống lòng đường trong nỗi lo âu nơm nớp.

Vỉa hè các tuyến phố chính bị lấn chiếm để kinh doanh đã đành, vỉa hè các tuyến đường trong khu dân cư cũng bị “tấn công” bằng hàng loạt các thùng xốp, chậu cây, thậm chí xây dựng hàng rào, cổng kiên cố trên diện tích vỉa hè, nên về cơ bản, vỉa hè thực sự không còn được sử dụng đúng công năng, mục đích là dành cho người đi bộ. Bên cạnh đó, ngoài những đoạn vỉa hè bị lấn chiếm cố định, tình trạng các hộ gia đình trong khi xây dựng nhà cửa ngang nhiên đổ vật liệu xây dựng lấn hết vỉa hè và cả lòng đường là khá phổ biến.

Tại cuộc họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh vào tháng 4-2017, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh, dù thực trạng vỉa hè Quảng Bình nói chung, thành phố Đồng Hới nói riêng chưa “nóng” như nhiều đô thị lớn trong nước, nhưng lập lại trật tự vỉa hè là việc cần làm để bảo đảm văn minh đô thị, tạo thuận lợi cho người dân nói chung, người tham gia giao thông nói riêng.

Khó khăn trong “giải cứu” và duy trì

Ông Nguyễn Chung Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho biết, không phải đến bây giờ, Đồng Hới mới triển khai các hoạt động lập lại trật tự đô thị nói chung, vỉa hè nói riêng. Cách đây hàng chục năm, hoạt động này đã được thực hiện với sự tham gia phối hợp của thành phố và các xã, phường. Chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này là Đội Quy tắc và Trật tự đô thị thành phố. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, kinh phí hạn chế, những năm qua, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm khá phổ biến.

Thực hiện kế hoạch chỉnh trang, lập lại trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố, ngày 28-3-2017, lực lượng chức năng đã tiến hành công tác này tại các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng...

Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện, nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ biển quảng cáo, mái che, thu dọn hàng hóa, đập bỏ các bậc cấp lấn chiếm, trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè. Anh  Bùi Huy Long, ở số nhà 78 đường Trần Hưng Đạo cho biết, ngay khi thành phố và phường có chủ trương, gia đình anh chấp hành nghiêm chỉnh việc sử dụng vỉa hè đúng mục đích. Cá nhân anh Long cũng luôn nhắc nhở khách hàng đỗ xe đúng quy định, bảo đảm sự thông thoáng của vỉa hè và tạo sự lưu thông thuận lợi cho người đi bộ.

“Xe ô tô và xe máy đỗ đúng nơi quy định, người kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, nhìn cả tuyến phố trở nên văn minh, quy củ. Chúng tôi là người kinh doanh cũng cảm thấy hài lòng và sẵn sàng phối hợp cùng cơ quan chức năng!”, anh Long chia sẻ.

Vỉa hè trên nhiều tuyến đường bị chiếm dụng để trồng rau.
Vỉa hè trên nhiều tuyến đường bị chiếm dụng để trồng rau.

Bên cạnh sự đồng thuận và sẵn sàng chấp hành tốt chủ trương nêu trên, vẫn còn những hộ dân chưa tự nguyện hoặc gây khó dễ cho lực lượng chức năng, bởi thời gian qua, việc lấn chiếm vỉa hè đã mang lại những lợi ích trước mắt cho công việc kinh doanh của họ. 

Về phía lực lượng chức năng, việc thực hiện chủ trương khi chưa tiến hành hiệu quả công tác tuyên truyền đã gây ra những sơ suất. Cụ thể, UBND phường Nam Lý đã phải tổ chức đối thoại với một số hộ dân trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, là tuyến phố chính được chọn làm điểm.

Lý do là trong quá trình triển khai lập lại trật tự vỉa hè, phường đã có những sơ suất nhất định, cụ thể là việc tháo dỡ, đục bỏ các bậc cấp chưa đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đây được xem là bài học về sự nóng vội trong quá trình thực thi của lực lượng chức năng thành phố Đồng Hới.

Một trong những cái khó để duy trì trật tự đô thị nói chung, vỉa hè nói riêng, đó là tình trạng tái lấn chiếm. Nếu những ngày đầu ra quân, hầu hết vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn đều bảo đảm thông thoáng, quy củ, thì chỉ sau khoảng một tháng, khi lực lượng chức năng không thường xuyên có mặt để nhắc nhở, các hàng quán kinh doanh lại bung ra, thậm chí không chỉ lấn chiếm hết vỉa hè mà còn tình trạng đỗ xe xuống cả lòng đường, điển hình là các hàng quán tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Trần  Nhân Tông và Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng...

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chung Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, cũng thừa nhận đây chính là cái khó mà thành phố đang tìm nhiều giải pháp để nỗ lực khắc phục nhằm bảo đảm hiệu quả của việc lập lại trật tự đô thị, góp phần xây dựng nếp sống đô thị theo hướng văn minh, bền vững.

Ngọc Mai

Bài 2: Cần những giải pháp bền vững