.

Công tác cai nghiện ma túy: Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn xã hội

Thứ Hai, 26/06/2017, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Bên cạnh việc đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống tệ nạn ma túy, công tác cai nghiện là một trong những hoạt động quan trọng góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội này. Tuy nhiên, để cai nghiện đạt được hiệu quả cao, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn xã hội.

Với chức năng chữa trị, giáo dục, phục hồi cho người nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, qua 6 năm hoạt động, Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh đã tiếp nhận và cai nghiện cho gần 400 người nghiện. Đáng chú ý, hầu hết trong số đó chủ yếu là người nghiện đến cai nghiện tự nguyện.

Sau cai nghiện, nhiều người nghiện đã trở lại với cuộc sống bình thường. Hiện nay, trung tâm đang tiếp nhận và quản lý gần 50 người vào cai nghiện. Trong đó, mới chỉ tiếp nhận 1 đối tượng cai nghiện bắt buộc từ Công an thành phố Đồng Hới đưa vào theo quyết định của Tòa án.

Theo ông Trần Đình Quý, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh, nếu công tác cai nghiện bắt buộc được thực hiện quyết liệt theo Nghị định số 136/2016/NĐ-CP, ngày 9-9-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, ngày 30-12-2013 của Chính phủ, thì sẽ tạo được ảnh hưởng lớn đối với công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn này. Qua đó, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức phòng tránh tệ nạn này trong cộng đồng xã hội. 

Một người nghiện đang được cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh.
Một người nghiện đang được cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 844 người nghiện ma túyvà 2.431 người có liên quan đến ma túy, phân bố trên địa bàn 129 xã, phường, thị trấn. Trong khi tệ nạn ma túy đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa đến sự an toàn của xã hội, thì công tác cai nghiện ma túy trong thời gian qua vẫn gặp không ít khó khăn như: công tác lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn chưa thực hiện được; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện còn thiếu và đa số chưa được tập huấn chuyên sâu, thiếu kinh nghiệm về công tác cai nghiện phục hồi; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác cai nghiện chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều hạng mục công trình chưa được đầu tư xây dựng, chưa có phòng điều trị cắt cơn riêng biệt.

Đặc biệt là, công tác hỗ trợ người nghiện sau cai nghiện chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến công tác cai nghiện tự nguyện hiệu quả thấp.

Trước tình hình thực tế trên, ngày 4-5-2017, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh thành Cơ sở cai nghiện ma túy. Việc chuyển đổi nhằm mục đích đa dạng hóa các hình thức cai nghiện ma túy, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy trong tiếp nhận và điều trị người nghiện ma túy theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu điều trị, cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của gia đình người nghiện.

Theo Đề án chuyển đổi này, Cơ sở cai nghiện ma túy sẽ mở thêm một số biện pháp cai nghiện mới cho nhiều đối tượng nghiện hơn như: khu điều trị nghiện bắt buộc, khu điều trị nghiện tự nguyện và khu điều trị Methadone hoặc tiếp nhận đối tượng không có nơi cư trú ổn định.

Theo ông Trần Đình Quý, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh, đây là một trong những điều kiện để trung tâm đổi mới, nâng cao chất lượng cai nghiện, đồng thời đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, bảo đảm chế độ chăm sóc về y tế, khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, nhân cách, dạy nghề và sinh hoạt văn hóa cho người cai nghiện.

Bởi, đây là quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện. Tuy nhiên, để công tác cai nghiện đạt được hiệu quả cao hơn, bên cạnh việc tích cực, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác cai nghiện, thì sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và có trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng liên quan sẽ giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn, qua đó hạn chế được các nguy cơ ảnh hưởng đe dọa và lan rộng trong xã hội.

D.C.H