.

Thông điệp từ trái tim

Thứ Tư, 05/04/2017, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - “Một giọt máu cho đi. Một cuộc đời ở lại” đó là thông điệp xuyên suốt phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ngay từ những ngày đầu hình thành cho đến hôm nay. Với riêng tỉnh Quảng Bình, phong trào HMTN tạo được sức lan tỏa khắp cộng đồng xã hội. Từ trong phong trào HMTN đã có những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, làm lay động lòng người.

Bài 1: Cho đi để nhận lại

Theo kết quả từ Ban chỉ đạo vận động HMTN quốc gia, năm 2016, thông qua các phong trào “Lễ hội Xuân hồng”, “Ngày toàn dân HMTN”, “Hành trình đỏ”, “Chiến dịch những giọt máu hồng hè”, “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu”..., cả nước tiếp nhận 1.126.755 đơn vị máu (ĐVM). Cho đi để nhận lại, cho giọt máu nghĩa tình để nhận về hạnh phúc.

Đánh giá về phong trào HMTN tại tỉnh Quảng Bình, ông Cao Quang Cảnh, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh khẳng định: “Hơn lúc nào hết, HMTN đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân ý thức rằng đây vừa là nghĩa cử nhân văn vừa là trách nhiệm cao cả đối với xã hội, đối với những người không may gặp phải tai nạn, bệnh tật đang cần máu cấp cứu, hồi sinh. Phong trào HMTN theo thời gian có sự chuyển biến cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ người tham gia HMTN năm sau cao hơn năm trước, mở rộng ra khắp nhiều đối tượng: cán bộ, công nhân viên chức, người lao động; học sinh, sinh viên, ĐVTN, lực lượng vũ trang... bao phủ các địa bàn, đến cả những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa như Tuyên Hóa, Minh Hóa”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên những người tham gia HMTN.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên những người tham gia HMTN.

Năm 2016, toàn tỉnh tổ chức thành công 27 đợt hiến máu lưu động, tiếp nhận 9.550 ĐVM. Tại điểm cố định Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và các bệnh viện tuyến huyện tiếp nhận 1.095 ĐVM. Tổng số máu tình nguyện 10.645 đơn vị, đạt 118,27% kế hoạch Ban chỉ đạo vận động HMTN tỉnh giao.

Điểm nhấn trong phong trào HMTN tỉnh Quảng Bình là Ban chỉ đạo vận động HMTN tỉnh tổ chức thành lập, duy trì hoạt động ổn định 7 câu lạc bộ (CLB) tình nguyện hiến máu dự bị với trên 300 tình nguyện viên gồm: CLB Thanh niên vận động HMTN Quảng Bình, CLB nhóm máu hiếm (Rh-), CLB hiến máu dự bị khu vực Bắc Quảng Bình, CLB hiến máu dự bị huyện Bố Trạch, Ngân hàng máu sống các huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Mỗi tình nguyện viên trong CLB trở thành ngân hàng máu di động, sẵn sàng truyền máu cứu sống cho những bệnh nhân đang cấp cứu tại các tuyến bệnh viện. Chưa có thống kê đầy đủ những “ngân hành máu sống” di động này hiến máu cứu sống chính xác bao nhiêu bệnh nhân, nhưng rất nhiều người bệnh “thập tử nhất sinh” giữ lại được cuộc sống khi nhận máu kịp thời.

Cho đi để nhận lại, bằng thông điệp nhân văn này mà hàng năm xuất hiện rất nhiều tấm gương sáng trong phong trào HMTN. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại năm 2016 chiếm 57% tổng số người tham gia HMTN. Theo thống kê từ Ban chỉ đạo vận động HMTN tỉnh, hàng trăm người hiến máu trên 10 lần, nhiều người hiến máu từ 15 đến trên 20 lần.

Câu chuyện về cô giáo Lê Thị Chuyên ở thôn Khương Hà, xã Hưng Trạch, Bố Trạch đến nay nhiều người vẫn còn nhớ. Sau khi sinh em bé đầu lòng khoảng hai, năm thì Chuyên bị u nang buồng trứng, phải nhập viện cắt bỏ khối u. Ngày sinh em bé thứ hai bác sỹ bảo ngôi thai ngược và yêu cầu sinh mổ. Hai lần nhập viện trong tình trạng cơ thể thiếu máu trầm trọng cần người cho máu cấp cứu điều trị. Khi con cái khôn lớn, sức khỏe dần hồi phục, Lê Thị Chuyên bắt đầu tham gia HMTN.“Những lần nằm trên giường bệnh, trải qua các đợt phẫu thuật bị thiếu máu trầm trọng, nguy kịch đến tính mạng, những người cho mình máu đều xa lạ. Từng giọt máu mình nhận từ người khỏe mạnh, từ những tấm lòng nhân ái, nhờ đó mình tiếp tục sống”- Chuyên chia sẻ - “Gặp lúc huyện Bố Trạch tổ chức HMTN, mình giấu chồng, con tham gia ngay. Trời còn cho sức khỏe mình vẫn tiếp tục hiến máu cứu người”.

Phong trào HMTN ngày càng có sức thu hút đối với tuổi trẻ trong tỉnh.
Phong trào HMTN ngày càng có sức thu hút đối với tuổi trẻ trong tỉnh.

Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Đoàn trường trung cấp Y tế Quảng Bình, trên 14 lần hiến máu, tâm sự: “HMTN là một trong những hoạt động được tuổi trẻ Trường trung cấp Y tế hết sức chú trọng, trở thành tiêu chí thi đua, rèn luyện của đoàn viên, thanh niên. Vì thế, tất cả chúng tôi đều sẵn sàng hưởng ứng. Với bản thân từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch vì không có máu cấp cứu kịp thời, trong khi chỉ cần hiến một phần máu của mình là có thể cứu sống tính mạng họ. Thế nên, tôi luôn tự nguyện cho đi giọt máu của mình, góp phần giữ lại sự sống và sức khỏe cho những người bệnh”.

Cũng giống như Nguyễn Hữu Nghĩa, Lê Xuân Cường, Phó Bí thư Đoàn Trường trung cấp Y tế luôn sẵn sàng hiến máu cứu người. “Thuở còn là sinh viên, tôi nhiều lần tự nguyện ghi tên mình vào danh sách HMTN, song không được chấp nhận vì cân nặng chưa đủ. Bây giờ với tôi, HMTN là niềm tự hào bởi tôi đang mang trên mình màu áo xanh tuổi trẻ. Qua 14 lần hiến máu và sẽ còn rất nhiều lần khác nữa, tôi thấy mỗi lần cho đi, cuộc sống ý nghĩa hơn” - Lê Xuân Cường cho biết.

Dương Quốc Phong, giáo viên Trường trung cấp Kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình tham gia HMTN từ năm 2002. Tính đến nay có trên 21 lần hiến máu. Chia sẻ về lần hiến máu đầu tiên, Phong kể: “Lúc đầu mình thấy run run, một chút lo lắng nhưng những lần sau thì thực sự hạnh phúc. Hạnh phúc vì bản thân đủ khỏe mạnh để cứu giúp những người kém may mắn”.

Năm 2013, qua nhiều lần hiến máu nhân đạo, Phong tham gia Hành trình Đỏ xuyên Việt do Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức. Từ trong Hành trình Đỏ, Phong hiểu rằng những giọt máu nghĩa tình đã mang lại sự sống cho hàng vạn người đang cần máu. Đây là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu cả nước vào dịp hè, lễ, tết... góp phần thúc đẩy công tác tuyên truyền vận động hiến máu và căn bệnh tan máu bẩm sinh.

Nhiều lần hiến máu cứu người, Phong càng ý nghĩa hơn việc mình làm. “Hãy thử tưởng tượng một ngày bạn gặp tai nạn nghiêm trọng, mất đi lượng máu lớn, sự sống của bạn ngàn cân treo sợi tóc, và lúc ấy những túi máu được truyền cho bạn, giành lại mạng sống của bạn, thật quý trọng biết bao!”. Dương Quốc Phong tự tìm thấy câu trả lời thật giản đơn: “Khi còn đủ sức khỏe chúng ta hãy đi hiến máu và vận động mọi người cùng hiến máu, những giọt máu chúng ta hiến tặng sẽ góp phần làm nên điều kỳ diệu cho mỗi bệnh nhân”.

Họ chỉ là những bông hoa đời thường trong hàng trăm bông hoa đẹp của phong trào HMTN. Họ lựa chọn và trân quý hành động tự thân, dâng cho đời những giọt máu nghĩa tình.

Thanh Long

Bài 2: Máu hiếm nghĩa tình