.

Tình trạng các hộ dân sinh sống tạm bợ ở gầm Cầu Dài: Làm mất mỹ quan đô thị

Thứ Ba, 28/03/2017, 09:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, khu vực Cầu Dài (Đồng Hới) có tình trạng một số người dân tham gia đánh bắt thủy sản trên sông Nhật Lệ đến neo đậu, sinh sống tạm bợ ngay dưới gầm cầu. Thực trạng này vừa làm mất mỹ quan của thành phố, vừa không bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Có mặt tại khu vực gầm Cầu Dài vào chiều ngày 23-3-2017, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng không mấy đẹp mắt khi các loại dây dợ của các thuyền néo chằng chịt ngay dưới gầm cầu. Cùng với đó, các dây phơi áo quần, đồ nghề của ngư dân được bày ngang, bỏ dọc tạo ra khung cảnh rất nhếch nhác.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực neo đậu có khoảng 6-7 thuyền sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản di động. Đa số các hộ dân ở đây là người từ các xã, thị trấn thuộc huyện Quảng Ninh như: Lương Ninh, Quán Hàu và Vĩnh Ninh. Nghề chính của các hộ là đánh bắt thủy sản bằng lưới rập xếp (bình quân mỗi hộ gia đình có từ  50-100 rập). Đây là nghề đầu tư thấp, dễ khai thác, không đòi hỏi kỹ năng cao và khai thác được ở tất cả ngư trường nội địa nước ngọt, đầm phá nước lợ.

Đáng nói, dù đánh bắt di động nhưng các hộ neo đậu tại gầm Cầu Dài để tá túc thường xuyên. Vì vậy, mọi sinh hoạt sản xuất và đời sống của các hộ như: vá lưới, nấu nướng, giặt giũ... đều diễn ra ngay ở đây.

Các hộ dân sinh sống tạm bợ dưới gầm Cầu Dài.
Các hộ dân sinh sống tạm bợ dưới gầm Cầu Dài.

Ông Võ Đức Dỹ, ở thôn Phù Cát, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) chia sẻ, tùy theo vị trí và mùa vụ khai thác, nhưng từ Tết nguyên đán 2017 đến nay, ông cùng gia đình tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản ở khu vực này và sinh sống ngay trên thuyền. “Địa điểm dưới gầm cầu Dài vừa che được nắng, mưa lại khá thuận lợi trong việc mua bán thủy sản sau khai thác, nên các thuyền đều trú chân tại đây”, ông Dỹ nói thêm.

Trao đổi với chính quyền địa phương về thực trạng này, ông Võ Quốc Thịnh, Chủ tịch UBND phường Hải Đình cho biết, khu vực Cầu Dài là địa điểm giáp ranh giữa phường Hải Đình và Phú Hải nên cũng phức tạp. Bởi lẽ, nửa cầu Dài phía bắc do phường Hải Đình quản lý, còn nửa cầu phía nam lại thuộc Phú Hải.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, địa phương cũng đã có những động thái tích cực như: ra quân thực hiện vệ sinh môi trường tại khu vực gầm Cầu Dài, cắt đứt các các dây néo thuyền vào thành cầu, ống nước...; tuyên truyền, nhắc nhở và vận động các hộ sinh sống trên thuyền di dời đi chỗ khác; phối hợp với Công an phường thực hiện kiểm tra tạm trú... Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng này lại tái diễn.

Trong khi đó, theo ông Võ Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hải thì, các hộ dân trên thuyền sinh sống dưới gầm cầu và xê dịch qua lại giữa địa phận của hai phường nên địa phương cũng chưa có biện pháp để xử lý.

Theo một số người dân ở phường Hải Đình sống xung quanh khu vực này cho biết, khu vực Cầu Dài là nơi hàng ngày có mật độ người và phương tiện giao thông qua lại rất đông đúc, lại có nhiều nhà hàng nổi dịch vụ ăn uống và du lịch của thành phố.

Đặc biệt, đường ống dẫn nước sinh hoạt từ thành phố lên vùng phía nam thành phố nằm dưới gầm cầu, trong khi các thuyền neo đậu thường buộc dây vào đường ống. Do vậy, tình trạng trên không chỉ làm tăng nguy cơ mất an toàn cho đường ống dẫn nước nếu xảy ra va quệt, tai nạn giao thông đường thủy, mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Cùng với đó, việc người dân sinh sống tạm bợ trên sông tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước đối với trẻ nhỏ trú ngụ cùng với gia đình trên thuyền. Cụ thể, vào năm 2015, con trai của anh V.V.L. (khoảng gần 2 tuổi), ở xã Lương Ninh khi cùng với bố mẹ sinh sống trên thuyền tại khu vực gầm Cầu Dài đã bị chết đuối...

Thành phố Đồng Hới đang hướng đến các hoạt động của Tuần lễ văn minh đô thị năm 2017. Thiết nghĩ, cần có biện pháp giải quyết nhằm chấm dứt thực trạng sinh sống tạm bợ của các hộ dân dưới gầm Cầu Dài, sớm trả lại cảnh quan môi trường cho thành phố cũng như lập lại an ninh trật tự tại khu vực này.

N.L