.

Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Thứ Hai, 27/03/2017, 09:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần, vật chất, cuộc sống phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, họ vẫn còn gặp không ít rào cản trong quá trình hoà nhập cộng đồng.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có trên 45.000 NKT, trong đó số lượng NKT nặng, đặc biệt nặng là 28.000 người; số lượng người tâm thần mãn tính có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội là 4.280 người. Số lượng NKT chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh, trong đó gần 90% sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng... còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi rẻo cao, bãi ngang, cồn bãi. Do vậy họ gặp không ít khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Với phương châm xã hội hoá công tác chăm sóc và trợ giúp NKT, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác từ thiện - nhân đạo và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Năm 2016, hội đã tập trung vận động xây dựng quỹ hội để có điều kiện giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn. Tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền do các nhà tài trợ ủng hộ trực tiếp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Quảng Bình năm 2016 là 5.356.000.000 đồng, đã hỗ trợ cho 11.120 NKT được hưởng lợi. Qua đó, hàng nghìn lượt NKT đã được trợ cấp khó khăn; khám chữa bệnh miễn phí, tặng xe lăn..., giúp cho NKT vơi đi những mất mát, bất hạnh, vượt qua bệnh tật, xóa bỏ mặc cảm, tự ti; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Các Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, kết hợp dạy chữ với thực hiện chương trình phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật; kết hợp giữa học văn hóa với học nghề. Toàn tỉnh có 575 NKT đã được đào tạo nghề, với một số nghề chính, như: làm hương, làm nón, thêu, may... Các chương trình, dự án dạy nghề đã đem lại lợi ích thiết thực cho NKT, trong nuôi sống bản thân, hoà nhập cộng đồng. Từ đó, không ít người vươn lên, trở thành những tấm gương về nghị lực sống trong xã hội, điển hình như: anh Trần Hồng Hoàn, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh); anh Lê Viết Hiều, xã Sơn Trạch (Bố Trạch); chị Doãn Thị Cúc, xã Cự Nẫm (Bố Trạch)... Ngoài việc tự học nghề và làm giàu cho chính gia đình và quê hương, họ còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hoàng thăm và tặng quà cho người khuyết tật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hoàng thăm và tặng quà cho người khuyết tật.

Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, cho biết, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách, biện pháp can thiệp, trợ giúp, tạo điều kiện cho NKT được tiếp cận với các loại hình dịch vụ xã hội, phù hợp với từng đối tượng để bản thân NKT tự cải thiện, phát huy những khả năng còn lại và thích ứng với tình trạng tàn tật; giúp NKT cải thiện chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, dù cuộc sống của NKT trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, việc dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Vấn đề mấu chốt giúp NKT có thể hòa nhập cộng đồng là tạo việc làm cho họ, nhưng hiện nay tỷ lệ NKT thất nghiệp vẫn còn cao. Nhiều NKT còn khả năng lao động, bằng nghị lực đã vươn lên, mong muốn tìm được việc làm phù hợp để không là gánh nặng của gia đình và xã hội, nhưng cũng khó có việc làm ổn định... Đây là những rào cản làm hạn chế khả năng cũng như sự hòa nhập cộng đồng của NKT.

Bên cạnh đó, NKT vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với môi trường các cơ sở, công trình công cộng, trường học, bệnh viện, cơ quan, trung tâm dạy nghề,... Hệ thống giao thông nội bộ, như: đường đi, lối đi,... vẫn chưa phù hợp với NKT. Một khó khăn khác chính là vấn đề học hành, y tế và nơi tập luyện phục hồi chức năng vẫn khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Để giúp NKT vững tin, vượt qua rào cản, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập tốt với cộng đồng, thiết nghĩ cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về NKT và các vấn đề liên quan; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT dựa vào cộng đồng; trợ giúp xã hội và pháp lý; giúp NKT tiếp cận các vấn đề về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông công cộng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí...

Phạm Hà