.

Kết luận của Chủ tọa kỳ họp được thực hiện nghiêm túc

Thứ Tư, 07/12/2016, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện kết luận của Chủ toạ kỳ họp về một số vấn đề bức xúc, nổi lên với kết quả đạt được như sau:

Về xử lý việc vi phạm phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại suối Bang, phá vỡ cảnh quan môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập đoàn kiểm tra thực tế hiện trường rừng tự nhiên tại khu vực suối Bang.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy vào tháng 4-2014, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương có phát thực bì, diện tích 1.000m2, sự việc đã được kiểm lâm địa bàn và UBND xã Kim Thủy phát hiện, kiểm tra và lập biên bản đình chỉ. Đến thời điểm hiện tại, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Kim Thủy ổn định, khu vực rừng tự nhiên tại suối Bang không bị tác động.

 Thu hồi đất của Dự án suối khoáng Bang do chậm tiến độ.
Thu hồi đất của Dự án suối khoáng Bang do chậm tiến độ.

Về cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với công tác giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 9-9-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh đã phân khai kế hoạch vốn cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các dự án theo các chỉ tiêu kế hoạch được giao đúng chính sách của Nhà nước, ưu tiên khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho các đối tượng là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn thuộc khu vực II, III quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19-9-2013 của Ủy ban Dân tộc. Đây là cơ sở để tỉnh ta thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Về tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thực hiện tốt các quy định về quản lý vật tư nông nghiệp, các chất cấm sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn bán, sử dụng chất cấm; làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân; quản lý tốt các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất phân bón, 267 cơ sở kinh doanh phân bón các loại. Sở đã thanh tra tại 2 cơ sở sản xuất phân bón, 55 cơ sở kinh doanh phân bón các loại, xử lý các cơ sở chưa thực hiện đúng quy định về kinh doanh phân bón theo quy định của pháp luật.

Sở thanh tra tại 113 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 34 cơ sở vi phạm, chiếm 30,08%; đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở, với số tiền 3 triệu đồng; phạt cảnh cáo 11 cơ sở, nhắc nhở 20 cơ sở. Qua công tác thanh, kiểm tra, kết hợp xử phạt, các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp đã chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, tăng cường công tác thanh, kiểm tra.

Về tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, theo báo cáo rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng nợ XDCB trên địa bàn các xã đến ngày 30-6-2016 là 444 tỷ đồng (Tổng số dự án có nợ 1.371 dự án), trong đó, nợ XDCB từ các dự án sử dụng vốn hỗ trợ trực tiếp của Chương trình MTQG xây dựng NTM là 140 tỷ đồng, nợ XDCB từ các dự án sử dụng các nguồn vốn khác xây dựng các hạng mục trên địa bàn xã 304 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2020.

Căn cứ vào lộ trình trả nợ đã cam kết, từng cấp ngân sách phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB theo phân cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 13-5-2015 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.

Về rà soát, đánh giá tác động môi trường và xử lý tình trạng ô nhiễm tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, các chương trình, dự án đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực thực hiện rà soát, kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, được cử tri có ý kiến, kiến nghị xử lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và xử phạt nghiêm các đơn vị vi phạm, yêu cầu các đơn vị kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Về xác định nguyên nhân và chỉ đạo khắc phục ô nhiễm tại hồ nước Phú Vinh, xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, qua kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên – Môi trường, các chỉ tiêu phân tích chất lượng nước tại hồ Phú Vinh đều nằm trong giới hạn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (sử dụng cho cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng biện pháp xử lý), hiện tại khả năng tự làm sạch của nước hồ Phú Vinh vẫn bảo đảm. Tuy nhiên, trên phạm vi lưu vực của hồ Phú Vinh có các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của Trại giam Đồng Sơn, Lâm trường Long Đại và một số hộ dân trong vùng, có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước hồ Phú Vinh nếu không được quản lý kịp thời.

Sau khi có báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về thực tế chất lượng môi trường nước tại hồ Phú Vinh, các nguy cơ gây ô nhiễm có thể xảy ra, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nguồn nước sinh hoạt hồ Phú Vinh, trong đó chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các phương án xử lý, đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt hồ Phú Vinh để bảo đảm cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân và phân định trách nhiệm quản lý của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước hồ Phú Vinh.

Về vấn đề thu hồi đất, thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các dự án chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất và giấy chứng nhận đầu tư.

Qua kiểm tra, rà soát, đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai 2013, UBND tỉnh thông báo chậm tiến độ đối với 52 dự án vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 262 ha, trong đó có 23 dự án đã thuê đất quá 12 tháng nhưng chưa triển khai sử dụng đất; 29 dự án sau khi thuê đất đã triển khai nhưng tiến độ chậm so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.

Sau khi thông báo, có 38 đơn vị làm thủ tục xin gia hạn và đã được UBND tỉnh quyết định cho gia hạn sử dụng đất đến ngày 1-7-2016. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức 2 cuộc thanh tra đối với 74 tổ chức được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh để làm rõ việc tuân thủ pháp luật đất đai của các đơn vị, nhằm kịp thời đôn đốc các đơn vị khắc phục, chấn chỉnh.

Về rà soát lại diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; sớm hoàn thành phương án sử dụng đất. Tham mưu xử lý tài sản trên đất để bàn giao cho địa phương quản lý. Hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt Phương án sử dụng đất của 4 công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Đến nay, việc xác định ranh giới và đo đạc cắm mốc thực địa cho các công ty đạt khối lượng 81,87% so với phương án đã được phê duyệt. Phấn đấu trong năm 2016 hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho các công ty.

UBND tỉnh đã thu hồi 3.830 ha đất nông, lâm trường giao UBND xã Trường Sơn (Quảng Ninh) quản lý, sử dụng.
UBND tỉnh đã thu hồi 3.830 ha đất nông, lâm trường giao UBND xã Trường Sơn (Quảng Ninh) quản lý, sử dụng.

UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tham mưu phương án xử lý tài sản trên đất thu hồi của các nông lâm trường; bố trí đủ nguồn vốn đối ứng của tỉnh để thực hiện rà soát, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp đúng tiến độ và mục tiêu đề ra.

Về việc nạo vét cửa sông Nhật Lệ, tạo điều kiện cho các tàu thuyền đánh bắt thủy sản của ngư dân đi lại thuận lợi, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn, triển khai thực hiện. Đến nay, dự án Nạo vét cục bộ cửa sông Nhật Lệ cần nguồn vốn 4,784 tỷ đồng.

Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương đang còn khó khăn, Sở Giao thông vận tải cũng đã báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xem xét, bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án nạo vét cục bộ thông luồng cửa sông Nhật Lệ. Hiện tại, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang chỉ đạo đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) thực hiện khảo sát, lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình để trình phê duyệt và triển khai thực hiện.

Về vấn đề rà soát lại số lượng biên chế tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, có giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng biên chế. Yêu cầu làm rõ nguyên nhân thiếu biên chế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng chưa tuyển dụng được để có biện pháp giải quyết, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 241/BC-UBND ngày 22-11-2016 về tình hình thực hiện biên chế năm 2016 và kế hoạch biên chế năm 2017.

Tổng số lượng biên chế năm 2016 là 24.890, trong đó biên chế công chức hành chính giao chính thức là 1.953, trong đó dự phòng 8 biên chế; biên chế sự nghiệp chính thức là 22.937 biên chế; hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 617 chỉ tiêu. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, đến nay, về cơ bản biên chế công chức hành chính giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định...

Tr.T (lược ghi)