.

Tuyên Hoá: Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống cho nhân dân

Thứ Hai, 31/10/2016, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Trận đại hồng thuỷ vừa xảy ra vào trung tuần tháng 10-2016 đã gây ra nhiều thiệt hại rất nghiêm trọng đối với huyện Tuyên Hoá. Tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra ước tính gần 500 tỷ đồng. Trước những thiệt hại, mất mát to lớn đó, những ngày qua, toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Tuyên Hoá đã và đang tập trung lực lượng, phương tiện dốc sức khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống cho nhân dân...

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn và các đơn vị trực thuộc trao tiền và hàng cứu trợ người dân vùng lũ huyện Tuyên Hoá.
Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn và các đơn vị trực thuộc trao tiền và hàng cứu trợ người dân vùng lũ huyện Tuyên Hoá.

Lũ lụt "cuốn trôi" gần 500 tỷ đồng 

Huyện miền núi rẻo cao Tuyên Hóa có 3 vùng cơ bản gồm: vùng núi cao, vùng đồi núi trung du và vùng đồng bằng. Địa hình hẹp và dốc, nghiêng từ tây sang đông, lại bị chia cắt bởi 3 con sông, gồm sông Gianh (2 nhánh Rào Trổ và Rào Nậy), sông Nan, sông Ngàn Sâu cùng nhiều khe suối.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có hơn 60 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có những hồ đập với dung tích khá lớn và xung yếu như: đập Bẹ ở xã Mai Hoá; đập Thuỷ điện Hố Hô, đập Cây Trâm, đập Cây Ươi ở xã Hương Hoá...

Bởi vậy, hàng năm cứ đến mùa mưa lũ, mực nước trên các sông, đặc biệt là tại các khu vực ở gần hồ đập thường dâng cao và chảy xiết khó lường, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân...

Dù đã chủ động triển khai rất nhiều biện pháp, giải pháp để hạn đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, tuy nhiên, trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy, Tuyên Hóa đã phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề.

Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tuyên Hoá tính đến ngày 25-10-2016 cho biết: Đợt lũ lụt này đã khiến 30 người dân trên địa bàn bị thương và 1 người chết (do dọn nhà sau lũ bị ngã chết); 18 nhà dân bị sập, cuốn trôi; rất nhiều tài sản, vật nuôi, cây trồng... của nhân dân bị lũ làm hư hỏng. Tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với Tuyên Hoá ước tính gần 500 tỷ đồng.

Là một địa bàn miền núi còn lắm khó khăn, kinh tế nằm trong tốp các địa phương nghèo nhất tỉnh, đợt lũ lụt vừa qua đã cuốn trôi rất nhiều thành quả mà toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuyên Hoá nỗ lực xây dựng từ nhiều năm qua. Và chắc chắn, phải cần đến rất nhiều nhân lực, vật lực, thời gian, kinh phí... thì Tuyên Hoá mới có thể khôi phục lại được phần nào những thiệt hại nói trên.

Khẩn trương khắc phục những tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng ở Tuyên Hoá.
Khẩn trương khắc phục những tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng ở Tuyên Hoá.

Ông Trần Xuân Tân, Bí thư Đảng uỷ xã Mai Hoá cho biết, là một địa phương còn lắm khó khăn, thế nhưng, với sự nỗ lực không mệt mỏi nhiều năm liền của địa phương, mới đây xã Mai Hoá vinh dự được huyện, tỉnh chọn để tập trung chỉ đạo đạt xã nông thôn mới vào năm 2016. Nhưng, buồn thay rất nhiều thành quả của địa phương gây dựng nên đã bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng.

Đợt lũ lụt trung tuần tháng 10-2016 đã khiến cho 10 người dân xã Mai Hóa bị thương; 2 nhà bị sập trôi và 9 nhà dân bị hư hỏng nặng; nhiều ha cây màu bị hư hỏng, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết do lũ... Tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với Mai Hoá ước tính hơn 35 tỷ đồng.

Không riêng gì xã Mai Hoá, rất nhiều địa phương khác như Đồng Hoá, Thạch Hoá, Tiến Hoá, Văn Hoá, Châu Hoá, Phong Hoá, Kim Hoá, Hương Hoá, Ngư Hoá... cũng gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây nên.

Dồn sức khắc phục hậu quả

Với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay sau khi nước lũ vừa rút, Huyện ủy, UBND huyện huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đồng loạt huy động lực lượng, triển khai công tác giúp đỡ các xã bị ngập lụt sâu và thiệt hại nặng; thu dọn vệ sinh, nạo vét bùn đất ở các trục đường, trụ sở, trường học, trạm y tế, nhà dân; xử lý vệ sinh môi trường, nước uống với quyết tâm không để xẩy ra dịch bệnh cho người và gia súc; khắc phục nhanh các trường học, trạm y tế, các công trình giao thông, bảo đảm đời sống và sinh hoạt của nhân dân; chủ động khắc phục công trình thủy lợi để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông-xuân 2016-2017.

Từ sáng 16-10-2016, UBND huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo, phân công thị trấn Đồng Lê và Chi cục Thuế cắt cử lực lượng, phương tiện giúp đỡ xã Phong Hóa; xã Sơn Hóa giúp Đồng Hóa; xã Nam Hóa giúp Thạch Hóa; Ban chỉ huy Quân sự huyện giúp xã Tiến Hóa; Công an huyện giúp xã Văn Hóa; cơ quan UBND huyện giúp xã Châu Hóa; Hạt Kiểm lâm giúp xã Mai Hóa; Ủy ban MTTQVN huyện giúp xã Thuận Hóa... Ngay trong ngày đầu tiên, các đơn vị đã huy động được hơn 500 người cùng nhiều phương tiện để thực hiện công tác hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt.

 

Thầy và trò xã Phong Hoá dọn dẹp vệ sinh sau lũ.
Cán bộ Đảng ủy, UBND xã Mai Hóa dọn dẹp vệ sinh trụ sở sau lũ

Tiếp đó, UBND huyện Tuyên Hoá chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trạm thú y, UBND các xã, thị trấn... triển khai các phương án để bảo đảm vệ sinh môi trường, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh xảy ra cho người và gia súc; triển khai phun tiêu độc khử trùng, hạn chế dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt.

Đặc biệt, UBND huyện Tuyên Hoá đã chủ động trích ngân sách thăm hỏi, động viên những gia đình, đối tượng bị thiệt hại nặng, người bị thương; huy động lực lượng giúp các hộ có nhà sập, cuốn trôi dựng lại nhà tạm để ổn định cuộc sống (trước mắt hỗ trợ cho 5 nhà bị sập hư hỏng hoàn toàn với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/1 nhà sập). UBND huyện cũng đã thành lập tổ xác minh thiệt hại do đồng chí Phó phòng Lao động TBXH huyện làm trưởng đoàn trực tiếp về tại các hộ gia đình bị thiệt hại nặng trong lũ như nhà bị sập, bị trôi để xác minh và hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Bên cạnh đó, Huyện ủy Tuyên Hoá đã chỉ đạo Ủy ban MTTQVN huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm tổ chức tiếp nhận và phân bổ tiền, quà cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt, bảo đảm kịp thời, đúng tối tượng... Tính đến ngày 22-10-2016, theo thống kê sơ bộ của Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hoá, toàn huyện đã tiếp nhận được khoảng 10 tỷ đồng (gồm trên 5 tỷ đồng tiền mặt và một số lượng hàng hoá, lương thực... ước tính đạt giá trị khoảng 5 tỷ đồng).

Bí thư Đảng uỷ xã Mai Hoá Trần Xuân Tân nói: Khi lũ vừa rút, chúng tôi đã nhanh chóng chỉ đạo các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, đơn vị... đóng trên địa bàn tiến hành các biện pháp để hỗ trợ nhân dân khắc phục những thiệt hại do lũ lụt gây ra. Ngay sau lũ, xã Mai Hoá đã tập trung lực lượng, phương tiện trực tiếp đến những gia đình bị thiệt hại nặng để hỗ trợ họ dọn dẹp vệ sinh, dựng lại nhà ở, hỗ trợ lương thực... với quyết tâm không để một người dân nào bị đói ăn, đứt bữa.

Niềm vui của người dân Tuyên Hoá bị thiệt hại do lũ lụt khi nhận được nhận tiền, quà cứu trợ.
Niềm vui của người dân Tuyên Hoá bị thiệt hại do lũ lụt khi nhận được nhận tiền, quà cứu trợ.

Để thực hiện được nhiệm vụ đặt ra, Mai Hoá gấp rút trích ngân sách 50 triệu đồng để thuê 2 máy ủi và máy múc đất tiến hành dọn dẹp bùn đất, xây lại tường rào chợ, nạo vét kênh mương, cứu trợ lương thực... “Nếu như không có đợt lũ này thì khả năng về đích nông thôn mới của xã đã nằm trong tầm tay. Nhưng với những thiệt hại như đã nói thì khả năng về đích nông thôn mới sẽ rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ cấp trên” – ông Tâm cho biết.

Đồng chí Hoàng Minh Đề, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tuyên Hoá cho biết: Kể từ sau đợt lũ tới nay, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện Tuyên Hoá đã dồn sức để tập trung khắc phục những hậu quả do lũ lụt gây nên, từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung tu sửa hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt nhất là hệ thống thuỷ lợi, công trình giao thông nội thôn, nội đồng... nhằm phục vụ sản xuất đông-xuân; thực hiện chính sách tăng thêm trợ cước, trợ giá các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao cho bà con; từng bước khôi phục lại các lồng cá, đàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, làm chết...

Huyện Tuyên Hóa đang nỗ lực tập trung huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân. Mặt khác, từng bước kiên cố hoá các trụ sở, trường học, nhà văn hoá, nhà tránh lũ... để tăng cường khả năng chống chịu và giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Văn Minh