.

Khu vực Trung bộ sẽ xuất hiện lũ do mưa lớn từ đêm nay

Thứ Tư, 12/10/2016, 14:25 [GMT+7]

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ đêm 12-10 đến hết ngày 15-10, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to do ảnh hưởng kết hợp của vùng áp thấp, gió mùa Đông Bắc và nhiễu động gió Đông trên cao. Lượng mưa cả đợt trên 200mm, riêng khu vực Nam Nghệ An-Huế khoảng 300-500mm.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Do mưa lớn, từ ngày 13 đến 15-10 trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế sẽ xuất hiện lũ. Mực nước trên các sông ở Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và sông La (Hà Tĩnh) phổ biến lên mức báo động 1-báo động 2; riêng sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đặc biệt là các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn (Nghệ An), Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh), Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình). Rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Trên biển, vùng áp thấp đang ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Dự báo vùng áp thấp có xu hướng dịch chuyển hướng về phía vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Trung bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển Quảng Trị-Quảng Ngãi có mưa dông kèm gió giật mạnh. Từ đêm nay, ở vịnh Bắc bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động.

Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa Tây Nam mạnh cấp 4-5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8 nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang và Vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trước tình hình trên, ngày 12-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện số 27 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu; các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin Truyền thông; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nội dung Công điện nêu rõ:

Theo bản tin cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng kết hợp của vùng áp thấp, gió Đông Bắc, từ đêm 12/10 đến hết 15/10 các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa cả đợt trên 200mm, riêng khu vực Nam Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế khoảng 300-500 mm (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2).

Ngoài ra, do ảnh hưởng của kỳ triều cường, từ ngày 18-20/10 mực nước trên sông Cửu Long và sông Sài Gòn sẽ lên mức báo động 3 và trên báo động 3, mực nước ở một số trạm như tại Mỹ Thuận (sông Tiền) trên báo động 3: 0,1m, tại Mỹ Tho (sông Tiền) ở mức báo động 3; tại Cần Thơ (sông Hậu) trên báo động 3: 0,1m; tại trạm An Phú (sông Sài Gòn) lên trên báo động 3: 0,15 m; nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp, đặc biệt khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh (cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3).

Để chủ động đối phó với các tình huống mưa, lũ, triều cường, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng, đang sản xuất trong khu vực có thể xảy ra nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm tra bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có lũ. Chỉ đạo kiểm tra các hồ chứa, chủ động việc tích nước, xả lũ đảm bảo an toàn cho đập và hạ du, nhất là đối với các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý.

Chỉ đạo kiểm tra các khu vực khai thác khoáng sản, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối, bảo đảm an toàn cho công trình và người lao động. Kiểm tra bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh hạ lưu vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, mưa lũ, mực nước trên các sông rạch và thông báo thường xuyên, kịp thời đến chính quyền và người dân, nhất là khu vực thường xuyên bị ngập úng, khu vực ven sông để chủ động tổ chức phòng tránh. Kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện bơm, tát để sẵn sàng triển khai ứng phó tại chỗ đảm bảo an toàn cho lúa, hoa màu, các vùng cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản; tạm ngưng xuống giống lúa trong thời gian triều cường. Bố trí lực lượng, thiết bị, cắm biển báo, hướng dẫn giao thông qua các khu vực ngập sâu để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình nhất là các công trình giao thông, hồ đập. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên cập nhật diễn biến mưa, lũ, triều cường thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.

Theo Minh Nguyệt-Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)