.

Minh Hóa: Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 31/03/2016, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Huyện Minh Hóa có 2.409 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 10.547 nhân khẩu gồm có các dân tộc: Bru-Vân Kiều, Chứt, Thổ, Mường, Thái, Tày, A Rem sống tập trung ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao.

Năm 2015, đồng bào DTTS các xã biên giới huyện Minh Hóa đã gieo trồng được 154ha lúa nước, 335 ha ngô, 257ha lạc đạt năng suất và sản lượng khá cao. Chăn nuôi đang từng bước phát triển, hiện đàn gia súc của đồng bào 4 xã biên giới có 8.437 con. Nhiều mô hình trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích sản xuất lâm nghiệp trên toàn huyện đạt 600ha trong đó 4 xã biên giới đạt 2.22ha, chiếm 37% diện tích rừng sản xuất toàn huyện.

Phong trào xây dựng bản làng, gia đình văn hóa được đồng bào tích cực hưởng ứng. Hiện có7/40 thôn, bản ở các xã biên giới đạt danh hiệu làng văn hóa. Công tác giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức, cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học được cải thiện.

Các cấp học đã huy động cơ bản số con em trong độ tuổi đến trường. Trên địa bàn huyện có khoảng 3.700 học sinh là người dân tộc thiểu số được đến trường và hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước. Mạng lưới y tế được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng.

Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất cho đồng bào DTTS, năm 2015 huyện đã hỗ trợ gạo theo Chương trình 30a đợt 1 là 314.640 kg cho 1.667 hộ nghèo với 6.992 khẩu ở các thôn bản vùng giáp biên giới. Trong dịp Tết Nguyên đán 2016, huyện tiếp tục hỗ trợ gạo giáp hạt và gạo cứu đói cho các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa. Hàng chục nghìn hộ nghèo ở các xã biên giới cũng đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kinh phí để làm nước sạch, nhà vệ sinh, trồng và chăm sóc rừng.

Đồng bào DTTS thu hoạch lúa rẫy.
Đồng bào DTTS thu hoạch lúa rẫy.

Cũng trong dịp cuối năm, nhiều cơ quan, đoàn thể và các tổ chức hảo tâm đã thăm, tặng hàng chục nghìn suất quà cho bà con vào dịp Tết cũng như trong thời kỳ giáp hạt nên đồng bào DTTS đã có một cái Tết no đủ hơn.

Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn khi chưa tự chủ trong phát triển kinh tế, còn nhờ sự hỗ trợ của nhà nước quá lớn. Đến nay, toàn huyện có khoảng 78% hộ đồng bào DTTS chưa cân đối và tự túc được lương thực.

Ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho hay: “Hiện nhiều bà con đồng bào DTTS ở 3/4 bản trên địa bàn xã đã gần hết gạo ăn. Mặc dù vẫn chưa có hộ nào đói đứt bữa nhưng đã có một số hộ ăn cơm độn với sắn, ngô. Hiện xã cũng đang dự trữ 1 tấn gạo để hỗ trợ những hộ gặp khó khăn nhất trong thời gian tới”. Toàn xã Thượng Hóa có trên 200 hộ đồng bào DTTS, gần 800 khẩu sống tập trung ở các bản Mò O Ồ ồ, Yên Hợp, Ón và Phú Minh.

Hiện nay, ngoài bản Mò O Ồ ồ có thể tự đáp ứng lương thực nhờ trồng lúa, còn lại các bản khác đang rất khó khăn trong mùa giáp hạt này. Không những nguy cơ thiếu lương thực mà nước sinh hoạt của bà con cũng có thể thiếu. Bởi người dân nơi đây chủ yếu sử dụng nước khe, suối để sinh hoạt, trong thời gian tới nếu xảy ra nắng nóng kéo dài thì nguồn nước cũng sẽ bị cạn kiệt như các năm trước.

Tại xã Hóa Sơn, có 220 hộ, khoảng 1.100 khẩu đồng bào DTTS. Trong những ngày giáp hạt này, tình hình an ninh lương thực của đồng bào cũng đang trong tình trạng “báo động” khi gạo trợ cấp từ Chương trình 30a và gạo cứu đói giáp hạt đã gần hết. Về vấn đề nước sinh hoạt của bà con hiện tạm ổn khi đồng bào đang sử dụng các nguồn nước tự chảy để sinh hoạt, một số nơi không có nước khe suối, xã đã hỗ trợ kinh phí cho bà con đào giếng.

Ông Cao Ngọc Điền, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho hay: “Hiện xã đang tập trung chỉ đạo bà con trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng trồng, khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới rừng từ các dự án nên đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao. Riêng các hộ nghèo có nguy cơ thiếu đói, xã đã lập danh sách đề nghị UBND huyện tiếp tục hỗ trợ”.

Trước Tết Nguyên đán, xã Trọng Hóa đã tiếp nhận và cấp phát 51.045 kg gạo tháng thứ 5 của năm 2015 của Chương trình 30a để phân bổ cho 3.403 khẩu thuộc 644 hộ nghèo toàn xã; 6.000kg gạo giáp hạt cho 106 hộ. Ngoài ra, bà con trong xã cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Nhưng đến thời điểm này, gạo hỗ trợ của các gia đình cũng đang trong tình trạng gần cạn kiệt.

Ông Hồ Kinh, ở bản K Ing, xã Trọng Hóa lo lắng: “Gạo hỗ trợ của Nhà nước gần hết rồi chú à, chừ gia đình phải độn ngô, sắn để ăn. Ngoài ra, phải tích cực lao động sản xuất để kiếm tiền mua gạo nữa”. Hiện nhiều bà con xã Trọng Hóa đang tích cực trồng rừng và khai thác gỗ nguyên liệu. Vấn đề nước sinh hoạt trên địa bàn xã cũng đang được quan tâm khi xã tận dụng sự đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án để giúp bà con dẫn nước từ các khe, suối về nhà sinh hoạt.

Trong mùa giáp hạt này, có lẽ đồng bào DTTS ở xã Dân Hóa là khó khăn nhất. Hiện bà con đã sử dụng gần hết gạo hỗ trợ của các chương trình. Ngoài các bản Ka Ai, Ka Vàng có trồng được hai vụ lúa nước nên còn lúa gạo dự trữ, một số bản làng năm nay được mùa lúa rẫy nhưng cũng chỉ kéo dài thêm một thời gian.

Không những nguy cơ thiếu lương thực, xã Dân Hóa còn phải lo chuyện thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới. Cả xã chỉ có 3/13 bản có công trình nước sinh hoạt, còn lại bà con đều phải dùng nước khe suối cả. Nhưng theo nhiều người dân cho hay, nếu nắng hạn như hàng năm thì việc thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô này là điều khó tránh khỏi...

Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát cụ thể tình hình đời sống của bà con, nhất là hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ tàn tật, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có chính sách hỗ trợ, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đồng bào thiếu đói trong mùa giáp hạt.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con DTTS hiểu biết chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; vận động nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã xây dựng phương án, thực hiện tốt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chú trọng công tác đào tạo nghề cho bà con...

Xuân Vương