.

Những "con ong" cần mẫn

Thứ Sáu, 19/02/2016, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng tạo, cống hiến để rồi cho ra đời các sản phẩm trí tuệ phục vụ nhiều lĩnh vực đời sống như lao động, sản xuất, giảng dạy, chăm sóc sức khỏe... những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo và những người nông dân có chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả lao động. Sự nỗ lực đóng góp bằng các công trình nghiên cứu của “những con ong” cần mẫn ấy còn khích lệ phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo phát triển rộng khắp ở các ngành, nghề, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Không ngừng sáng tạo, tác giả Nguyễn Thanh Long và các cộng sự (Công ty cổ phần gốm sứ và xây dựng Cosevco) đã xây dựng giải pháp “Thiết kế cải tạo và nâng công suất thiết bị sấy phun”. Với các ưu điểm như tăng đường kính trong của thân tháp, cải tiến bộ phận chia gió ở đỉnh tháp thành 3 tầng có nhiều rãnh xoắn theo đường cong ác-si-mét giúp luồng khí vận chuyển theo đường xoắn và phân bổ trong tháp sấy phun đã làm tăng hiệu quả quá trình sấy sản phẩm.

Ngoài ra công trình này còn có tính chịu nhiệt cao do phần cấp khí nóng, đỉnh tháp sấy phun và bộ chia gió được sử dụng inox 316 chịu nhiệt và hệ thống bảo ôn bằng bông chịu nhiệt. Việc sử dụng biến tần điều khiển quạt hút vừa tiện lợi cho công nhân vận hành vừa tiết kiệm điện năng (giảm gần 50% điện năng so với trước đây). Thiết bị phun sau khi cải tiến được đưa vào sử dụng và hoạt động rất ổn định, đạt các thông số kỹ thuật theo yêu cầu, tăng công suất sấy phun lên 20% so với trước, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất.

Một trong những đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học phải kể đến Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng với nhiều công trình như “Thử nghiệm một số biện pháp xử lý loài Bìm bôi xâm hại tại khu dịch vụ hành chính Vườn Quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng”, “Nghiên cứu, điều tra mức độ ảnh hưởng của các loài ngoại lai xâm hại tại Vườn và giải pháp phòng ngừa”.

Tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, giải pháp “Atlas điện tử Phong Nha-Kẻ Bàng” của các tác giả Võ Văn Trí, Trần Xuân Mùi, Lê Thị Phương Lan (Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng) được trao giải ba. Đây là bộ cơ sở dữ liệu trực tuyến về tài nguyên thiên nhiên và xã hội khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng trên nền tảng Webgis, sử dụng công nghệ điện toán đám mây kết hợp với quá trình xử lý, biên tập phân tích trên các phần mềm chuyên dụng giúp dễ dàng truy cập, tìm kiếm, khai thác thông tin trực tuyến.

“Atlas điện tử Phong Nha-Kẻ Bàng” là kho dữ liệu không gian trực quan, tương tác cao, chứa các thông tin đa chiều về tài nguyên, văn hóa, lịch sử, bài viết, liên hệ, hình ảnh nhạc, phim, thuyết minh... được tích hợp tạo nên hệ thống thông tin trực tuyến sinh động. Atlas điện tử còn linh hoạt trong việc cập nhật, nâng cấp thông tin và các dữ liệu có thể được tích hợp trên các phần mềm khác.

“Sáng tạo là không ngừng nghỉ”, nhiều năm qua nông dân Đặng Thanh Lâm ở đội 3 Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy đã tìm tòi nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân ở các địa phương. Một số công trình nghiên cứu của anh được vinh danh tại các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình, trong đó có  giải pháp “Xe tuần đường sắt”. Xe tuần đường sắt giúp giảm công sức lao cho công nhân tuần đường sắt, tăng hệ số an toàn cho những chuyến tàu.

Phong trào nghiên cứu khoa học trong ngành Y tế đã có bước phát triển đáng mừng với nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn công tác của các bệnh viện. Tiêu biểu cho phong trào này là Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy với 5 giải pháp tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, trong đó có 3 giải pháp đạt giải (hai giải nhì, 1 giải ba).

Giải pháp  “Xử lý rau thai bằng phương pháp sinh học qua hệ thống hầm cầu tự hoại” của tác giả Thái Văn Công mang đến nhiều tiện ích như tiết kiệm nhiên liệu, xử lý triệt để chất thải một cách an toàn. Đây được xem là giải pháp thân thiện với môi trường, chi phí kinh tế thấp, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động xử lý chất thải ở bệnh viện.

Giải pháp “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hướng dẫn người bệnh đến khám tại bệnh viện” của tác giả Lê Văn Huân (Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy) đã giúp đơn vị cải tiến thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh khi đến khám bệnh tại đơn vị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu: thông tin chi tiết về người bệnh, phân buồng khám dựa trên từng bệnh lý, quản lý bảo hiểm y tế... bảo đảm sự liên hoàn rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh.

Giải pháp “Cải tiến bàn sưởi ấm sơ sinh từ xe tiêm” của tác giả Trần Huy Bình (Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình) và một số giải pháp khác của ngành Y tế cũng được ứng dụng rộng rãi trong công tác chuyên môn tại các bệnh viện.

Với mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt, nhiều năm qua, Công ty cổ phần dược phẩm Quảng Bình đã tập trung đổi mới công nghệ và cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao. Đặc biệt, tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, giải pháp “Nghiên cứu sản phẩm mới thuốc Reduflu-n” của đơn vị được trao giải nhất.

Sản phẩm này được bào chế ở dạng viên nén bao film có công dụng giảm đau, hạ sốt, điều trị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi. Reduflu-n đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được Cục sở hữu trí tuệ cấp quyết định bảo hộ.

Thành công từ các công trình trí tuệ của những chủ nhân công nghệ đã góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh. Và những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo và những người nông dân miệt mài sáng chế ấy sẽ tiếp tục cống hiến để cho ra đời nhiều sản phẩm mới bằng chính đôi tay, khối óc và niềm đam mê chinh phục những đỉnh cao của khoa học công nghệ.

Hà Anh