.

Trao những ước mơ

Thứ Ba, 26/01/2016, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm bên dòng Kiến Giang thuộc thôn Lộc Hạ, xã An Thuỷ, nhiều năm qua Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thuỷ (TTGDTKT) đã trở thành địa chỉ tin cậy, gửi gắm niềm tin của bao gia đình kém may mắn khi con em bị khuyết tật, không nhanh nhẹn, khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa. Và từ ngôi trường này, với sự tận tâm, kiên trì của các thầy cô giáo, những đứa trẻ có số phận không may đã được thắp sáng ước mơ nhỏ bé của mình.

Với chức năng, nhiệm vụ dạy chữ, dạy nghề, phục hồi chức năng và làm công tác tư vấn cho ngành về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, 17 năm qua, TTGDTKT Lệ Thủy đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình bằng cả trái tim yêu nghề mến trẻ. Thầy giáo Phạm Văn Hiệu, Giám đốc Trung tâm cho biết: Bình quân mỗi năm, trung tâm giáo dục và phục hồi chức năng cho gần 100 trẻ em khuyết tật các loại như: khiếm thính, hệ vận động, thiểu năng trí tuệ, bệnh đao, tự kỷ... Cá biệt có những em dưới 5 tuổi cũng đã vào trung tâm để được phục hồi chức năng. Từ đây đã có gần 200 em được công nhận học hết chương trình tiểu học, trong số đó có 5 em học lên THPT và nhiều em đã tìm được công việc ổn định tự nuôi sống bản thân mình. Riêng năm học 2015-2016 này, trung tâm có 97 em, kết thúc học kỳ I có 70% học sinh đạt yêu cầu về mọi mặt.

Có được kết quả đó là cố gắng rất lớn của cả thầy và trò ở một ngôi trường chuyên biệt. Mỗi thầy cô giáo cùng với việc thực hiện nhiệm vụ của một giáo viên bình thường họ còn phải thay nhau trực nội trú để chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ và giúp các em cả những việc vệ sinh cá nhân bằng tình yêu thương của những người cha, người mẹ.

Trẻ em khiếm thính học bài bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Trẻ em khiếm thính học bài bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Chị Phan Thị Lệ, mẹ cháu Phan Quang Ổn (học lớp 5) đã không giấu nổi niềm vui khi cảm nhận được sự chuyển biến của con trai mình. Chị kể, Ổn bị khiếm khuyết khả năng nghe nói, hai năm học ở trường bình thường không theo kịp bạn bè. Và do không nghe được nên càng ngày khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ của em cũng hạn chế dần. Chị đã quyết định đưa Ổn tới TTGDTKT Lệ Thủy.

Sau khi vào trung tâm, được thầy cô kiên trì rèn luyện bằng nhiều hình thức, phương pháp khoa học và sáng tạo, Ổn đã có sự tiến bộ rõ rệt, chức năng nghe - nói dần dần được phục hồi. Từ chỗ rất rụt rè, nhút nhát, giờ đây em đã mạnh dạn và học tập tiến bộ hơn. Ổn đã tự tin trò chuyện khi tiếp xúc với chúng tôi. Em kể, "Khi mới vào đây cháu không nghe được. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô giáo, chăm sóc, dỗ dành, dạy học cho cháu, hôm nay cháu đã nghe và nói được. Cháu sẽ vâng lời thầy cô và cố gắng học giỏi để giúp đỡ mẹ...".

Thầy giáo Trần Văn Bằng tâm sự, là giáo viên dạy thể dục, Tổng phụ trách Đội, trong quá trình dạy học và tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT),... thầy tiếp xúc nhiều với trẻ khuyết tật, nhất là trẻ câm điếc. Rồi trở thành thành viên tham gia dự án giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường, được tập huấn về ngôn ngữ kí hiệu, thầy ngày càng gắn bó với các em hơn, là cầu nối giữa các em với thế giới bên ngoài.

Cũng như thầy Bằng, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh cũng đã có 10 năm gắn bó với trẻ thiểu năng trí tuệ. Cô Minh cho hay: Các em đến đây đa phần đều là con em của các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa một lần được tiếp xúc với trường lớp mẫu giáo, nên việc tạo cho các em có ý thức tập trung để học, hay thói quen cầm bút để viết là cả một quá trình rất dài. Các em vào đây với một tâm hồn ngây thơ trong trắng nhưng mức độ nhận biết thì khác nhau. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng phân loại đối tượng để đưa ra kiến thức và phương pháp phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Có thể nói trong lớp mỗi em là một giáo án riêng.

Bằng tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm, những năm qua, TTGDTK Lệ Thủy đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động giáo dục chuyên biệt, chủ động sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học và định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật. Chính từ sự thấu hiểu, lòng bao dung của các thầy cô giáo, đến đây, ngoài việc được học văn hoá, phục hồi chức năng các em còn được tham gia chơi cờ vua, bóng bàn, học vẽ, luyện chữ đẹp hay các hoạt động văn hoá văn nghệ, TDTT... Các em đã tìm thấy niềm vui trong mỗi ngày đến trường.

Từ ngôi trường này, nhiều em đã có thêm động lực để vui sống và viết nên những ước mơ cho riêng mình. Mới đây nhất là trường hợp em Nguyễn Trọng Thành Long (một học sinh khiếm thính) đã giành được 2 huy chương vàng môn điền kinh tại Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ VI được tổ chức ở TP.Cần Thơ vào trung tuần tháng 12-2015 vừa qua. Em đã góp phần cùng 8 bạn học sinh khuyết tật tỉnh nhà giành được 15 huy chương các loại, mang niềm vui và tự hào về cho thầy cô, các bạn cùng gia đình.

Tưởng như cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại đối với những trẻ em khuyết tật, nhưng bằng tình yêu thương, sự kiên trì nhẫn nại, các thầy cô giáo ở TTGDTKT Lệ Thủy đang dần mở ra cho các em một tương lai tươi sáng hơn. Và các em đang từng ngày hòa nhập với cộng đồng... để rồi vẽ nên những mơ ước trong tương lai của mình.

Hiền Mai