.
Bài dự thi Giải thưởng báo chí viết về ATGT tỉnh Quảng Bình năm 2015:

Đừng để văn hóa giao thông trở nên "xa xỉ"!

Chủ Nhật, 27/09/2015, 09:21 [GMT+7]

(QBĐT) - “Một đất nước hơn 30 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông, chúng ta không thể coi đây là chuyện bình thường được”. Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nói về tình hình tai nạn giao thông tại cuộc họp trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Rõ ràng, tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta nói chung và trên địa bàn Quảng Bình nói riêng đang thực sự trở thành “vấn nạn”, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân. Và điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này lại nằm ở ý thức của người tham gia giao thông. Chính họ với việc xem thường văn hóa giao thông đã đặt mạng sống của mình trước vòng nguy hiểm để rồi khi tai nạn xảy ra có hối hận cũng đã quá muộn màng.

Những lỗi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Một trong những lỗi phổ biến mà không ít người ngang nhiên vi phạm là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Bất chấp nỗ lực tuyên truyền của các cơ quan chức năng, không ít người vẫn “nói không” với chiếc mũ bảo hiểm khi lưu thông trên các tuyến đường. Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, ngày 29-6-2007 của Chính phủ bắt buộc mọi người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm.

Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường nhất là ở khu vực nông thôn, việc không đội mũ bảo hiểm đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Thậm chí, nhiều người dù có mang theo mũ bảo hiểm vẫn “cố tình quên đội”, chỉ đến khi thấy CSGT từ xa thì mới đội chiếu lệ. Với họ, việc đội mũ bảo hiểm là để “đối phó” với lực lượng chức năng chứ không phải vì mục đích bảo vệ tính mạng cho bản thân. Điều này lý giải vì sao khi TNGT xảy ra, không ít trường hợp nạn nhân phải đánh đổi cả tính mạng chỉ vì không có chiếc mũ bảo hiểm bảo vệ, gây chấn thương sọ não.

Cũng giống như lỗi không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi đang lái xe cũng là lỗi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”... nhưng vi phạm vẫn đều đều. Hiện nay, đi trên đường không khó để chúng ta bắt gặp cảnh tượng các lái xe vừa điều khiển phương tiện vừa “vô tư” sử dụng điện thoại di động. Đây là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩm nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.

Bởi lẽ, dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát vận tốc khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời nên gây tai nạn là tất yếu. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”.

Mới đây, tại Điểm h, Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định: Người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy “sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính” sẽ bị phạt tiền từ 60.000-80.000 đồng.

Một bộ phận người dân đặc biệt là giới trẻ ý thức chấp hành pháp luật ATGT còn quá kém.
Một bộ phận người dân đặc biệt là giới trẻ ý thức chấp hành pháp luật ATGT còn quá kém.

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể do vẫn còn nhiều khe hở để “luồn lách”.

Tương tự, một số lỗi khác như chở quá số người quy định, đi sai làn đường, phần đường, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia... là những lỗi phổ biến mà không ít người vi phạm, khiến cho tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh ta diễn biến phức tạp.

Theo số liệu từ Phòng CSGT, Công an tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 179 vụ TNGT, làm chết 86 người, bị thương 171 người. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2014, giảm 53 vụ, 13 người chết và 69 người bị thương nhưng những con số nêu trên vẫn khiến chúng ta không khỏi “giật mình” vì thực trạng an toàn giao thông (ATGT) hiện nay. Các lỗi vi phạm phổ biến bao gồm chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định,chuyển hướng sai quy định, không đội mũ bảo hiểm...

Như vậy, rõ ràng yếu tố quan trọng gây nên tai nạn chính là ý thức của người tham gia giao thông, hay nói rộng hơn chính là văn hóa giao thông. “Sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, tài sản đã trở thành thói quen cố hữu của không ít người khi tham gia giao thông, đặc biệt là giới trẻ. Văn hóa giao thông hiện nay đang ngày càng trở nên “xa xỉ””, Trung tá Trần Đức Dương, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh nhấn mạnh.

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông

Lâu nay, ngành Giao thông, Công an và các địa phương đã thực hiện không ít các giải pháp kiềm chế TNGT, nhưng số vụ tai nạn xảy ra vẫn luôn ở mức cao. Đó là một nghịch lý khiến các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương “đau đầu”, trở thành nỗi ám ảnh của không ít người dân khi tham gia giao thông. Để có thể giải quyết triệt để “căn bệnh nan y” này đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ của cơ quan chức năng mà hơn hết cần có sự đồng thuận, “hợp tác” của mọi người dân.

Chính vì vậy, xây dựng văn hóa giao thông được xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm TNGT; bởi thực tế cho thấy rằng, chỉ khi ý thức tham gia giao thông được nâng cao thì các giải pháp khác mới phát huy được tác dụng và tình hình TNGT mới có những biến chuyển thực sự. Tuy nhiên để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.

Bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông cần phải được đẩy mạnh thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Thời gian qua, bên cạnh tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân.

Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2015, phòng đã phối hợp với Đội CSGT các huyện, thành phố, thị xã và các địa phương trong tỉnh tổ chức được 75 buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ với 38.000 lượt người tham gia. Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như phối hợp tổ chức sân chơi “Điểm đến an toàn 2014”; tổ chức hội thi “Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ” cho học sinh tiểu học trên địa bàn Minh Hóa; phối hợp với đài PT-TH địa phương xây dựng, phát sóng chuyên mục tuần "Góc nhìn giao thông"; điểm tin ATGT thường xuyên trên loa phát thanh.

Mặt khác, lực lượng CSGT đã phối hợp với Tổ chức Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP), Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai dự án Mũ bảo hiểm cho trẻ em” năm 2015 tại 3 trường tiểu học và tiếp tục triển khai chương trình tặng mũ bảo hiểm, cặp phao cho các em học sinh phải qua sông để đến trường.

Tiếp tục phát động cuộc thi “Giao thông thông minh” trên Internet cho học sinh trên địa bàn tỉnh; duy trì và nhân rộng các mô hình ATGT như xây dựng “thôn văn hóa giao thông”, “gia đình bảo đảm trật tự ATGT”, cổng trường ATGT... “Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phải cùng chung tay quyết liệt hơn nữa để làm thay đổi nhận thức của người dân.

Cần phát huy vai trò tích cực của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Khi mỗi người đều có ý thức xây dựng cho mình nếp văn hóa giao thông, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông thì TNGT sẽ không còn là nỗi ám ảnh thường trực như hiện nay”, Trung tá Trần Đức Dương khẳng định.

Tâm An