.

Tăng cường công tác phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai cho các địa phương

Thứ Ba, 23/06/2015, 11:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ đầu tháng 4 đến ngày 8-5-2015, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp đã tổ chức được 7 lớp phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai cho các huyện, thị xã trong tỉnh (trừ thành phố Đồng Hới chưa tổ chức). Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về công tác PCLB và TKCN của năm 2015 đã được triển khai trên địa bàn tỉnh ta với quy mô lớn, nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc thực hiện luật... 

 

Một buổi phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai được tổ chức tại huyện Quảng Trạch.
Một buổi phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai được tổ chức tại huyện Quảng Trạch.

Theo nhận định về xu thế mưa, bão, lũ năm 2015 của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông sẽ yếu hơn so với trung bình nhiều năm về cả tần số và cường độ, nhưng diễn biến phức tạp và khó lường.

Dự báo trong năm nay sẽ có 9 đến 10 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên biển Đông, trong đó có 4 đến 5 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong 5 tháng đầu năm 2015, tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng đã xảy ra trên diện rộng tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ, Bắc Trung Bộ...

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như toàn xã hội, góp phần phát triển ổn định, bền vững trong năm 2015 và những năm tiếp theo, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có chương trình, kế hoạch trước mắt, dài hạn về công tác PCLB và TKCN trong phạm vi toàn tỉnh, từng lĩnh vực, địa phương...

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức kinh tế, xã hội, toàn thể cộng đồng để hiệp lực tham gia vào công tác PCLB và TKCN, giảm nhẹ thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

Với phương châm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả (trong đó lấy phòng tránh là chính), Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh xây dựng phương án PCLB và TKCN của năm 2015 với một số nhiệm vụ rất cụ thể, trong đó tập trung khá sâu vào công tác phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc thực hiện luật...

Cụ thể, tính từ ngày 7-4 đến 8-5-2015, toàn tỉnh đã tổ chức được 7 lớp phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho các huyện, thị xã trong tỉnh như: Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2013 và có hiệu lực từ ngày 1-5-2014; Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 4-7-2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai... với hơn 295 đồng chí là cán bộ ở huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tham gia. Sau khi kết thúc lớp phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho các huyện, thị xã trong tỉnh, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đều yêu cầu đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã cần giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nhanh chóng lập kế hoạch tổ chức quán triệt nội dung nói trên đến tận cán bộ, nhân dân tại đơn vị mình, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015 và phải có văn bản báo cáo kết quả cho UBND huyện, thị xã...     

Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh cho biết: Luật Phòng, chống thiên tai được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa những rủi ro, ảnh hưởng, tác động của thiên tai đến đời sống nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Một số nét mới trong Luật Phòng, chống thiên tai là: Quốc gia, các sở, ban, ngành phải có chiến lược phòng chống thiên tai; các cơ quan, tổ chức, gia đình xây dựng phương án phòng chống thiên tai cho riêng mình; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội; rủi ro thiên tai được phân thành các cấp độ, căn cứ mức độ tăng dần của cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai, phạm vi ảnh hưởng và khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng, môi trường sinh thái... Rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ rủi ro. Cấp độ rủi ro thiên tai sẽ là cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, luật còn có 1 chương cho việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai...

Việc tổ chức các lớp phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho các huyện, thị xã trong tỉnh thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện luật tốt hơn trong thời gian tới.

V.M