.

Những người thắp lửa

Thứ Bảy, 20/06/2015, 15:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Không mang sứ mệnh như ngọn lửa của Prômêtê-nhân vật trong thần thoại Hy Lạp mang xuống cho loài người, nhưng báo chí, bằng bản lĩnh và trách nhiệm của mình cùng với tình yêu cuộc sống, đang mỗi ngày thầm lặng thắp lên những ngọn lửa thông qua tác phẩm báo chí, góp phần lan tỏa cái đẹp và niềm tin trong cuộc sống.

Có một bạn đọc thân thiết của Báo Quảng Bình từng tâm sự rằng: Mỗi ngày, khi giở trang báo và bắt gặp những bài viết về gương người tốt việc tốt, những câu chuyện nho nhỏ, những mẩu hồi âm của cơ quan, ban, ngành về một kiến nghị nào đó của người dân, lòng chợt ấm áp vô cùng. Bởi lẽ, từ những hình ảnh, những câu chuyện, những việc làm ấy, niềm tin vào cuộc sống được bồi đắp mỗi ngày.

Tâm sự của bạn đọc cũng chính là một trong những mục đích của nhiều nhà báo khi đặt bút viết một bài báo. Dẫu biết rằng có nhiều người khi làm những điều tốt đẹp chẳng nhất thiết phải để cho mọi người biết đến, nhưng để cái đẹp lan tỏa trong cuộc sống, thì nhà báo, với trách nhiệm của mình, cần mang vẻ đẹp đó đến cho mọi người, làm tròn vai trò “thắp lửa” và sứ mệnh cầu nối giữa cái đẹp và cuộc sống, giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giữa lượng thông tin ngồn ngộn mỗi ngày, trong đó có không ít thông tin giật gân, “lá cải” nhằm mục đích thu hút lượt truy cập, tăng doanh thu cho tờ báo, thì vai trò “thắp lửa” của mỗi một nhà báo càng quan trọng hơn. Để có thể theo đuổi mục đích tốt đẹp của mình thì cần lắm bản lĩnh của nhà báo khi đứng trước những cám dỗ vật chất đời thường.

Một tiết mục văn nghệ ngợi ca nghề báo trong Chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV “Nghề báo-Vinh quang và trách nhiệm”.
Một tiết mục văn nghệ ngợi ca nghề báo trong Chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV “Nghề báo-Vinh quang và trách nhiệm”.

Bởi để có được một tác phẩm báo chí có giá trị, mang đậm hơi thở cuộc sống, các nhà báo phải lăn lộn nhiều ngày, gặp gỡ nhiều người, cẩn trọng trong từng câu chữ. Và trên thực tế, nhuận bút cho những bài báo đó nhiều khi không đủ cho chi phí những chuyến đi. Nếu làm phép so sánh giữa quá trình cho ra đời bài báo ấy với việc ngồi phòng máy lạnh, chia sẻ và xào xáo thông tin, thì cái lợi vật chất thuộc về bên nào là rất rõ.

Nhưng sau tất cả những nhọc nhằn và có khi là cả những thiệt thòi ấy, niềm vui đến với những nhà báo chân chính rất đỗi bình dị và ngọt ngào. Đó có thể là cuộc điện thoại của một bác bí thư chi bộ thôn hồ hởi báo rằng nhờ bài báo của anh, chị, người dân đã có nước sinh hoạt và tưới tiêu.

Là anh ngư dân khi cập bến sau những chuyến đánh bắt ngư trường xa có chút thẹn thùng khi bảo tôi đã đọc bài báo về ngư dân tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo. Cảm ơn nhà báo đã đồng hành và sẻ chia cùng ngư dân chúng tôi dù công việc mỗi ngày của chúng tôi rất đỗi bình thường, như từ xưa tới giờ cha ông mình vẫn tham gia sản xuất và giữ gìn Tổ quốc. Là cô giáo vùng sâu vùng xa ngày ngày lặn lội đi bộ nhiều cây số đến bản nhỏ để dạy chữ cho học trò.

Khi đọc bài báo viết về chính mình và những đồng nghiệp, cô đã òa khóc vì cảm động, vì phía sau những câu chữ đó của nhà báo là sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia. Với người làm báo, đó là những phần thưởng và là kỷ niệm đẹp đẽ không thể nào quên. Và nhà báo đã không ít lần thầm cảm ơn những nhân vật, những việc làm đẹp đẽ đó của họ, để bằng ngòi bút và sự rung cảm, niềm tin yêu cuộc sống của mình, đã mang vẻ đẹp đó đến với bạn đọc một cách trọn vẹn.

Có một thực tế là một số người, với những cái nhìn cực đoan đã nhìn nhận cuộc sống một cách tiêu cực. Họ đổ lỗi cho chế độ, cho cơ chế, cho thời đại và cho số mệnh khi bản thân gặp phải những điều không vừa ý. Và thậm chí họ nghi ngờ cả những câu chuyện, những con người tốt đẹp trong những tác phẩm báo chí, xem đó là sản phẩm của sự “phóng bút” của nhà báo mà thôi. Hình ảnh cuộc sống đối với họ đầy rẫy những cái xấu, cái tiêu cực và họ không ngừng than vãn về những điều này.

Có ai đó đã nói rằng: Để xua tan bóng tối, thay vì nguyền rủa bóng tối, mỗi người hãy tự mình thắp lên ngọn lửa. Thấu hiểu được điều đó, cùng với những nhân vật, những con người và việc làm bình dị trong cuộc sống, nhà báo đã góp phần thắp lên ngọn lửa ấm áp, đẩy lùi những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực và nhân lên những điều tốt đẹp.

Có nhiều cách “thắp lửa” mà bằng bản lĩnh, trách nhiệm và cái tâm của người cầm bút, mỗi nhà báo có một cách lựa chọn riêng. Đấu tranh chống tiêu cực là một con đường chông gai mà nhiều nhà báo phải đổ mồ hôi, công sức, thậm chí đổ máu để hoàn thành sứ mệnh mà xã hội tin tưởng giao phó. Nhưng bù lại, cái được lớn nhất là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước khi những việc làm tiêu cực bị phanh phui và những tác phẩm báo chí đã góp phần mang lại công bằng xã hội.

Lựa chọn cách “thắp lửa” bằng con đường này, nhà báo luôn đối mặt với nhiều thử thách, nhất là những cám dỗ vật chất đời thường, trong khi cuộc sống bản thân vẫn còn nhiều khó khăn. Đó còn là sự lựa chọn cách thức truyền tải thông tin để vừa hoàn thành mục đích đấu tranh chống tiêu cực vừa đồng thời bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, như nhà báo Hữu Thọ từng chia sẻ: “Mỗi bài báo như một thông điệp của tác giả, có khi là sự yêu thương nhưng có lúc là sự hủy hoại”.

Và cho dù lựa chọn cách “thắp lửa” nào, đó là đồng hành cùng cái đẹp, đưa cái đẹp lan tỏa trong cuộc sống hay đấu tranh chống tiêu cực, “gạn đục khơi trong” thì mục đích cuối cùng của mỗi một nhà báo chân chính đều là mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho xã hội. Sứ mệnh ấy có thể được bắt đầu từ những việc làm cụ thể mà bằng bản lĩnh, trách nhiệm và cái tâm trong sáng của mình, mỗi một nhà báo đều có thể bắt đầu và nối dài, để ngọn lửa tin yêu mãi mãi tỏa sáng trong cuộc sống mỗi ngày.

Ngọc Mai