.
Kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2014):

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đang được xã hội hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ khắp nơi ở tỉnh ta

Thứ Sáu, 25/07/2014, 16:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với việc triển khai các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh ta đã phối hợp tổ chức thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2012 đến nay toàn tỉnh huy động được gần 5 tỷ đồng ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; các tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 400 nhà ở cho đối tượng chính sách, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tu sửa hàng chục công trình ghi công liệt sĩ và giúp đỡ cho nhiều đối tượng người có công và thân nhân ốm đau, bệnh tật nặng, có hoàn cảnh khó khăn...

* Ông Phạm Xuân Bình, TUV, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình.

* PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở tỉnh ta?

- Ông Phạm Xuân Bình: Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa’’ ở tỉnh ta  đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014. Đây là thời điểm triển khai đồng loạt các chế độ chính sách mới theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Để thực hiện hiệu quả công tác này Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã kịp thời tập huấn cho gần 500 cán bộ chính sách, lãnh đạo cấp xã, cấp huyện cùng các cơ quan đơn vị hữu quan; đồng thời tập trung giải quyết các chế độ chính sách theo chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. 

Cùng với việc triển khai các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp các ngành liên quan thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2012 đến nay toàn tỉnh huy động được gần 5 tỷ đồng ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Các tổ chức cá nhân trong ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 400 nhà ở cho đối tượng chính sách; hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tu sửa hàng chục công trình ghi công liệt sĩ; giúp đỡ nhiều đối tượng người có công và thân nhân ốm đau, bệnh tật nặng, có hoàn cảnh khó khăn...

Vào các ngày lễ lớn, dịp Tết Nguyên đán và ngày 27-7 hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức đi thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách trị giá nhiều tỷ đồng. Năm 2013 ngoài gần 18 tỷ đồng tiền quà tặng của Chủ tịch nước, các địa phương đã trích ngân sách cùng với các ngành, các tổ chức, cá nhân thăm tặng hàng chục nghìn suất quà trị giá gần 3 tỷ đồng cho đối tượng.

Tết Nguyên đán năm 2014 có 29.160 đối tượng được nhận quà tặng của Chủ tịch nước với tổng kinh phí 5,948 tỷ đồng, các địa phương trích kinh phí 1,3 tỷ đồng tặng 15.351 suất quà cho đối tượng; phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức trang trọng lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lễ viếng các anh hùng liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh; phối hợp với hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh làm phim tư liệu về bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm 2013, ngành đã giải quyết gần 1.200 trường hợp hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, trên 3.000 trường hợp hưởng trợ cấp 1 lần. 6 tháng đầu năm 2014, Sở đã giải quyết 232 trường hợp hưởng các chế độ trợ cấp hàng tháng, trên 4.000 trường hợp hưởng trợ cấp một lần; tổ chức cho 831 người có công đi điều dưỡng tập trung...

Đối với công tác mộ-nghĩa trang liệt sĩ đã triển khai tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuyên Hóa; hướng dẫn, tổ chức lấy 10 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang Đồng Sơn để xác định danh tính liệt sĩ theo chương trình “Trở về ký ức”; phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận lấy mẫu sinh phẩm 32 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Lào và an táng chu đáo tại nghĩa trang Ba Dốc... Bên cạnh đó đang khẩn trương triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên phạm vi toàn tỉnh. Có thể nói phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đang được xã hội hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ tại khắp nơi trên địa bàn tỉnh ta.

Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Long Đại tại Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: Minh Qúy
Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Long Đại tại Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: Minh Qúy

* PV: Ông có thể cho biết những điển hình trong hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ?

- Ông Phạm Xuân Bình: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở tỉnh ta đạt được những kết quả trên, trước hết nhờ sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB và XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong nhân dân ta, sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm trong ngoài tỉnh.

Xin được nêu một số điển hình như Báo Thanh niên phối hợp với các doanh nghiệp (Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam; bà Dương Thị Liễu ở thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCPĐTPT Việt Nam) tặng quà cho 2 gia đình liệt sĩ hy sinh ở nhà giàn DK1-BTL vùng II Hải quân và gia đình 13 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa với mức 20 triệu đồng/gia đình.

Nhà xuất bản Kim Đồng nhận phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ; Quỹ thiện tâm- Tập đoàn Vingroup hỗ trợ xây và sửa chữa 98 nhà tình nghĩa trị giá gần 3,5 tỷ đồng; Báo Sài Gòn giải phóng phối hợp với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam-CN Quảng Bình trao tặng 30 nhà tình nghĩa theo chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” trị giá 900 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng nhà tháp chuông tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc và nhà bia tưởng niệm 16 TNXP hy sinh tại bến phà Long Đại; Báo Diễn đàn doanh nghiệp tặng 4 nhà tình nghĩa trị giá gần 160 triệu đồng cho thương binh, gia đình liệt sĩ...

Đây là những hoạt động tri ân nghĩa tình cần được các tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh tiếp tục phát huy, chung tay cùng Nhà nước và bản thân đối tượng chính sách nhằm giúp người có công vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa mạnh mẽ công tác này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; tập trung thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, triển khai Kế hoạch số 763/KH-UBND ngày 23-6-2014 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Cùng với việc chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước; tổ chức các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” đồng  loạt tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh vào 19h ngày 26-7-2014.

Trước ngày 26-7-2014, lãnh đạo tỉnh sẽ đi dâng hương, hoa kính viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9-Quảng Trị, thăm tặng quà cho một số đối tượng chính sách tiêu biểu...

* PV: Nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, theo ông cần có những giải pháp gì?

- Ông Phạm Xuân Bình: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc ta. Vì thế phong trào này không chỉ diễn ra vào tháng 7 mà phải diễn ra thường xuyên, mọi lúc mọi nơi. Thời gian tới để đẩy mạnh phong trào có ý nghĩa này cần thực hiện nhiệm vụ sau: Tiếp tục tập trung giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách cho đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước. Đôn đốc việc thực hiện đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Tiếp tục triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công theo Quyết định số 22/QĐTTg của Chính phủ. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015).

Để thực hiện mục tiêu trên cần đẩy mạnh đồng bộ những giải pháp sau: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác người có công. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện các chính sách ưu đãi của nhà nước, của tỉnh. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Thực hiện hiệu quả chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Đẩy mạnh xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tuyên truyền giáo dục sâu rộng đến cán bộ đảng viên, CNVC, các LLVT và nhân dân toàn tỉnh về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công. Xây dựng phong trào toàn dân chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, đặc biệt tuyên truyền để bản thân người có công phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng.

* PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi nhiều ý nghĩa này.

Phan Hòa (thực hiện)