.

Cô nuôi mầm non và "giấc mơ biên chế" - Bài 2: Đâu là giải pháp?

Thứ Sáu, 21/03/2014, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong khi chờ Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư liên tịch quy định định mức biên chế sự nghiệp trong các trường mầm non công lập, trong đó có việc điều chỉnh định mức biên chế cho cô nuôi theo yêu cầu thực tế, một số giải pháp đã được Sở Giáo dục - Đào tạo trình UBND tỉnh xem xét nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cô nuôi mầm non.

>> Bài 1: Toàn cảnh "bức tranh cô nuôi"

Để phục vụ bữa ăn cho trẻ bán trú, các cô nuôi phải làm việc mỗi ngày trên 8 tiếng.
Để phục vụ bữa ăn cho trẻ bán trú, các cô nuôi phải làm việc mỗi ngày trên 8 tiếng.

Giải pháp cho “thời kỳ quá độ”

Với tổng số 524 cô nuôi (còn thiếu 326 cô nuôi theo nhu cầu thực tế), hiện các trường mầm non trong tỉnh đang triển khai nhiều phương án để chi trả tiền lương cho đội ngũ này. Các phương án gồm: nguồn từ ngân sách nhà nước; ngân sách nhà nước, trích từ học phí và hỗ trợ của phụ huynh; hỗ trợ của phụ huynh và tiết kiệm chi thường xuyên của đơn vị...

Theo đó, các cô nuôi sẽ được nhận mức lương tuỳ thuộc vào điều kiện và số kinh phí cụ thể của từng trường. Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo, trong tổng số 524 cô nuôi, có 69 cô nuôi hưởng lương dưới 1triệu đồng/người/tháng, 209 cô hưởng mức 1 đến 1,5 triệu đồng và 241 cô hưởng mức 1,5 đến 2 triệu đồng. Nhìn vào các con số trên có thể thấy rất rõ tiền lương mà đội ngũ cô nuôi hiện hưởng chưa tương xứng với những gì mà họ đã và đang đóng góp...

Để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cô nuôi nhằm góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, tại tờ trình số 355 TTr-SGDĐT ngày 10-3-2014 trình Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo đã đề xuất hai phương án.

Cụ thể: Với gần 40.000 trẻ ăn bán trú ở bậc học mầm non toàn tỉnh, số cô nuôi cần để đáp ứng nhiệm vụ là 850. Phương án thứ nhất là xin hỗ trợ kinh phí hoàn toàn từ ngân sách nhà nước. Với mức lương khởi điểm của người nấu ăn có trình độ trung cấp, tổng kinh phí trả lương cho 850 cô nuôi trong tỉnh một năm học là 16.363 triệu đồng. Phương án thứ hai là xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để trả lương theo mức lương tối thiểu hiện hành, số kinh phí còn lại do phụ huynh có con ăn bán trú đóng góp để bảo đảm lương cho người lao động như đã tính ở phương án 1. Cụ thể trong trường hợp này, ngân sách nhà nước hỗ trợ trong một năm học là 8.797 triệu đồng, phụ huynh đóng góp 7.565 triệu đồng, tương đương với bình quân mỗi trẻ học bán trú đóng 22.000 đồng/tháng.

Đây là những phương án đã được ngành tính toán cân nhắc kỹ nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cô nuôi cũng như giảm bớt gánh nặng cho các địa phương, đơn vị và huy động được sự chung tay của toàn xã hội...

Giấc mơ khiêm nhường

Trong khi mỏi mòn chờ biên chế cũng như các phương án của ngành trình Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, khi được hỏi về những nguyện vọng của mình, các cô nuôi Trường mầm non Phú Trạch (Bố Trạch) cho biết: Với số tiền lương hiện được hưởng, sau khi trừ bảo hiểm, số còn lại chỉ khoảng 1,6 triệu đồng. So với thu nhập chung của cô nuôi trong tỉnh, đây là mức lương trung bình, nhưng so với mặt bằng chung thì vẫn rất thấp.

"Hiện tại, trong điều kiện khó khăn chung, chúng em chỉ mong được tỉnh, huyện hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm, để mỗi tháng có thể mang về được khoảng 2 triệu đồng...", cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ. Còn đối với các cô nuôi Trường mầm non Thanh Lạng (xã Thanh Hoá, Tuyên Hoá), với mức tiền lương mỗi tháng 600 - 800 nghìn đồng, thì "giấc mơ" được đóng bảo hiểm còn xa vời, chứ đừng nói đến chuyện được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm.

Đây cũng là cái khó cho người sử dụng lao động khi theo quy định, lao động có thời hạn hợp đồng từ ba tháng trở lên phải được đóng bảo hiểm. Không có kinh phí để trả lương cho lao động đạt mức tối thiểu để đóng bảo hiểm theo quy định (1,86 x 1.150.000 đồng), mà không đóng bảo hiểm lại vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội. Vì vậy, với mức lương phụ thuộc vào nguồn thu từ phụ huynh và rất thấp này, khó khăn không chỉ riêng cho người lao động, mà với người sử dụng lao động cũng lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".

Trên thực tế, trong khi hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho đội ngũ cô nuôi, thì ở một số trường mầm non trong tỉnh, vấn đề này được thực hiện khá tốt. Điển hình như Trường mầm non Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới). Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ công tác tuyên truyền phối hợp hiệu quả, nhà trường đã nhận được sự hợp tác của 100% phụ huynh trong việc đóng góp kinh phí để trả lương cho 5 cô nuôi mà đơn vị đang hợp đồng. Không chỉ được hỗ trợ đóng bảo hiểm, các cô nuôi ở đây còn được trả lương theo bằng cấp đúng quy định của Nhà nước. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn.

Lời kết

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định: Việc sửa đổi Thông tư 71/2007/TTLT/BGDĐT-BNV với dự thảo sửa đổi điều chỉnh định mức biên chế cho cô nuôi theo yêu cầu thực tế, không chỉ là niềm mong mỏi của đội ngũ cô nuôi mà của cả ngành Giáo dục - Đào tạo và của tỉnh. Trong khi chờ đợi Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ điều chỉnh Thông tư, ngành đã phối hợp và chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các phương án huy động kinh phí để trả lương cho đội ngũ cô nuôi.

Thời gian qua, Sở cũng đã có nhiều văn bản tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề này. Gần đây nhất là tờ trình số 355 TTr-SGDĐT ngày 10-3-2014, trình HĐND và UBND tỉnh, trong đó đề xuất các phương án hỗ trợ cho 850 cô nuôi theo nhu cầu thực tế toàn tỉnh. Cũng theo bà Hương, để cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh nhà cũng như đội ngũ cô nuôi trong giai đoạn hiện nay, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được sự vào cuộc tích cực của các bậc phụ huynh, mà như cổ nhân dạy, trong "cái khó" cần "ló cái khôn". Làm được điều đó, đội ngũ cô nuôi sẽ yên tâm gắn bó với nghề hơn trong khi đợi chờ "giấc mơ" biên chế trở thành hiện thực.

Ngọc Mai