.

Báo động tình trạng khai thác hải sản ven bờ bằng nghề cấm

Thứ Hai, 24/03/2014, 07:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, trước tình trạng khai thác hải sản ồ ạt ven bờ, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp siết chặt việc khai thác. Tuy nhiên đến nay, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao, nguồn lợi hải sản và môi trường sinh thái ven biển tiếp tục bị đe dọa, bởi việc vi phạm không chỉ với tàu cá ngư dân trong tỉnh mà cả với ngư dân ngoài tỉnh lén lút tham gia khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ bằng các nghề cấm như: mành, te kết hợp với sử dụng mìn và giã cào đôi...

Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, từ việc tuyên truyền, vận động cho đến nghiêm cấm khai thác đối với các nghề có sử dụng xung điện, mìn, giã cào... trong vùng biển ven bờ để bảo vệ vùng sinh sản của hầu hết các loài thủy sản. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác ven bờ bằng nghề cấm vẫn diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là có sự tham gia của các tàu cá ngoại tỉnh khai thác bằng nghề lưới kéo như giã cào bay.

Điển hình như, trong hai ngày 12 và 13-3-2014, lực lượng tham gia phối hợp tuần tra gồm Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản, Đồn Biên phòng Roòn và UBND xã Cảnh Dương đã tiến hành tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ khu vực cửa Ròon. Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, xua đuổi 1 tàu cá khai thác bằng nghề mành, te kết hợp với sử dụng mìn.

Đặc biệt, trong đêm 12, lực lượng chức năng đã phát hiện, khống chế 1 cặp tàu khai thác bằng nghề giã cào đôi không có số đăng ký. Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng tham gia phối hợp kiểm tra thì những ngư dân trên tàu đã có hành vi cản trở, chống đối, không chấp hành hiệu lệnh và thậm chí các đối tượng đã có biểu hiện hành hung, đe doa tính mạng và xô đẩy lực lượng kiểm tra xuống biển gây nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ đang thi hành nhiệm vụ.

Ảnh 14 : Hoạt động đánh bắt thủy sản bằng nghề cấm thường được một số ngư dân lén lút vào ban đêm gây khó khăn cho việc phát hiện và ngăn chặn của lực lượng chức năng.
Hoạt động đánh bắt thủy sản bằng nghề cấm thường được một số ngư dân lén lút vào ban đêm gây khó khăn cho việc phát hiện và ngăn chặn của lực lượng chức năng.

Rõ ràng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ là yêu cầu cấp thiết, cần phải được chính quyền các cấp vào cuộc. Ông Hoàng Viết Thông, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và BVNL thủy sản cho biết, qua công tác tuyên truyền trong thời gian qua, tất cả các chủ phương tiện đều nắm được hình thức khai thác nào là vi phạm cũng như đâu là vùng biển cấm. Nhưng vì cuộc sống, họ vẫn lén lút và cố tình vi phạm, thậm chí tìm mọi cách để vào những vùng biển cấm khai thác.

Cũng theo ông Thông, khai thác thủy sản bằng nghề giã cào đôi chính là hình thức tận diệt khiến nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái biển. Cụ thể, loại nghề này thường hành nghề cách bờ khoảng 3-4 hải lý, đối tượng dùng 2 tàu chạy với tốc độ khá cao và dùng lưới bắt rộng (để rà từ đáy lên đến mặt nước), có kích thước mắt lưới 2a (khoảng 4cm) để đánh bắt tất cả các loại hải sản sinh sống từ tầng đáy lên tầng nổi.

Thêm vào đó, việc ngăn chặn tình trạng này đang gặp không ít khó khăn và trở ngại. Nguyên nhân là hầu hết hoạt động đánh bắt thủy sản bằng nghề cấm ở vùng biển ven bờ thường được ngư dân lén lút vào ban đêm, trong khi đó phương tiện đánh bắt lại không có số đăng ký theo quy định. Mặt khác, hiện nay các huyện, thành phố thực sự chưa vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn các vi phạm về khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ được phân công tại Quyết định 29/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa tỉnh Quảng Bình, trong đó tại Điều 6 đã nêu rõ: vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa thuộc địa bàn huyện, thành phố nào thì do UBND cấp huyện đó quản lý. 

Việc nghiêm cấm các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt, sát hại nguồn lợi thủy sản là chủ trương đúng, nhưng trên thực tế đó chưa phải là biện pháp mang lại hiệu quả cao và lâu dài mà chỉ là biện pháp tình thế nhằm lập lại trật tự trong khai thác thủy sản. Do vậy, để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bằng nghề cấm ở vùng biển ven bờ cần có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với ngư dân ven biển, đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp cụ thể với mục đích là giảm áp lực cho nguồn thủy sản ven bờ.

Vấn đề cốt lõi đầu tiên trong giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản là ổn định đời sống của người dân ven biển, trong đó sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp, nhất là số phương tiện công suất nhỏ, nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản ven biển. Chính quyền địa phương cần có chính sách giúp người dân tại các xã ven biển và chủ các phương tiện công suất nhỏ chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm phù hợp để giúp họ dần ổn định cuộc sống.

Song song, các đồn Biên phòng tuyến biển tăng cường kiểm tra trên các vùng biển thuộc các đồn quản lý, ngoài việc cấm tàu thuyền dùng lưới kéo đáy sát bờ (từ 3 hải lý trở vào), kiên quyết không cho các tàu cá ra biển khi chưa có số đăng ký. Đối với các trường hợp tàu có hành vi vi phạm, các lực lượng chức năng cần truy tìm và xử lý nghiêm, đồng thời thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin. Cuối cùng là tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra việc chấp hành quy định về khai thác thủy sản vùng ven bờ theo phân cấp quản lý tại Quyết định 29/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Có như vậy nguồn lợi thủy sản mới thực sự được khôi phục và khai thác lâu dài, bền vững.

Theo Nghị định số: 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Mức phạt đối với hành vi hoạt động sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản về vùng khai thác như sau: Đối với tàu lưới kéo (giã cào) (có công suất máy chính >90cv) hoạt động sai vùng khai thác theo quy định thì áp dụng mức phạt tại điểm đ, khoản 5, Điều 10 (mức phạt tiền gấp ba lần mức phạt tiền tối đa của khung hình phạt theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 5). Nghĩa là mức phạt đến  24 triệu đồng/tàu (tàu giã đôi là 2 chiếc x 24 triệu đồng/tàu = 48 triệu đồng).

N.L