Mái ấm tình thương cho trẻ khuyết tật

Cập nhật lúc 12:49, Thứ Tư, 02/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Chúng tôi đến thăm Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật huyện Quảng Ninh vào một ngày đầu tháng 4 năm 2012, khi các cán bộ chuyên viên, kỹ thuật viên ở đây cùng với các phụ huynh đang tích cực hướng dẫn trẻ khuyết tật luyện tập, phục hồi chức năng hệ vận động.

Đồng chí Lê Quyết Chiến, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Được thành lập từ tháng 7 năm 2002, Trung tâm có nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, chủ yếu là khuyết tật hệ vận động. Hiện nay, Trung tâm có 5 cán bộ chuyên trách, trong đó có 2 kỹ thuật viên, 1 hộ lý cấp dưỡng.

Ngoài ra còn có 16 cộng tác viên ở các xã trong huyện. Trung tâm quản lý hồ sơ 100 trẻ em khuyết tật, trong đó có 50 trẻ em thường xuyên luyện tập phục hồi chức năng tại trung tâm và 50 trẻ em tập luyện tại cộng đồng dưới sự hướng dẫn của các cộng tác viên. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm phục hồi chức năng đã đón nhận khoảng 25.000 lượt trẻ em khuyết tật ở các địa phương trong huyện đến luyện tập. Các cháu đến trung tâm được đội ngũ y bác sỹ, kỹ thuật viên nhiệt tình hướng dẫn phương pháp tập luyện, uốn nắn từng cử chỉ, động tác".

Cơ sở vật chất của Trung tâm được  xây dựng khá khang trang với sự hỗ trợ trang thiết bị máy móc và dụng cụ tập luyện của các chương trình dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu tập luyện. Năm 2011 tỷ lệ trẻ đến trung tâm tập luyện được phục hồi chức năng tăng khoảng 20% so với những năm trước, trong đó có 70% số trẻ có chuyển biến tốt về khả năng phục hồi chức năng và sức khoẻ, nhiều trẻ em khuyết tật đã được hoà nhập với cộng đồng. Qua tập luyện, nhiều trẻ có sự tiến bộ vượt bậc như cháu Pham Văn Quang ở xã Xuân Ninh, Trương Văn Phố ở xã An Ninh, Võ Văn Lân ở xã Hiền Ninh... trước đây đi lại khó khăn, nói khó, nhờ được hướng dẫn tập luyện đúng kỹ thuật, nay đã đi lại được, đếm, đọc được một vài từ và có khả năng biểu hiện tình cảm với mọi người xung quanh.

Các cháu đến tập luyện tại Trung tâm được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với phụ huynh đẩy mạnh tăng gia sản xuất các loại rau màu như đậu côve, các loại rau cải, chuối, bí đỏ... nhằm cải thiện bữa ăn trưa cho trẻ khuyết tật. Ngoài nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn kỹ thuật phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, giải trí như cầu lồng, cờ vua, sinh hoạt văn nghệ vv... tạo sự hứng thú cho trẻ sau những giờ tập luyện.

Chị Hà Thị Song ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh cho biết: "Gia đình tôi có 2 đứa con là Diệp Thị Thanh Huyền và Diệp Văn Hoàn thì cả 2 cháu đều bị khuyết tật. Từ ngày được vào trung tâm luyện tập phục hồi chức năng, 2 cháu được các o, chú ở đây chăm sóc, hướng dẫn tập luyện rất nhiệt tình, vì vậy, sức được cải thiện. Hơn nữa vào đây được gặp gỡ giao tiếp với những người cùng cảnh ngộ, tôi cũng thấy vơi bớt nỗi buồn..."

Đối với những trẻ khuyết tật tập luyện tại cộng đồng, đội ngũ cộng tác viên là lực lượng nòng cốt. Hàng tuần, các cộng tác viên đến tận nhà để tập luyện cho trẻ và tư vấn hướng dẫn kỹ năng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Năm 2011, các cộng tác viên đã đến chăm sóc, hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng cho 1.800 lượt trẻ tại cộng đồng, trong đó có 40% được cải thiện về sức khỏe, ít ốm đau.
Song song với việc tập luyện, cứ 3 tháng một lần, Trung tâm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ khuyết tật để đánh giá sự tiến triển, phân loại mức độ khuyết tật và có biện pháp điều trị phục hồi chức năng cho phù hợp với mỗi trẻ.

Điều đáng mừng là từ năm 2011, Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Quảng Ninh được Tổ chức ISS thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tài trợ thông qua Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo triển khai thực hiện dự án "Sáng kiến sinh kế cho trẻ khuyết tật" với tổng mức đầu tư 710.000.000 đồng. Ban quản lý dự án thành lập 6 nhóm quay vòng vốn tại 6 xã có gia đình trẻ khuyết tật hưởng lợi là An Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Gia Ninh, Duy Ninh và Hiền Ninh để quản lý nguồn vốn và cho 100 hộ gia đình vay với lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho trẻ khuyết tật. Dự án còn hỗ trợ một số trang thiết bị và hướng dẫn kỹ năng, phương pháp sử dụng thiết bị hỗ trợ, chăm sóc trẻ khuyết tật, giúp trẻ sớm phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Trung tâm còn gặp không ít khó khăn. Một số cán bộ, chuyện viên còn kiêm nhiệm đảm đương nhiều công việc, cơ sở vật chất xuống cấp, dụng cụ tập luyện còn thiếu và chưa phù hợp với lứa tuổi nên ảnh hướng đến kết quả tập luyện. Mong muốn của Trung tâm trong thời gian tới là được các cấp, các ngành, các tổ chức nhân đạo, từ thiện tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là phòng chức năng và sân tập luyện, mua sắm các trang thiệt bị tập luyện phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để tr ung tâm hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật trên địa bàn.

                                                                        Hà Ngọc Khang
                                                                (Đài TT-TH Quảng Ninh)
 

,
.
.
.