Cần sớm triển khai dự án ổn định dân cư các xã biên giới

Cập nhật lúc 09:56, Thứ Hai, 05/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tỉnh ta có 9 xã giáp biên giới, mật độ dân cư thưa thớt và phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây là địa bàn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh quốc phòng khu vực phía tây của tỉnh nhà. Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, đất đai gắn với tổ chức lại sản xuất để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, việc triển khai dự án ổn định dân cư các xã biên giới Việt-Lào là hết sức cần thiết.

Tổng diện tích tự nhiên của các điểm dân cư cần bố trí, ổn định tại các xã biên giới Việt-Lào là 326.176 ha, gồm 9 xã thuộc 5 huyện với tổng số 115 thôn, bản và 6.621 hộ, 28.776 khẩu. 9 xã vùng biên giới có 8 dân tộc đang sinh sống; trong đó dân tộc Bru-Vân Kiều chiếm 46,5%, dân tộc Kinh chiếm 41,6%, dân tộc Chứt chiếm 11,4%, còn lại là các dân tộc khác như: Thổ, Tày, Pa Cô...

Các thôn, bản phân bố không đồng đều, bình quân từ 2 đến 4 km. Riêng các thôn, bản có đồng bào Bru-Vân Kiều và đồng bào Khùa thuộc dân tộc Chứt sinh sống thường ở quây quần gần nhau hơn. Mặt khác, tính cộng đồng trong từng dân tộc rất cao, việc di dời các hộ đến với vùng không cùng dân tộc rất khó xảy ra. Bình quân lương thực có hạt tại 9 xã vùng biên giới đạt 190 kg/người/năm, mức thu nhập bình quân đạt 2,9 triệu đồng/người/năm; trong đó cao nhất là xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) đạt 6 triệu đồng/người/năm và thấp nhất là xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) 2 triệu đồng/người/năm. Nhìn chung mức thu nhập bình quân của các xã vùng biên giới đạt thấp so với toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm đến 64% tổng số hộ).

Một điểm dân cư tại bản 61, xã Thượng Trạch, Bố Trạch. Ảnh: H.C
Một điểm dân cư tại bản 61, xã Thượng Trạch, Bố Trạch. Ảnh: H.C

Do địa hình đồi núi nên các xã vùng biên giới gần như không có trạm thu phát sóng truyền hình mà chỉ có trạm thu phát sóng truyền thanh nhưng chỉ phục vụ trong phạm vi địa bàn nhỏ quanh trung tâm xã. Nguồn thu nhập của các hộ dân ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (chiếm 49,4% tổng thu nhập), chăn nuôi (chiếm 31%), lâm nghiệp (chiếm 15,6%) và còn lại là dịch vụ. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội khác của Chính phủ đã góp phần nâng cấp và xây dựng mới nhiều công trình cơ sở hạ tầng cho các xã biên giới như: giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, trường học, trạm y tế...

Đến thời điểm này, đồng bào dân tộc tại một số thôn, bản đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi, vấn đề lương thực cơ bản được giải quyết. Tập quán canh tác mới của đồng bào dân tộc cũng đang được hình thành đã góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Cùng với sự xuất hiện hàng trăm công trình phúc lợi xã hội phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân tại các xã vùng biên giới, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở chắc chắn để ổn định đời sống.

Trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng đất đai, tài nguyên gắn với tổ chức lại sản xuất, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, tỉnh ta đang phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bố trí ổn định dân cư cho 9 xã vùng biên giới gồm: xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa), các xã Hóa Sơn, Dân Hóa và Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) và 2 xã Lâm Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy).

Theo quy hoạch, dự án sẽ bố trí ổn định tại chỗ cho 4.523 hộ nghèo tại các xã biên giới; bố trí ổn định theo hình thức thành lập 6 điểm dân cư mới cho 212 hộ, trong đó có một bản chuyển toàn bộ dân cư đến nơi ở mới; bố trí ổn định theo hình thức xen ghép vào 24 bản sở tại 590 hộ; khai hoang mở rộng trên 1.300 ha đất nông nghiệp; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng bao gồm: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và các công trình công cộng.

Đời sống sinh hoạt hàng ngày của tộc người Ma Coong, xã Thượng Trạch (Bố Trạch). Ảnh: H.C
Đời sống sinh hoạt hàng ngày của tộc người Ma Coong, xã Thượng Trạch (Bố Trạch). Ảnh: H.C

Quy hoạch dự án còn phấn đấu nâng sản lượng lương thực có hạt bình quân lên 232 kg/người/năm; tăng tỷ lệ hộ được sử dụng nước từ các công trình nước sinh hoạt và hộ được sử dụng nước sạch, điện; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 45 đến 50% vào năm 2015; 100% số thôn, bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và 100% số dân được chăm lo sức khỏe, khám và chữa bệnh. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án là 1.162 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương chiếm 23%, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác chiếm gần 69%, nguồn vốn lồng ghép từ vốn an ninh-quốc phòng chiếm khoảng 4,3%, còn lại là vốn đóng góp của địa phương và nguồn tự có của nhân dân.

Có thể nói, quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng biên giới Việt-Lào là dự án phù hợp với chương trình mục tiêu và tình hình thực tế của tỉnh. Trước mắt, dự án có thể chưa đem lại hiệu quả đầu tư cao về mặt lợi ích kinh tế so với một số dự án khác, nhưng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập và ổn định đời sống. Mạng lưới kết cấu hạ tầng của dự án tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu giữa các thôn, bản trong xã và giữa các xã biên giới với bên ngoài; góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, kỹ năng lao động và giúp người dân nắm vững hơn đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, với việc thành lập 6 điểm dân cư mới kết hợp với các điểm dân cư đã có sẽ hình thành mạng lưới dân cư biên giới hợp lý về khoảng cách, phù hợp với yêu cầu xây dựng phòng tuyến biên giới, kết hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và lực lượng vũ trang trên địa bàn tiếp tục củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng biên giới Việt-Lào hiện đang được chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh và dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 3-2012. Tuy nhiên, để dự án sớm được triển khai và triển khai một cách hiệu quả, rất cần sự chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành và địa phương trong vùng dự án. Trong quá trình thực thi, nên lồng ghép dự án vào các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới và đặc biệt chú trọng đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất, giao đất, giao rừng, bảo vệ phát triển tài nguyên rừng và đất rừng.

                                                                                                         Hiền Chi

,
.
.
.