.

Ðể điệu hò vang mãi với thời gian

Thứ Bảy, 25/11/2017, 11:09 [GMT+7]
(QBĐT) - Đam mê làn điệu hò khoan “đặc sản” của quê hương, họ đã tập hợp nhau lại và cùng chung tay, góp sức bảo tồn, gìn giữ để những câu hò, điệu hát độc đáo gắn liền với vùng đất sông nước Kiến Giang vang mãi, ngân dài theo năm tháng. 
 
Họ-những thành viên trong Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy đã trao trọn sự tâm huyết của mình cho điệu hò quê hương. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy cho hay: Đối với người dân vùng sông nước Kiến Giang, hò khoan được xem là báu vật của các cộng đồng dân cư nên từ nhiều năm nay, làn điệu dân ca độc đáo này luôn được cất lên trong các sự kiện từ thôn xóm, làng xã đến cấp huyện, tỉnh... và cả trên cánh đồng, trên dòng sông hay bờ đê, bãi cỏ.
 
Không chỉ là một hình thức diễn xướng dân gian, hò khoan Lệ Thủy còn là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc trưng của người dân xứ Lệ nói riêng và Quảng Bình nói chung. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hò khoan ra đời trong môi trường lao động sản xuất nên có ca từ mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ và hầu như lĩnh vực lao động nào trong đời sống cũng có mặt điệu hò này. Yếu tố hò trong hò khoan thể hiện rất rõ nét. Hầu hết các mái hò đều có mở, kết, xướng và xố. Chính vì đặc tính đó nên hò khoan Lệ Thủy có tính phổ biến cộng đồng rất cao. Hầu như ai cũng có thể cất lời hò và tất cả mọi người đều có thể xố theo trong mọi cuộc hát. Trải qua thời gian, làn điệu hò khoan mượt mà, sâu lắng đã đi sâu vào tiềm thức của các thế hệ người dân xứ Lệ một cách tự nhiên, gần gũi thông qua hình thức truyền miệng. Chính vì thế, loại hình văn hóa dân gian này có sức sống mãnh liệt, được lưu truyền từ đời này qua đời khác và trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của người dân nơi đây.  
Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy biểu diễn hò khoan chào mừng Đại hội Hội Di sản văn hóa Quảng Bình lần thứ II nhiệm kỳ 2017-2022.
Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy biểu diễn hò khoan chào mừng Đại hội Hội Di sản văn hóa Quảng Bình lần thứ II nhiệm kỳ 2017-2022.
Nặng lòng với di sản quê hương, những chủ nhân của di sản đã sát cánh cùng nhau trong việc sưu tầm các bài hát cổ rồi cùng nhau tập luyện, dàn dựng nên các chương trình biểu diễn mang đậm màu sắc dân gian. Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2014 với 15 thành viên buổi ban đầu, nay đã phát triển lên 21 thành viên, trong đó có 4 nhạc công với độ tuổi từ 35 đến 68. Đáng tự hào là toàn tỉnh có 4 nghệ nhân dân gian ưu tú thì ở câu lạc bộ đã có hai người, đó là bà Nguyễn Thị Lý và bà Đặng Thị Hới. Hầu hết các thành viên trong câu lạc bộ đều là nông dân, cuộc sống gắn liền với ruộng vườn, đồng đất, song điểm chung giữa họ là đam mê hát nên khi được sinh hoạt cùng nhau trong một mái nhà chung, ai cũng đem hết tài năng và sự tâm huyết của mình để xây dựng câu lạc bộ ngày càng lớn mạnh. Từ khi ra đời đến nay, câu lạc bộ luôn duy trì tốt việc tập luyện thường xuyên từ hai đến ba buổi/tuần, xây dựng từ 12-15 tiết mục, trong đó có nhiều tiết mục được viết lời mới cho phù hợp với cuộc sống. Hoạt động của câu lạc bộ luôn là điểm nhấn trong các chương trình văn hóa, văn nghệ địa phương. 
 
Điều đang mừng là công tác bảo tồn, phát huy giá trị hò khoan luôn được huyện Lệ Thủy hết sức chú trọng bằng việc đưa công tác này vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện. Hiện tại, toàn huyện có 10 câu lạc bộ hò khoan ở các xã, thôn và nhiều câu lạc bộ thuộc các tổ chức, đoàn thể, thu hút hàng nghìn nghệ nhân và diễn viên không chuyên thường xuyên tập luyện, biểu diễn để phục vụ quần chúng. Mỗi quý, câu lạc bộ huyện luôn tổ chức hoạt động giao lưu với các câu lạc bộ ở cơ sở nhằm tạo điều kiện cho các nghệ nhân làng giao lưu gặp gỡ, học kinh nghiệm lẫn nhau trong việc xây dựng, tổ chức các chương trình biểu diễn. Đây cũng là cơ hội để các thành viên trong câu lạc bộ huyện lồng ghép hoạt động truyền dạy hò khoan cho các câu lạc bộ thôn, xã nhằm làm lan tỏa phong trào trên toàn huyện.
 
Không chỉ tìm lại các bài hát cũ, sáng tác tác phẩm mới để phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy còn đảm nhận nhiệm vụ truyền dạy dân ca cho các trường học trên địa bàn huyện. Các nghệ nhân trong câu lạc bộ đã tích cực dạy hát cho giáo viên bộ môn âm nhạc ở các cấp học và phối hợp với nhiều trường học tổ chức những hội thi đàn hát dân ca, tạo ra sân chơi bổ ích thu hút đông đảo giáo viên và học sinh các trường học tham gia. Đáng mừng là hoạt động trên đã trở thành phong trào văn hóa - văn nghệ sâu rộng và đây chính là môi trường nuôi dưỡng quan trọng nhất để hò khoan Lệ Thủy được kế thừa, vang mãi với thời gian.
 
Được sự đầu tư về kinh phí của huyện, câu lạc bộ đã mua sắm đầy đủ trang phục, đạo cụ tổ chức tốt các hoạt động biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện chính trị của các địa phương. Ngoài ra, câu lạc bộ còn được tham gia các hoạt động giao lưu nhằm quảng bá di sản của quê hương đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ năm 2015 đến nay, câu lạc bộ đã mang hò khoan đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Yên, Nha Trang, Đà Lạt, giao lưu với nhiều câu lạc bộ dân ca của các tỉnh bạn và có dịp giao duyên cùng quan họ Bắc Ninh và ví dặm Nghệ Tĩnh - hai Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 
 
Hò khoan Lệ Thủy là tiếng lòng tha thiết, mang hơi thở cuộc sống của người dân và được người dân nâng niu gìn giữ. Những giá trị đặc sắc của hò khoan, sự bảo tồn, phổ biến truyền dạy của những người dân quê vùng sông nước Kiến Giang đã làm cho hò khoan có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 
 
Mỗi lần có dịp ngân nga các ca từ, gia điệu trong ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân, người Lệ Thủy lại có niềm tự hào riêng bởi ca khúc nổi tiếng này mang đậm âm hưởng của  làn điệu hò khoan và họ luôn tự nhủ với mình rằng phải "giữ lấy những gì mà ta yêu quý" vì đó là chính một phần không thể thiếu để hình thành nên nếp đất hương quê xứ Lệ.
 
Nhật Văn