.

Như một giấc mơ

Thứ Hai, 20/11/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Về thôn Minh Cầm Nội, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa lần này chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Lý- là một trong những đại diện tiêu biểu cho xã Phong Hóa được vinh dự cử đi gặp Bác Hồ tại thị xã Đồng Hới trong lần Người vào thăm Quảng Bình cách đây  tròn 60 năm.

Bà Lý nay đã già lắm rồi, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt gầy, tấm lưng còng như muốn gập xuống. Tuy nhiên, ở bà vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, đặc biệt là đôi mắt linh lợi...

Khi biết chúng tôi muốn hỏi về những kỷ niệm trong lần được gặp Bác Hồ 60 năm về trước, gương mặt già nua của bà như giãn ra, đôi mắt ánh lên niềm vui khó tả.

Bà Lý bồi hồi nhớ lại: 60 năm trước, khi đó cô thôn nữ Nguyễn Thị Lý mới hơn 20 tuổi nhưng đã là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phong Hóa, một xã nghèo của huyện miền núi Tuyên Hóa. Là một thanh niên trẻ tuổi nhưng nhiều tâm huyết, luôn nhiệt tình, xông xáo với các phong trào hoạt động của địa phương, bà đã không phụ lòng tin của Đảng, của nhân dân. Vừa tham gia lao động sản xuất, vừa gánh vác trách nhiệm xã hội lại phải lo tròn nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ, người con dâu để chồng bà- ông Nguyễn Quang Trung lúc này cũng là chiến sĩ thuộc lực lượng Công an vũ trang tỉnh Quảng Bình yên tâm công tác.

Hôm đó là một chiều mùa hè, nhận được giấy triệu tập của tỉnh, ngay sáng hôm sau, bà Nguyễn Thị Lý cùng với 4 người nữa cũng là cán bộ các xã bạn đã cấp tốc lên đường. Vào Đồng Hới, đoàn công tác của xã được bố trí chỗ ăn nghỉ cùng với nhiều đoàn cán bộ của các xã, huyện khác nữa.

 

Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Minh Cầm Nội, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Minh Cầm Nội, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Khoảng đầu giờ chiều hôm sau thì mọi người được dẫn đến hội trường lớn của tỉnh. Lúc sau có một đoàn cán bộ từ ngoài cổng tiến vào hội trường. Thoạt nhìn, đã có tiếng reo: Bác Hồ, Bác Hồ! Mọi người đều thật sự ngỡ ngàng và không tin vào mắt mình nữa. Nhưng đúng là Bác thật rồi! Tất cả mọi người đều đứng dậy, ai cũng muốn được nhìn rõ Bác. Tiếng hô đồng thanh: “Hồ Chủ tịch muôn năm” vang lên không ngớt. Vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc đang bước vào với bộ quần áo ka- ki bạc màu, đôi dép cao su giản dị, khuôn mặt gầy nhưng đôi mắt thật sáng và giọng nói thì ấm áp vô cùng. Từ con người đến cử chỉ, lời nói của Bác đều hết sức gần gũi và thân thương.

Từ trên bục nói chuyện, Bác đưa tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác hỏi thăm cán bộ, đồng bào. Bác khen cán bộ, đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh có tinh thần chịu đựng gian khổ, anh dũng, kiên cường. Bác biết nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, vất vả. Bác nói: Các cô, các chú là cán bộ làm việc ở địa phương còn rất nhiều vất vả, khó khăn thiếu thốn nhưng Bác mong  mọi người luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bác tin tưởng vào các cô, các chú! Đồng thời, Bác cũng nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm mà một số cán bộ, đảng viên còn mắc phải. Cuối cùng Bác căn dặn: Cán bộ, đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh phải xác định trách nhiệm của mình đối với tiền tuyến miền Nam và hậu phương miền Bắc. Nói chuyện một lúc, Bác bắt nhịp cho mọi người cùng hát bài “Kết đoàn”. Nhưng bài hát chưa kết thúc thì mọi người đã không nhìn thấy Bác nữa. Sau đó mới biết là Bác đã lên xe ra Sân vận động Đồng Hới để nói chuyện với đồng bào và nhân dân.

Khoảng thời gian được gặp Bác thật là ngắn ngủi. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đã để lại trong lòng mọi người cảm xúc thật khó tả: vui sướng, xúc động, bồi hồi nuối tiếc... Nhưng có một điều mà bà Lý cũng như mọi người trong đoàn đều cảm nhận được đó là ấn tượng sâu sắc về Bác, về một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi và cũng thật đỗi khiêm nhường.

Trong dịp tỉnh nhà được vinh dự đón Bác lần này, điều đáng nói là cả hai vợ chồng bà Lý đều có được vinh dự đó . Hồi đó, ông Nguyễn Quang Trung- chồng bà Lý (nay đã mất) là chiến sỹ thuộc lực lượng Công an vũ trang Quảng Bình. Ông Trung cũng đã có mặt trong đoàn bảo vệ Bác từ lúc đón Bác ngoài sân bay Đồng Hới cho đến khi tiễn Người cũng tại sân bay Đồng Hới.

Sau lần gặp Bác Hồ, bà Lý lại trở về quê hương tiếp tục công tác. Có những lúc gặp khó khăn tưởng không vượt qua nổi nhưng cứ nghĩ đến những lời căn dặn, động viên của người cha già kính yêu, bà Lý lại như được tiếp thêm sức mạnh, vững bước hơn để vừa hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin yêu, giao phó, lại vừa gánh vác công việc gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành để chồng bà an tâm công tác. Không chỉ vậy, bà Lý còn xung phong tham gia vào lực lượng dân quân du kích, dân công hỏa tuyến... góp phần vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Với những đóng góp không nhỏ cho Đảng, cho cách mạng, cả hai vợ chồng bà đều vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba.Tiếp nối truyền thống gia đình, các con của vợ chồng bà cũng đều đã phấn đấu học tập và trưởng thành. Trong 6 người con của gia đình thì có đến 4 người đã, đang phục vụ và giữ những trọng trách cao trong Quân đội.

Sáu mươi năm đã qua nhưng mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá đó, trong lòng bà Lý lại dâng trào vô vàn cảm xúc. Đặc biệt là cho đến nay, ở tuổi 85, nhưng bà Lý vẫn nhớ như in từng chi tiết, hình ảnh về lần gặp gỡ có một không hai trong cuộc đời của bà. Bà chỉ tiếc là không có được tấm hình nào trong chuyến đi đáng nhớ đó. Tuy nhiên, đối với bà, những kỷ niệm trong chuyến đi lịch sử đó chính là những tấm hình đẹp nhất, cao quý nhất, như một giấc mơ đẹp và mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của bà.

Hải Yến