.

Giữ gìn cốt cách dân tộc từ làn điệu dân ca

Thứ Năm, 16/11/2017, 08:41 [GMT+7]

(QBĐT) - "Ai lên Minh Hóa quê mình, chè xanh mật ngọt thắm tình nước non". Những câu ca trên thay cho lời mời gọi khách thập phương đến với Minh Hóa, vùng đất của những làn điệu dân ca mộc mạc và lễ hội Rằm tháng ba nổi tiếng được tổ chức hàng năm. Minh Hóa không chỉ để lại ấn tượng trong lòng du khách về những làng quê xanh mướt đẹp như một bức tranh giữa núi rừng trùng điệp mà còn níu chân bao người bởi những giá trị văn nghệ dân gian khá phong phú, những tập tục sinh hoạt văn hóa mang đậm dấu ấn của làng quê vùng sơn cước.

Xứ sở của những câu dân ca

Tự hào về quê hương-nơi chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống, bậc thầy của các làn điệu dân ca, người có công gìn giữ và trực tiếp thể hiện, truyền dạy dân ca Minh Hóa cho hay:  Hội Rằm tháng ba của Minh Hóa được tổ chức hàng năm thu hút đông khách thập phương đến dự. Người ta đi hội rằm không chỉ để ngắm trăng, thưởng thức những món  ăn dân dã mà còn để được nghe, tìm hiểu về làn điệu hò thuốc cá (hò thuốc)- làn điệu dân ca đặc trưng của người người dân nơi đây.

Theo nghệ nhân Phương Đống thì hò thuốc ra đời bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể. Để có "thuốc", người ta kiếm rễ cây tèng, giã nhỏ, chế thành thuốc rồi thả xuống khe, suối để bắt cá. Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc. Khi hò thường có người hò cái và người hò con. Hò cái hát vế xướng, hò con hát vế xô, vế xô bao giờ cũng bằng câu "Hôi lên là hôi lên", còn vế xướng chứa đựng tất cả nội dung của cuộc hát. Ngày nay, hò thuốc được diễn xướng trong các lễ hội, đám cưới và cả khi ru con. Phần hò và xô vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động, chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui.

Nếu hò thuốc là lối hát vui nhộn, linh hoạt thì thể loại hát đúm, ví ở Minh Hóa có giọng điệu uyển chuyển, mượt mà với những câu ca dao trữ tình tha thiết, bởi đây là hình thức hát giao duyên phổ biến của nam và nữ. Những câu hát đúm, ví thường chứa chan tình cảm, diễn tả các trạng thái cảm xúc như đợi chờ, nhớ nhung, trách móc, giận hờn... Mở đầu cuộc hát là sự bày tỏ "tưởng ngờ gặp nhau" và mời nhau "cất lời lên"  rồi cuộc câu hát cứ thế kéo dài với những ca từ chứa đựng các cung bậc tình cảm của đôi trai gái... Với nhịp điệu nhẹ nhàng, ngôn từ mộc mạc nên các cuộc hát đúm, ví luôn luôn thu hút rất đông người đến xem, cổ vũ.

Điệu sắc bùa luôn được biểu diễn mở đầu thay cho lời chào, lời chúc mừng các sự kiện trọng đại của địa phương, đơn vị.
Điệu sắc bùa luôn được biểu diễn mở đầu thay cho lời chào, lời chúc mừng các sự kiện trọng đại của địa phương, đơn vị.

Một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian mang tính nghi lễ của người Minh Hóa đó là hát sắc bùa, thường được tổ chức vào dịp tết. Phường sắc bùa gồm người hát cùng các đạo cụ như trống cái, trống cơm... đi đến từng nhà để hát chúc mừng năm mới, chúc các gia đình gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt... Hát sắc bùa ngày nay còn được sử dụng trong nhiều sự kiện khác nhau như mừng khai mạc các lễ hội, mừng nhà mới, hay mừng làng quê đón nhận danh hiệu làng văn hóa... Người Minh Hóa còn có làn điệu hát ru và các thể loại dân ca khác như  ca trù, hát kiều... cùng nhiều hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo. Các giá trị đó luôn được người dân Minh Hóa xem như "báu vật" để cùng nhau gìn giữ,  lưu truyền, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của quê hương.

Gìn giữ và phát huy "di sản"

Có người nói: Đến Minh Hóa là nghe hát, cuộc vui nào cũng có rất nhiều người hát, già trẻ đều biết hát, nhất là trong các dịp lễ hội truyền thống, tết cổ truyền... Các dịp ấy, những câu dân ca lại được người Minh Hóa cất lên trong niềm tự hào về quê hương, bản quán. Gìn giữ "báu vật" của làng, nhiều vùng quê ở Minh Hóa đã thành lập nên những câu lạc bộ đàn hát dân ca nhằm tập hợp những hạt nhân "văn nghệ làng" lại để cùng nhau tập luyện, biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ phục vụ bà con trong các dịp lễ tết, hội hè. Các xã Yên Hóa, Hồng Hóa, Trung Hóa... là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào này.  Mô hình câu lạc bộ đàn hát dân ca của các xã trên đã tạo sức lan tỏa đến các địa phương khác, nên ngày càng có nhiều câu lạc bộ ra đời và đó chính là nơi gìn giữ văn hóa làng cho các thế hệ mai sau.

Có công gìn giữ báu vật của làng quê không ai khác chính là những người dân quê-chủ nhân của các làn điệu dân ca, dân vũ. Họ là những nghệ nhân chân đất-những người tâm huyết với việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương. Đó là nghệ nhân Đinh Xuân Trớ, chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn hát dân ca Yên Hóa có tiếng về hát hay đàn giỏi; nghệ nhân Đinh Thị Hà ở thị trấn Quy Đạt, hát rất hay tất cả các làn điệu dân ca Minh Hóa; nghệ nhân Đinh Thị Thoan ở Yên Hóa với "thương hiệu" hát ca trù hay bậc nhất ở huyện, tham gia dạy hát dân ca miễn phí cho học sinh Trường tiểu học Yên Hóa; nghệ nhân dân gian Đinh Khánh Nguyên, Đinh Thị Phương Đống-một trong những người am hiểu sâu sắc các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương...

Nghệ nhân dân gian Đinh Xuân Trớ tâm sự: Sự ra đời của các câu lạc bộ văn nghệ dân gian ở các địa phương thực sự là điều rất đáng mừng, bởi từ đó mà huyện lựa chọn ra những gương mặt tiêu biểu để thành lập câu lạc bộ đàn hát dân ca của huyện. Câu lạc bộ này đã tập hợp được những hạt nhân văn nghệ, trong đó có nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng để tiếp thu tinh hóa văn hóa của làng quê và lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ý thức được tầm quan trọng của việc "giữ gìn cốt cách dân tộc bắt đầu từ làn điệu dân ca", các thành viên trong Câu lạc bộ đàn hát dân ca huyện đã say mê miệt mài tập luyện và trao truyền cho thế hệ tương lai. Hằng năm, vào mỗi dịp hội Rằm tháng ba hay các lễ trọng khác, câu lạc bộ luôn xây dựng các chương trình biểu diễn với nội dung phong phú để phục vụ bà con, là một trong những điểm nhấn trong phong trào văn hóa văn nghệ của huyện nhà. Sự có mặt của các câu lạc bộ không chỉ khôi phục lại các giá trị văn hóa cổ xưa đang đứng trước nguy cơ mai một mà còn làm cho các giá trị ấy được phát huy trong đời sống hiện đại.

Và chính sự góp công, góp sức của những nghệ nhân làng đã góp phần tạo nên một Minh Hóa luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thăm về một vùng đất của những câu dân ca mộc mạc.

Nhật Văn