.

Văn học thiếu nhi: Khoảng trống khó lấp đầy

Thứ Bảy, 07/10/2017, 21:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Văn học thiếu nhi là bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy văn học Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách trẻ. Sự thiếu hụt các tác phẩm thể loại này thời gian qua vô tình đã tạo ra một khoảng trống trong đời sống văn học tỉnh nhà. Lấp đầy khoảng trống ấy là công việc không đơn giản...

Những năm 90 của thế kỷ trước có thể coi là thời kỳ rực rỡ của văn học thiếu nhi Quảng Bình. Một không khí sáng tác rộn rã với sự tham gia của các cây bút tên tuổi đã tạo nên nhiều tác phẩm có dấu ấn, như: Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Văn Dinh, Văn Tăng, Văn Lợi, Hoàng Bình Trọng... Một số tác phẩm ra đời ở thời điểm ấy vẫn tiếp tục được tái bản, khẳng định được giá trị bền vững của thể loại văn học này.

Nhà thơ Văn Lợi nhớ lại: Năm 1994, Tạp chí Văn học nghệ thuật (nay là Tạp chí Nhật Lệ - PV) mở chuyên mục “Búp trăng” chuyên đăng tải những tác phẩm viết cho thiếu nhi của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Nhiều tác phẩm không còn gói gọn trong khuôn khổ của một tạp chí văn nghệ địa phương mà đã được sự đón nhận của nhiều thế hệ độc giả. Tiếp đó là sự ra đời của chuyên mục “Từ nhà đến trường” tập hợp những sáng tác của các tác giả trẻ đã tạo nên môi trường thuận lợi để cho các tác phẩm văn học thiếu nhi ươm mầm và phát triển. Ở thể loại văn học này, nhà thơ Văn Lợi được coi là người sở hữu nhiều tác phẩm, xuất bản nhiều tập sách có giá trị, trong đó, phần đa là truyện ngụ ngôn: Hoàng tử chọn hiền tài, Dòng sông thơm, Quạ tập hót... Đã từng có thời điểm, Quạ tập hót được Sở Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.

Theo nhà thơ, những năm đó, phong trào sáng tác cho thiếu nhi rầm rộ bởi có nhiều “sân chơi” cho các nhà văn, nhà thơ và các tác giả thỏa sức sáng tạo.

Nhà thơ Văn Lợi đã xuất bản nhiều tập thơ, truyện ngụ ngôn viết cho thiếu nhi.
Nhà thơ Văn Lợi đã xuất bản nhiều tập thơ, truyện ngụ ngôn viết cho thiếu nhi.

Vậy nhưng, đó chỉ là câu chuyện trong quá khứ, trong khi, đời sống văn học cần được bổ sung những tác phẩm mới, những tên tuổi mới. Hiện tại, đáng buồn cho văn học thiếu nhi tỉnh nhà  khi đội ngũ sáng tác ngày càng thưa đi và tác phẩm ở thể loại này ngày càng vắng bóng. Những năm trở lại đây, rất hiếm có tác phẩm về đề tài thiếu nhi được “trình làng”, chủ yếu lác đác một số bài thơ nhưng chưa có tác phẩm đột phá và lẽ đương nhiên là không thể tạo hứng thú cho người đọc. Những cây bút chuyên viết cho thiếu nhi đang ngày càng thưa vắng. Những tác giả có tên tuổi, tâm huyết với đề tài này thì tuổi tác ngày càng cao, sức sáng tạo suy giảm.

Theo ông Kim Cương, Phân hội trưởng Phân hội Văn học (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), viết cho thiếu nhi rất khó tạo sức hấp dẫn, trong khi lại dần thiếu đi các cây bút trẻ - những người có thể tiếp cận với đời sống và thấu hiểu các em nhất. Tre đã già, nhưng măng chưa mọc, đó cũng là thực trạng chung của sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh chứ không riêng gì văn học thiếu nhi.

Những tên tuổi mới trong văn chương không nhiều người thật sự mong muốn chọn văn học thiếu nhi để gắn bó lâu dài, mà thông thường chỉ là những cuộc dừng chân ngắn ngủi để bước sang một địa hạt sáng tác khác, hấp dẫn hơn. Hiện tại, chỉ có tác giả Văn Lạc đang chuẩn bị xuất bản tập thơ Như là dấu cộng tập hợp gần 50 bài thơ viết về đề tài thiếu nhi, trong đó có nhiều tác phẩm đã được phổ nhạc. Theo ông Văn Lạc, đề tài cho thiếu nhi rất khó để thể hiện, phải làm sao để ngôn ngữ thơ đủ cho các em dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ, nội dung phải có tính giáo dục. “Hơn cả, người viết phải thực sự hiểu được thế giới trẻ thơ, để những bài thơ đó giống như một lời tâm tình, thủ thỉ với các em. Có như vậy, mới được các em đọc và nhớ lâu hơn”, tác giả Văn Lạc khẳng định.

Lý giải cho sự trầm lắng của đề tài văn học thiếu nhi thời gian gần đây, nhà thơ Văn Lợi cho biết, nguyên nhân không chỉ dừng ở cá nhân mỗi tác giả mà còn ở môi trường sáng tác. Giải thưởng Lưu Trọng Lư về Văn học nghệ thuật được tổ chức 5 năm 1 lần. Nếu trong 3 lần đầu tiên tổ chức đều có các tác phẩm văn học thiếu nhi tham gia thì lần 4, 5 không có tác phẩm nào.

“Ngay trong giải Lưu Trọng Lư lần thứ V (2011 – 2015), ngay từ đầu, trong BGK, không thành lập tiểu ban chấm cho văn học thiếu nhi, thì việc không có tác giả tham gia thi ở thể loại này là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể đến, nhiều năm trước, ở các báo, tạp chí địa phương, những tác phẩm viết về đề tài này đều được chấm nhuận bút cao hơn 20% thì nay đều được cào bằng như các đề tài khác, trong khi, ai cũng thừa nhận, viết cho thiếu nhi là một địa hạt khó. Sáng tác là nhu cầu tự thân, nhưng chế độ nhuận bút phù hợp cũng là yếu tố kích thích sự sáng tạo cho mỗi cây bút”, nhà thơ Văn Lợi cho biết thêm.

 Nếu các tác phẩm thực sự hấp dẫn vẫn đủ sức lôi cuốn các độc giả nhỏ tuổi.
Nếu các tác phẩm thực sự hấp dẫn vẫn đủ sức lôi cuốn các độc giả nhỏ tuổi.

Có một điều cần phải được nhìn nhận thấu đáo là những năm gần đây, không chỉ riêng ở tỉnh ta mà văn học thiếu nhi đang phải đối mặt với nhiều thử thách trước sự lên ngôi của văn hóa nghe nhìn và sự khủng hoảng người đọc của văn học nói chung. Không thể phủ nhận thời đại công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cơ hội bởi các em đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại làm mai một thói quen đọc sách vốn có bởi sự lấn lướt của các phương tiện hiện đại. Nếu tác phẩm văn học thiếu nhi vừa thiếu, vừa chưa đủ độ hấp dẫn thì việc độc giả nhỏ tuổi “quay lưng” với văn học và chú tâm vào những loại hình nghệ thuật nghe nhìn khác là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Vậy nhưng, cũng cần phải khẳng định rằng, nếu những tác phẩm văn học thiếu nhi có giá trị, thì vẫn có sức hấp dẫn, cuốn hút riêng so với các loại hình giải trí khác. Song, để tác phẩm có được chỗ đứng trong lòng độc giả nhí, các cây bút ngoài tài năng cần có tình yêu đặc biệt đối với thiếu nhi, nắm bắt được đời sống nội tâm cũng như tâm lý tiếp nhận và “gu” thẩm mỹ của lớp thiếu nhi ngày nay.

Tác giả Văn Tăng khẳng định, nói các em không yêu thích văn học cho lứa tuổi mình cũng không hẳn đúng, bởi nếu thực sự có các tác phẩm thực sự hấp dẫn vẫn đủ sức lôi cuốn các em quay lại với thể loại này. Điều cần thiết là cần có nhiều hơn những cuộc thi, những cuộc vận động, những trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi có quy mô, vừa tạo đà cho văn học thiếu nhi phát triển vừa ươm mầm cho những cây bút trẻ.

“Phải làm sao để làm sống dậy không khí sáng tác sôi động như những năm 90, thu hút được các độc giả trẻ, điều đó không chỉ là việc làm của riêng đội ngũ sáng tác mà còn có sự góp sức của các ngành giáo dục, văn hóa, thư viện... Những tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng nghệ thuật, khi được các em đón nhận chắc chắn sẽ có những tác động tích cực trong việc làm phong phú đời sống tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng, nâng cao, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho lớp độc giả nhỏ tuổi”, ông Văn Tăng cho biết thêm.

Diệu Hương