.

Hướng về đất Tổ

Thứ Tư, 05/04/2017, 10:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, trong tâm khảm của những người con đất Tổ, nỗi niềm nhung nhớ quê hương lại da diết, vọng về. Dẫu xa quê hương hàng trăm km, nhưng hàng chục năm qua, cứ mỗi dịp Giỗ Tổ thiêng liêng này, Hội đồng hương Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ - PV) tại Quảng Bình lại tề tựu bên nhau và cùng nhau hướng về đất Tổ.

Một ngày đầu tháng tư, những thành viên Ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Quảng Bình lại gặp gỡ nhau, cùng chuẩn bị cho một cuộc hội ngộ truyền thống. Đây là cuộc gặp lớn nhất trong năm của những người con phương Bắc đang sinh sống và làm việc nơi mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió.

Anh Bùi Văn Điệp, thành viên Ban liên lạc cho biết, với những người quê Vĩnh Phúc – Phú Thọ, đây là dịp gặp gỡ đầy ý nghĩa bởi hơn lúc nào hết, chính những ngày cả nước đang hướng về đất Tổ, nỗi nhớ thương quê hương của những người con xa xứ càng nồng nàn, da diết. Vậy nên, không chỉ riêng anh, mà ai cũng háo hức mong đợi đến ngày được gặp nhau, cùng nhau ôn lại kỷ niệm về quê hương, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống xa quê nhiều vất vả. Và việc không thể thiếu trong ngày hội họp ý nghĩa này là họ cùng nhau chuẩn  bị hoa quả, nhang đèn, bánh chưng, bánh dày, cùng thắp hương tại cây đa chùa Ông (thành phố Đồng Hới), nơi đang thờ đất, nước và bình hương, vốn là những kỷ vật được rước từ Đền Hùng về từ năm 2002. Họ thành kính dâng nén tâm hương cho Quốc Tổ Vua Hùng và cầu cho quốc thái dân an, cho đất nước thanh bình, cho gia đình hòa thuận, tài lộc. Tại buổi lễ, Hội đồng hương Vĩnh Phú cũng sẽ ôn lại truyền thống, lịch sử dựng nước của các Vua Hùng, cùng tưởng nhớ cội nguồn để tri ân công đức tổ tiên, những bậc tiền nhân đã có công khai nền lập quốc.

“Những người con đất Tổ như chúng tôi cứ đến ngày mồng 10 tháng 3 là trong lòng bồn chồn và nhớ quê sâu sắc. Anh em chỉ mong được gặp nhau như thế để sum vầy, trò chuyện cho bớt nhớ quê hương. Sau khi dâng hương tại cây đa chùa Ông, chúng tôi tập trung nhau lại, cùng đến thăm các cụ cao niên hoặc những người đang bị ốm đau, tai nạn, không quên gửi một chút quà nhỏ như một sự sẻ chia với những người đồng hương đang khó khăn”, anh Điệp cho biết.

Nhà truyền thống thành phố Đồng Hới - nơi lưu giữ nhiều kỷ vật được rước về từ Đền Hùng năm 2002. Ảnh: T.H
Nhà truyền thống thành phố Đồng Hới - nơi lưu giữ nhiều kỷ vật được rước về từ Đền Hùng năm 2002. Ảnh: T.H

Xuất phát từ tình cảm với quê hương và cũng để đáp ứng sự mong mỏi của những người con đất Tổ, Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Quảng Bình đã được thành lập vào ngày 9-3 âm lịch, năm 1996. Theo anh Điệp, Hội đồng hương Vĩnh Phú tập hợp những người con đất Tổ sinh sống và làm việc tại Quảng Bình, cùng hoạt động trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết và trân trọng những giá trị tình cảm của mỗi hội viên. Trải qua hơn 20 năm kể từ ngày thành lập đến nay, hoạt động của hội luôn được duy trì và ngày càng phát triển vững mạnh, số lượng hội viên ngày càng được nhân lên. Đến nay, Hội đồng hương Vĩnh Phú đã có gần 100 hội viên, chủ yếu đang sinh sống và làm việc tại thành phố Đồng Hới. Những cuộc gặp gỡ, những chuyến thăm hỏi lúc ốm đau, hiếu hỉ đã thắt chặt thêm tình cảm đoàn kết, nghĩa tình của những người con xa quê. Có lẽ, hơn bất cứ điều gì, sợi dây kết nối cho những mối thâm giao ấy chính là tình yêu quê hương, là nỗi nhớ thương mảnh đất nguồn cội luôn dào dạt chảy trong tâm hồn mỗi người con xa xứ.

Những bước thăng trầm trong cuộc sống mưu sinh đã đẩy đưa những người con phương Bắc đến sinh sống, làm việc tại mảnh đất Quảng Bình nắng gió. Buổi ban đầu, họ bắt đầu quen dần với những khó khăn nơi xứ lạ và rồi “đất lạ” cũng đã “hóa quê hương” khi bằng sự cần cù, thông minh, không ít người đã trở nên khá giả ngay trên chính vùng đất này. NSNA Đức Thành (Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh) là một trong những người con Phú Thọ hiện đang sinh sống tại thành phố Đồng Hới. Anh cũng là thành viên Ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Quảng Bình. Anh tâm sự, chẳng biết từ bao giờ, Quảng Bình trở thành quê hương thứ hai và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho những chuyến đi thực tế sáng tác của anh. Những rừng cọ xanh mướt của Phú Thọ hay núi sông, hang động kỳ vĩ của Quảng Bình cũng đều có thể trở thành chất men say nồng làm nên những tác phẩm nhiếp ảnh rất có hồn của Đức Thành. Và rồi, những năm trở lại đây, NSNA Đức Thành gặt hái rất nhiều giải thưởng có giá trị, nhiều tác phẩm tham dự triển lãm khu vực và toàn quốc. Quảng Bình đầy nắng gió và mưa bão khắc nghiệt, thế nhưng, bằng sự chịu thương, chịu khó, nhiều người đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần làm giàu thêm cho quê hương thứ hai của mình, như anh Nguyễn Văn Tân, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Quang Mạnh; anh Phạm Văn Thể, Giám đốc Công ty TNHH Ắc quy Vĩnh Phú...

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân. Anh Bùi Văn Điệp, thành viên Ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Quảng Bình khẳng định: “Nhớ về quê hương, nguồn cội nên các hoạt động hướng về ngày giỗ Tổ được chúng tôi duy trì suốt nhiều năm qua, xem đây là truyền thống văn hóa, có giá trị sâu sắc để giáo dục thế hệ trẻ. Niềm thành kính, biết ơn tiên Tổ luôn được các thế hệ ghi nhớ, bắt rễ sâu vào tâm thức của mỗi người. Chúng tôi muốn thế hệ trẻ hiểu được giá trị ấy và hướng về nguồn cội bằng những việc làm thiết thực để tri ân tiền nhân”.

Ngọc Minh