.

Gặp lại "Bóng trăng xưa"

Thứ Ba, 07/02/2017, 10:05 [GMT+7]

(Đọc Phan Văn Khuyến - Tuyển tập, NXB Thuận Hóa - 2016)

(QBĐT) - Trước Xuân Đinh Dậu mấy tuần, nhà báo Phan Hòa - con trai nhà thơ Phan Văn Khuyến tặng tôi tuyển tập thơ văn người cha quá cố của anh. Tôi trân trọng cầm cuốn sách có chân dung người đã khuất, hết sức cảm động! Thế là sau gần 3 năm ông từ giã cõi đời, những người con hiếu thảo của ông đã làm được cho ông "cái lăng văn hóa" mà khi còn sống có thể ông chưa dám nghĩ đến.

Xin mượn tên một bài thơ của ông Bóng trăng xưa đặt tên cho bài viết này, và coi đây là nén tâm nhang của người viết vậy!

Phan Văn Khuyến tuyển tập gồm 627 trang, khổ 14,5 x 20,5, giấy trắng đẹp, bìa cứng, rất sang trọng. Sách gồm 4 phần: phần I - Thơ, ca dao; phần II - Văn xuôi; phần III - Tác giả trong lòng bạn bè; phần IV - Một số hình ảnh tư liệu.

Đi sâu vào từng phần, người đọc sẽ bắt gặp nhiều bài thơ, ca dao, truyện, ký, tản văn, bài báo của ông đã đăng báo hoặc đã in trong nhiều cuốn sách.

Ở phần thơ và ca dao (với hơn 100 bài) tác giả đã bộc lộ nội tâm của mình khá rõ nét; các khía cạnh tình cảm cũng như ý nghĩ, tâm trạng trong từng thời điểm đều in dấu vào trang thơ. Đây là giọt mưa rất có hồn trong thơ ông:

Mưa ngày rồi lại mưa đêm
Đã rơi giọt ngắn lại thêm giọt dài
Giọt buồn chẳng của riêng ai
Giọt đau chẳng dễ phôi phai một ngày

             (Giọt nào?)

Là người nhiều trải nghiệm cuộc sống, Phan Văn Khuyến có quan niệm cuộc sống nghiêm túc, chuẩn mực, song với tình yêu thì ông lại có cách nghĩ rất thoáng: Tình yêu như con sóng vô tư/Cũng có lúc say bến bờ xa lạ/Dù bạc đầu qua mỏm ghềnh vách đá/ Vẫn nao lòng cát mịn bến bờ quen (Tình yêu)

Đương nhiên, phải hiểu tình yêu mà ông nói ở trên không bó hẹp trong tình yêu đôi lứa. Nhiều  bài thơ của Phan Văn Khuyến dạt dào cảm xúc, thấm đẫm tình người, tình quê; đặc biệt là với làng Thọ Linh nơi sinh ra ông:

Ôi! Quê hương, tất cả những gì
Ta mang theo suốt đời lặng lẽ
Có bóng thông già chở che bao thế hệ
Có trống đình làng nâng nhịp bước tuổi thơ

          (Gửi người xa quê)

Sống giữa nhân quần, chứng kiến bao cảnh đời khác nhau, ông cảm thương từ một ngôi mộ vô danh đến một người đàn bà tốt người đẹp nết có số phận hẩm hiu; nhớ tiếc một nữ nhà báo liệt sĩ từng là đồng nghiệp của ông bị bom Mỹ giết khi còn trẻ. Ông yêu dòng sông, ngọn núi, bờ tre gắn bó với ông từ những ngày niên thiếu. Trong số văn nghệ sĩ Quảng Bình viết về các vấn đề thời sự, chính luận, có lẽ ông là người có nhiều bài thơ kịp thời nhất. Ông không ngại đưa ra quan điểm của mình trước bạn đọc. Thỉnh thoảng ông có những bài thơ khá hay làm cho thiếu nhi như: Giàn mướp xinh xinh, Bé và búp bê...

Thơ Phan Văn Khuyến chân thực, hiền lành, dễ hiểu. Đọc lại thơ Ông như được gặp lại “Bóng trăng xưa” ông từng cảm nhận:

Dưới bóng trăng của quê nghèo bươn chải
Có nụ cười nhuộm đỏ đất ba - dan

            (Bóng trăng xưa)

Ở phần văn xuôi (gồm 41 truyện ngắn, bút ký, tản văn, bài báo) trong suốt quá trình cầm bút của Phan Văn Khuyến. Đó là: Ký ức lòng người, Đứa con đi lạc, Người vợ trẻ, Lá thư để lại, Nấm mồ, Đêm tân hôn, Chuyện không ngờ, Một ca cấp cứu, Ánh sáng tình bạn... Có thể bạn đọc đã đọc những truyện, ký này của ông! Đề tài mà ông hướng đến thật đa dạng, từ miền núi, nông thôn đến thành thị, từ lĩnh vực hôn nhân gia đình, y tế đến lĩnh vực giáo dục, báo chí...

Nhân vật trong các bài viết của ông đủ thành phần, giới tính, tuổi tác. Nguyên mẫu có người đang sống, có người đã qua đời. Họ có khi là giáo sư, bác sĩ, nhà báo, có khi là dân thường, là người cầm súng, cầm búa, cầm liềm... Phần lớn các nhân vật của ông là người thật, việc thật. Những kỷ niệm của ông với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, cố Tổng biên tập báo Tạ Đình Nam, nhà báo liệt sĩ Thanh Xuân... thật chân thực.

Văn phong của ông giản dị, ít chất văn nhưng giàu chất thông tấn, báo chí. Mỗi bài viết đều đặt ra vấn đề cho người đọc suy nghĩ.

Nhà thơ Văn Lợi trong lời giới thiệu cuốn sách đã đưa ra nhận định: "Ca dao Phan Văn Khuyến thấm đẫm chất dân gian, mượt mà trau chuốt còn về thơ ông lại rất dung dị, chân thành, sâu lắng. Và nếu nói về tác phẩm báo chí, ông rất mạch lạc, chặt chẽ, đầy sự thuyết phục, trong khi truyện ngắn, ký sự của ông lại tinh tế, sinh động, nhân văn".

Tác phẩm của Phan Văn Khuyến đã từng được tuyển chọn vào sách tham khảo trong nhà trường do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.

Phần III - Tác giả trong lòng bạn bè (gồm những bài thơ, bài viết của bạn bè viết về Phan Văn Khuyến và tác phẩm của Ông trước và sau khi mất). Từng là Phó Tổng biên tập Báo Dân (Bình Trị Thiên), Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, là người chú, người anh của anh, chị, em văn nghệ sĩ, báo chí, ông đã để lại nhiều tình cảm đẹp trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

Những bức ảnh tư liệu ở phần IV trong tuyển tập giúp chúng ta hiểu thêm quá trình hoạt động cách mạng, văn học nghệ thuật, báo chí của ông; mối quan hệ thân mật của ông với một số vị lãnh đạo đáng kính.

Phan Văn Khuyến tuyển tập thực sự là di sản của văn học và báo chí Quảng Bình.

Lý Hoài Xuân