.

Di cảo của thi nhân

Thứ Năm, 02/02/2017, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Không hiểu vì lý do gì và từ đâu mà trong tủ sách của tôi lại có đến hai bản di cảo thơ của Xuân Hoàng, một nhà thơ lớn của tỉnh Quảng Bình và của thi đàn Việt Nam. Hai bản di cảo thơ được nhà thơ thực hiện ở hai thời điểm khác nhau, nhưng đều dành cho một đối tượng thẩm mỹ chung: cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tự bạch trong Mấy lời tâm sự ghi ở bản thảo đầu tiên, tác giả Xuân Hoàng viết:  “Từ lâu tôi có cái ước mơ bình dị mà nghiêm túc là sẽ có ngày hoàn thành một tập thơ chuyên đề về Hồ Chủ Tịch. Nhằm đi tới mục tiêu xa xôi mà gần gũi đó, trong nhiều năm, tôi đã giành nhiều thời giờ sưu tầm, nghiên cứu tài liệu và cố gắng đi về những nơi có liên hệ mật thiết với đời sống gia đình và xã hội của Người”.

 Hai di cảo thơ viết về Bác Hồ của nhà thơ Xuân Hoàng
Hai di cảo thơ viết về Bác Hồ của nhà thơ Xuân Hoàng

Tuy nhiên, để thực hiện “ước mơ bình dị” này, tác giả phải cần đến hơn ba mươi năm thời gian và xê dịch hàng ngàn km không gian trên nhiều miền quê của đất nước mới hoàn thành được tâm nguyện của mình, với  bài thơ khởi đầu viết từ năm 1957, tại Kim Liên, về một MÙA XUÂN liên quan đến cuộc đời vĩ đại mà bình dị của Bác Hồ:

Mai xuân rộn rã bờ tre
Truyền đi tin: Bác đã về làng ta!
Kim Liên ráo kẻ giữ nhà
Mít tinh ấm cúng gốc đa giữa làng.

                               (Về làng - 1957)

Nỗ lực lao động nghệ thuật đầy tâm huyết và nghiêm túc của nhà thơ Xuân Hoàng đã được đền đáp: hai tập thơ về Bác Hồ của ông đã được ra mắt công chúng và điều này được ông hoan hỉ ghi lại ngay trong di cảo của mình mà không theo trình tự thời gian: “ghi chú năm 1990: 1. phần thứ nhất có tên Hoa dâm bụt trên quê Bác in năm 1990 do Sở Văn hóa Quảng Bình xuất bản, 2. phần thứ hai có tên Từ tiếng võng làng Sen do Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh in năm 1983”.

Lần theo ghi chép của nhà thơ trong hai tập bản thảo đã nhuốm màu thời gian này, thấy rằng, một bản được nhà thơ chỉnh lý và hoàn thiện ở Huế (9-1978), viết trên những trang trống của cuốn lịch tay do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành một năm trước đó và bản còn lại được chỉnh lý và hoàn thiện ở Đồng Hới, những ngày đầu tái lập tỉnh Quảng Bình (4- 1990), viết trên những trang giấy kẻ ô li của một cuốn vở tập học trò. Tất cả, theo thời gian đã ố màu và nét chữ phóng khoáng, bay bổng của thi nhân có chỗ đã mờ phai, ngay cả mấy dòng do chính tác giả đã cảm thán cập nhật vào đây: “Qua mấy trận lụt bản thảo thơ còn lại thế này đây!”.

Đến thời điểm chỉnh lý và hoàn thiện hai tập bản thảo này, Xuân Hoàng có gần năm mươi năm làm thơ, đã có chỗ đứng chững chạc trong “làng” các nhà thơ Việt nam hiện đại với hàng chục tập thơ đã ra mắt bạn đọc. Thái độ lao động nghệ thuật và công sức sáng tạo nhọc nhằn để cho ra đời những tập thơ có giá trị về nội dung nghệ thuật, đẹp đẽ về hình thức này phần nào được hé lộ qua hai tập di cảo đã vàng ố, chen chúc những dòng chữ chỉnh sửa, dập xóa mà như còn vương hơi ấm bàn tay của thi nhân.

Trân trọng lật từng trang di cảo của nhà thơ, sản phẩm của một thời hi sinh, gian khó, tôi bồi hồi tự hỏi: tác giả và những người đồng thời với ông lấy đâu ra nghị lực, cảm hứng để tồn tại, lao động, chiến đấu và sáng tạo nhằm gây dựng nên sự nghiệp lẫy lừng mà chúng ta hiện đang thụ hưởng. Đó không gì khác ngoài sự bền bỉ vượt qua hi sinh gian khó, sự lạc quan và niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vào các giá trị thẩm mỹ của cuộc sống mà người truyền cảm hứng là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đối tượng thẩm mỹ được nhà thơ Xuân Hoàng dày công tái hiện. Riêng với nhà thơ Xuân Hoàng thì sự lạc quan yêu đời, yêu người, yêu nghề là một nhân tố quan trọng góp phần làm nên nhân cách thi nhân, làm nên một sự nghiệp thi ca, một di sản quý báu để lại cho bạn đọc đời sau.

Nhà thơ Xuân Hoàng phát biểu tại Hội nghị văn học nghệ thuật Quảng Bình lần thứ nhất, trong những ngày đầu tái lập tỉnh (Ảnh chụp lại từ tư liệu lưu trữ của gia đình).
Nhà thơ Xuân Hoàng phát biểu tại Hội nghị văn học nghệ thuật Quảng Bình lần thứ nhất, trong những ngày đầu tái lập tỉnh (Ảnh chụp lại từ tư liệu lưu trữ của gia đình).

Thực ra, tôi chỉ là người bạn vong niên một thời cùng phố với Xuân Hoàng. Ấy thế mà cái trật tự kỳ lạ của nghệ thuật cứ khiến tôi ngay ở thời điểm này vẫn nghĩ Xuân Hoàng là một chàng trai trẻ, vì lật bất cứ chiều nào thơ ông, cũng đều thấy sự khát khao tươi trẻ, sự lạc quan rộn ràng cứ mặc nhiên thắng thế:

Tôi lại về với biển tuổi thơ
Tóc bạc trắng sao ngỡ mình cứ trẻ.

                        (Về với biển)

Xuân Hoàng đã từng đọc trực tiếp cho tôi nghe nhiều bài thơ mới mẻ của ông bằng chất giọng sang sảng, trẻ trung, bằng đôi mắt nhấp nháy sau cặp kính cận đầy quầng tán, bằng những tràng cười ha hả xen lẫn các câu thơ và cả bằng những cú bồm bộp vỗ vai tôi, đau điếng. Lúc đó tôi thực sự bị chinh phục, bị lôi cuốn vào thế giới tâm hồn hoàn toàn khác lạ của Xuân Hoàng quen thuộc. Cũng lúc đó, tôi nhận thấy Xuân Hoàng khao khát đổi mới thơ mình không phải vì thời thượng, mà là từ sự câu thúc nội tại của cái tôi thi sĩ, từ sự vận động tất yếu của hình tượng thơ ông. Sự chuyển động ấy đã manh nha một cách nhuần nhuyễn từ tập Quãng cách lặng im (1984), được bạn đọc quan tâm chào đón. Trong một lần trò chuyện về văn chương, Xuân Hoàng tự nhận thấy thơ mình có hai hướng quy tụ chính: Sử thi và trữ tình. Theo tôi, nói đúng hơn hai hướng quy tụ đó không song hành tồn tại cân bằng trong thơ Xuân Hoàng, mà đang chuyển dịch từ sử thi sang trữ tình, qua cái mốc phân định 1976, với hai đầu là hai tập thơ tiêu biểu: tuyển thơ Dải đất vùng trời sôi nổi và Quãng cách lặng im sâu lắng.

Toàn bộ di cảo thơ của thi nhân cho thấy ông không có lúc nào có ý định ngừng nghỉ sáng tạo, mà ông suốt đời hành trình đầy gian khó trên con đường cách tân, ngõ hầu khoả lấp được phần nào khoảng cách giữa thơ và cuộc đời mà lâu nay có lúc ông tự thấy thơ mình “đôi khi thành bất lực, trước cuộc đời qua những khúc bông lông”. Có thể dễ dàng tìm thấy trong sự nghiệp thơ ông một Xuân Hoàng sử thi và trữ tình trọn vẹn nhất, một Xuân Hoàng hát ca không mệt mỏi về cái hùng tráng của lịch sử, về những con người anh hùng kiến tạo nên lịch sử, ngay trên mảnh đất thần kỳ chật hẹp của quê hương mình, bằng phẩm chất của một nhà thơ tham dự.

Thủ bút của nhà thơ Xuân Hoàng
Thủ bút của nhà thơ Xuân Hoàng

Thơ Xuân Hoàng cứ thế mà chuyển mình, cứ thế mà từng bước tự hoàn thiện và đã để lại trong lòng bạn đọc những dấu vết khó phai mờ, trong đó có bài Đồng Hới, là một trong những bài thơ hay của thơ Việt Nam chống Mỹ. Cũng cần nói thêm rằng cái “phố nhỏ động cành dừa” ấy là quê ngoại, là quá khứ, là sự thổn thức khôn nguôi của Xuân Hoàng, nên anh đã thiên vị dành cho nó một số lượng lớn hơn hai trăm bài thơ gan ruột của mình. Dường như cả hai trăm bài ấy ngưng đọng lại trong một Đồng Hới trữ tình, nên bài thơ mới rung động được lòng người đến như vậy, có sức vang xa đến như vậy. Những người già mang nặng tâm tình hoài hương đọc bài thơ này, lần nào cũng lén chùi nước mắt:

Em đi phố nhỏ động cành dừa
Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh
Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh
Chúng ta về ấm lại dải đường xưa.

              (Đồng Hới, 1966)

Chuyển thơ mình sang hướng trữ tình là chủ đích của Xuân Hoàng nhằm đổi mới cách nhìn hiện thực, đổi mới tư duy nghệ thuật như ông đã từng hứa với Mai-a từ năm 1976 và đã đạt những thành tựu đáng kể:

Khúc hát về anh tôi vẫn giữ nguyên tình
Nhưng xin được đổi cách nhìn đôi chút
Khi hiểu ra sức mạnh của lòng tin.

      (Nói chuyện với Maiacốpxki)

Ấy thế mà ở vào thời kỳ cuối của sự nghiệp sáng tạo, Xuân Hoàng vẫn  chưa bằng lòng với những tác phẩm của mình, vẫn cứ “giận thơ mình chưa vút một đường bay”.

Đó là tình cảm đáng kính của một người không bao giờ tự bằng lòng với mình, cần được tôn trọng, thậm chí cần phải được chia sẻ.

Hai tập di cảo thơ viết về Bác Hồ của Xuân Hoàng đã được xuất bản thành sách và được bạn đọc cũng như các nhà chuyên môn tiếp nhận và bỉnh phẩm. Tôi có cơ may tiếp cận, gìn giữ hai tập bản thảo và nhìn thấy thêm ở hai kỷ niệm này một khía cạnh khác: đó như là những cánh cửa sổ hé mở cho ta phần nào thấy được sức lao động, sự đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ của thi nhân, để từ đó trân quý thêm những sản phẩm của tiền nhân để lại.  

Khi biết tôi lưu giữ hai di cảo thơ của nhà thơ Xuân Hoàng, đại diện Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đến đề nghị chuyển giao để Bảo tàng lưu giữ như một hiện vật văn hóa. Đây là một ý tưởng tốt của Bảo tàng, nhưng tôi cứ mơ ước tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh có một phòng lưu trữ các sản phẩm nghệ thuật để gửi di cảo của nhà thơ sang đó cho gần gũi với những người sáng tạo. Tuy nhiên đó chỉ là mơ ước, bởi quyền quyết định các bản thảo của nhà thơ được lưu trữ ở đâu phải do gia đình nhà thơ quyết định.  

Trần Hùng