.

Hai mươi năm ấy: thơ – thơ

Thứ Năm, 06/10/2016, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - 1. Vọng về cổ kính

Cách nay chừng 5 năm, tại phố biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại - nhìn từ miền Trung”. Gần trăm nhà lý luận và nhà thơ “chuyên nghiệp” (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) dự, chứng tỏ tính bức thiết và tầm quan trọng của sự đòi hỏi cần nhìn nhận lại...thơ. Có một số tham luận của những nhà thơ cấp tiến giọng điệu phê phán thơ truyền thống-đặc biệt với giọng thơ giản dị nhiều tính quần chúng, được gọi là thơ vần vè - khá gay gắt. Dự với tâm thế của người viết văn xuôi, nhưng nghe “than phiền” về thơ quần chúng nhiều quá, tôi thấy lòng bất nhẫn, bèn lên diễn đàn: Hãy lắng nghe vốn thơ lục bát thoát thai từ giọng chị ru em, mẹ ru con, bà ru cháu, những người thậm chí không biết chữ, nhai trầu bỏm bẻm, cơm độn áo vá: “Rồi mùa toóc rạp rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”. Vần vè chăng! Dở chăng! Hay câu này: “Cầu cao ván võng sóng dồi/ Em qua không đặng em ngồi lại đây” cũng “ẩn dụ” “siêu thực” đấy chứ! Lại nữa, một câu ru em ai cũng biết nhưng không hẳn ai cũng thấy hết “giá trị thơ”:

Ru em em théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Ăn trầu đỏ miệng đỏ môi
Đỏ hai bên má mà chùi không ra

Ăn trầu “đỏ miệng đỏ môi” là sự thường, là hiện tượng bên ngoài, cảm quan. Nhưng, “đỏ hai bên má” thì không đơn giản nữa rồi. Là nội tâm, là con tim xao động đấy! Bởi vậy “mà chùi không ra” đâu. Đó chỉ là câu ru em cửa miệng nhưng lại là những câu thơ hay đầy tính ẩn dụ. Hoặc giả, một câu ru “ngoa ngôn” đến như thế này thì các nhà thơ hiện đại viết được chăng:

Thương người ra đứng ngõ người
Đường mòn chín tấc thế gian
cười quản bao

Tiền bối mà yêu si mê đến thế thì thanh niên hiện đại phải chào thua. Các nhà thơ hiện đại cứ cách tân, cứ đổi mới thi pháp nhiều đi, nhưng, cũng cứ để cho những thi sĩ bình dân làm một triệu câu vần vè thô mộc như quặng để chỉ lưu lại một hạt ngọc kiểu như “toóc rạp rơm khô”, kiểu như “đường mòn chín tấc” hay “đỏ hai bên má” là cuộc sống dân gian cũng thi vị lắm rồi...”. Ấy là cái tham luận ngẫu hứng của một người làm báo viết văn xuôi như tôi tại một diễn đàn lớn của miền Trung về thơ. Về Đồng Hới, kể lại chuyện này, ai ngờ lại được nghe một nhà điêu khắc đọc cho nghe mấy câu ru con còn “choáng” hơn:

Ra về nón ngoắt chơi vơi
Lòng thương em anh cảm động chín phương trời động theo.

Hay cách dùng chữ biểu cảm của dân gian đắc dụng đến không ngờ:

Bạn mới quen ta
Bây giờ bạn ham nga nơi nào
Một là bạn làm cao
Hai là chê nhà ta khó
Lời nguyền phăn phó cho cạn chín khúc sông...

Ấy là những hạt ngọc, hạt châu từ hàng trăm năm, từ hàng triệu những sáng tác ngẫu hứng dân gian. Vậy thì tại sao chúng ta không chờ đợi từ nhũng câu lạc bộ thơ đang lan tỏa khắp mọi miền phố phường làng mạc, đang hàng ngày hàng giờ lay động những con tim sáng tạo của các “nhà thơ”... chân đất.

2.  Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu... tình.

Bìa sách thơ của một số tác giả hội viên Hội VH-NT tỉnh.      Ảnh: P.V
Bìa sách thơ của một số tác giả hội viên Hội VH-NT tỉnh. Ảnh: P.V

Hai mươi năm trước, song hành với một nền thơ hiện đại của những người làm thơ Quảng Bình đang dần ổn định, những người thơ bán chuyên, theo sự khởi xướng của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh - hội viên cựu trào Hội Nhà văn Việt Nam - đã đứng lại gần nhau và tuyên ngôn về một tổ chức mới, giản dị thôi nhưng không kém phần tự tin: Câu lạc bộ thơ Trung tâm văn hóa Quảng Bình. Cũng chẳng phải chân đất đâu, hoặc không theo nghĩa bóng cũng chẳng phải nghĩa đen, họ là những người mang trái tim thơ nhưng kỳ công lao động nghệ thuật chưa hẳn đã dồi dào, chỉ là viết để giãi bày, để gửi gắm, chia sẻ, tự nói với mình và tâm sự với người. Có thể còn mộc mạc, thậm chí vụng về, nhưng đó là tiếng lòng gửi tới tri âm tri kỷ.

Hầu hết là những người cao tuổi từng giữ những trọng trách trong nhiều lĩnh vực của đất này suốt bảy năm tái lập (1989- 1996). Cái thuở ban đầu ấy có thể trân quý nhắc lại đây những cái tên bây giờ đã vào thiên thu: Nhà thơ, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Bình Nguyễn Văn Dinh, nguyên Giám đốc Thể dục Thể thao Nguyễn Phùng Tao; đại tá Vũ Khắc Lới, Tổng biên tập Báo Quảng Bình Tạ Đình Nam, nhà giáo Trường đại học Quảng Bình Diệp Minh Luyện; Chủ tịch UBND thành phó Nguyễn Xuân Chàm; nhà báo Phan Văn Khuyến; nhà nhiếp ảnh Lê Đình Ty, cụ Cổ Kim Thành, cụ Võ Song, cụ Thái Bá Nhiệm, cụ Trương Quang Hý, cụ Lại Văn Ly... Dẫu đã từ biệt “cõi tạm” về cùng thế giới “người hiền”, nhưng tiếng thơ mộc mạc chân thành gửi lại như vẫn âm vang đâu đây nồng nàn thắm thiết, như những dòng tâm tình đầy cảm khái nhân sinh của tân đương kim chủ nhiệm câu lạc bộ, Văn Tăng:

Đời người như chấm đỏ thân nhang
Tự cháy mình thành vệt khói loang
Du lãng cõi trời khi hóa kiếp
Chút thơm gửi lại chốn nhân gian

Hai mươi năm, câu lạc bộ đã làm được không ít việc. Nổi bật nhất là sản phẩm thơ trong các ấn phẩm in chung: Hoa đời thường, Thơ dâng Bác, Mây trắng hồn quê, Hương sắc những vì sao, Cây trường sinh, Tiếng quê hương, Tình biển, Hương đời, Thiêng liêng lời Bác, Những vần thơ dâng tặng và đặc san “Mừng Đảng mừng xuân” các năm từ 2001 đến 2015 vừa qua. Kỷ niệm hai mươi năm thành lập (1996-2016), câu lạc bộ cho ra mắt tập thơ của nhiều tác giả mang tiêu đề “ Lưu dấu thời gian” khá ấn tượng. Hãy dành một phút thôi cùng tác giả Công Duyện sống chậm khi lắng nghe thời gian đi qua “Lắng nghe gió gọi đầu hè/...Lặng buồn xuân đến xuân đi/...Lắng nghe ồn ã không gian/ Mai rồi hanh vắng đêm tàn chờ xuân...”. Là tiếng lòng của người con dù đã tới tuổi thất thập lòng vẫn đau đáu nỗi niềm báo hiếu với mẹ:

Mẹ tôi chân đất áo nâu
Quanh năm tần tảo dãi dầu nắng mưa...
Nuôi con bấm đốt ngón tay
Những mong khôn lớn đợi ngày đơm hoa...
Tin như sét đánh ngang trời
Con không còn nữa trên đời dấu yêu
Rụng rời bóng mẹ liêu xiêu
Nỗi đau quặn thắt bóng chiều lẻ loi...

     (Lê Công Thú- “Mẹ tôi”)

Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi người qua đời, chưa nhà thơ nào có được câu thơ ân tình mà giản dị đến bất ngờ như  Hoàng Kim Phượng:

Mẹ Việt Nam ơi!
Xin người đừng khóc
Để Đại tướng đi - Bên ấy có Bác Hồ

Khó kể hết được những thành quả mà Câu lạc bộ thơ Trung tâm văn hóa Quảng Bình” đã để lại trong hai mươi năm qua trong văn bản và trong cuộc sống tinh thần của người Đồng Hới, người Quảng Bình. Chỉ lưu ý rằng, nếu như cũng thời gian ấy, không có sự hiện hữu và hoạt động của những tâm hồn thơ, những sáng tạo thơ từ trung tâm tỉnh lỵ làm hạt nhân và lan tỏa ra nhiều nơi trong tỉnh, thì, chắc chắn cuộc sống tinh thần của người Quảng Bình lộ một khoảng trống không nhỏ.

Mong sao, với phần thưởng là sự hâm mộ và khuyến khích của cuộc sống, sự khen tặng của Ủy ban nhân dân tỉnh dành cho câu lạc bộ và hai thành viên chủ chốt Văn Tăng và Trần Dụ, giọng thơ của các thành viên sẽ còn vang lên, không chỉ với niềm cảm hứng và tâm sự muốn giãi bày, mà còn phải có dấu ấn của lao động nghệ thuật nghiêm túc để hướng tới mục tiêu cao nhất của văn học nghệ thuật là lay động con tim của người đọc bằng hình tượng, bằng cảm thụ thẩm mỹ, góp phần vào công cuộc xây dựng con người Việt Nam chân, thiện, mỹ, mạnh bước trên hành trình dài của cuộc sống.

Nguyễn Thế Tường