.

Từ lời phê trong một tài liệu Hán Nôm nghĩ về tính nhân văn của đạo làm quan xưa

Thứ Bảy, 17/09/2016, 14:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong quá trình sưu tập, tìm hiểu vốn di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chúng tôi bắt gặp một đoạn bút phê của quan tri huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vào đơn của bốn anh em dòng họ Hồ ở xã Đức Trạch thưa kiện về việc tìm người thừa tự. Phần lạc khoản cho thấy tư liệu này có từ năm Tự Đức thập bát niên (Tự Đức thứ 18), nhằm vào năm 1866, cách nay đã 151 năm. Tờ đơn do Hồ Văn Tấn thảo và ký, ba người họ Hồ khác đồng điểm chỉ, trình bày về việc do ông Hồ Ngạch chết, không kịp để lại di chúc nên xảy ra sự tranh chấp quyền  thừa tự tài sản kéo dài giữa anh em, con cháu trong dòng họ.

Một phần nội dung đơn kiện của anh em dòng họ Hồ và toàn bộ bút phê của vị huyện quan huyện Bố Trạch.
Một phần nội dung đơn kiện của anh em dòng họ Hồ và toàn bộ bút phê của vị huyện quan huyện Bố Trạch.

Thụ lý vụ kiện, Tri huyện Bố Trạch đương thời đã bút phê vào đơn nội dung sau: Phó hồi trường cai thôn hương lý tịnh cai tộc hội lập hà nhân ưng kế giả tự lễ thỏa xử dĩ chỉ tụng đoan. Nhược cẩu tình biến cha  hữu chiêm. (Giao phó cho hương lý, trưởng thôn cùng với trưởng tộc (họ Hồ) hội họp phân xử xem người nào xứng đáng được giao cho việc thừa tự. Hãy dùng lễ nghĩa mà xử lý, không nên kiện tụng đa đoan. Nhược bằng cạn tình mà giải quyết thì ta sẽ có biện pháp sau.)

Với nội dung phê duyệt này, có thể hiểu rằng vị huyện quan đã trực tiếp xử lý vụ kiện bằng bước đi đầu tiên rất nhân văn là yêu cầu hòa giải trong nội bộ dòng họ để giải quyết vụ việc cho thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, ông cũng không quên “ra vai” quản lý đúng với vai trò và trách nhiệm của mình ở sự chế tài ngay sau đó: Nhược bằng cạn tình mà giải quyết thì ta sẽ có biện pháp sau.

Một thông tin khác rất đáng chú ý trong lời phê đơn kiện của vị huyện quan này là việc ông lựa chọn ngày ký văn bản: thất nguyệt thập ngũ nhật (ngày rằm tháng bảy). Với truyền thống dân tộc, mỗi người dân Việt Nam đều hiểu rõ đó là  ngày lễ Vu Lan, một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Với việc lựa chọn ngày hướng về cội nguồn để ký văn bản hòa giải cho một vụ kiện liên quan đến bậc cha mẹ đã khuất, vả chăng vị huyện quan này muốn qua đó nhắc nhở và đánh thức ý thức tình cảm, ý thức lễ nghĩa trong những cái đầu nóng ở cùng một gia đình, một dòng họ để giải quyết vụ việc trong ấm ngoài êm, nhằm tránh kiện tụng ra chốn công đường vốn rất đa đoan khốc liệt.

Bản lĩnh và trình độ xử lý vụ việc đáng trân trọng mà vị huyện quan này có được chỉ có thể là từ kết quả đào tạo của nhà nước phong kiến đương thời, từ sự giáo dục bởi truyền thống gia đình và cả sự tu dưỡng của bản thân mình.

Lịch sử và cả giai thoại cũng đã ghi lại rất nhiều tấm gương tài giỏi, tiết tháo, thượng tôn pháp luật trong bộ máy quan lại ở các phủ, tỉnh, lẫn triều đình của các nhà nước phong kiến Việt Nam. Một giai thoại kể rằng, lúc ông huyện Thanh Quan (Lưu Nghi) đi vắng, có một cô gái tên là Nguyễn Thị Đào đệ đơn lên trình bày bị chồng ruồng bỏ nên cô xin được ly dị để lấy chồng khác. Vì thương cảm, bà buyện Thanh Quan đã thay chồng ngẫu hứng phê đơn bằng mấy câu thơ: Phó cho con Nguyễn Thị Đào/ Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?/ Chữ rằng: xuân bất tái lai/ Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già! Hay chuyện, chồng cô Đào kiện lên quan trên do sự việc không đúng. Quan trên bèn giáng chức ông huyện Thanh Quan vì cho rằng ông ăn hối lộ. Mặc dù không ăn hối lộ nhưng ông huyện Thanh Quan vẫn chấp hành án kỷ luật vì đã để vợ can dự vào công việc của nhà nước giao cho ông, gây hậu quả nghiêm trọng.

Có một sự thật là không phải mọi quan lại của các triều đại phong kiến Việt Nam xưa thảy đều mẫn cán, công tâm và tài giỏi. Bộ máy quan lại này đã được lịch sử và các thế hệ người đời nhìn nhận một cách công bằng, thỏa đáng. Công huân và sai phạm, ưu điểm và hạn chế của họ đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cộng đồng, qua thời gian thử thách và hậu thế sàng lọc, thảy đều được minh bạch bằng những hình thức ghi nhận đánh giá linh hoạt, nghiêm khắc, không thể bị che lấp, hoặc đánh tráo:

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ...

Chẳng hạn, ở triều đại phong kiến cuối cùng, triều Nguyễn, cùng với triều đình, bộ máy quan lại phong kiến đã được giới sử học và người đời sau cho rằng nhìn chung, họ có nhiều nhược điểm đáng kể: trì trệ, bảo thủ, lạc hậu, tham nhũng, bóc lột tạo nên những bất công, áp bức trong xã hội... khiến cho triều đình phạm nhiều sai lầm về nội trị và ngoại giao, dẫn đến đất nước chậm phát triển.

 Ông Trương Quang Phúc (bên trái), Chủ nhiệm câu lạc bộ Hán Nôm hỗ trợ phiên âm, biên dịch tư liệu.
Ông Trương Quang Phúc (bên trái), Chủ nhiệm câu lạc bộ Hán Nôm hỗ trợ phiên âm, biên dịch tư liệu.

Tuy nhiên, các nhà sử học cũng đã công tâm nhận thấy rằng: thể chế, chính sách tuyển chọn, cầu hiền, bồi dưỡng, đãi ngộ, sử dụng quan lại qua các giai đoạn lịch sử đều được các nhà nước phong kiến không ngừng quan tâm. Chính vua Minh Mạng đã chủ trương: “đã đến lúc cần thay thế những viên chức có học vấn vào những chức vụ mà trước đây ta chưa đào tạo kịp”. Các chính sách tuyển chọn, đào tạo này đã bổ sung ngày càng nhiều vào đội ngũ quan chức nhà Nguyễn những người có trình độ, có tinh thần nhân đạo, tinh thần dân tộc, tinh thần bất khuất, góp phần đem lại sự đổi mới nhiều mặt tại các triều đại mà họ phụng sự.

Từ thông tin trong một tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ có thể thấy rằng kho tàng di sản tư liệu Hán Nôm tỉnh Quảng Bình đang chứa đựng rất nhiều các giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội, tôn giáo... cần sớm có kế hoạch sưu tập, bảo tồn và nghiên cứu nhằm phát huy các giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp này trong cuộc sống hôm nay.

Trần Hùng