.

Tiếng hát từ trái tim

Thứ Sáu, 09/09/2016, 12:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù đã mất đi ánh sáng từ đôi mắt, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng bằng tiếng hát từ trái tim, người khiếm thị đã có ánh sáng khác từ sự lạc quan, yêu đời, niềm tin vào cuộc sống.

Đối với những người không may bị khiếm thị, có lẽ ca hát luôn là niềm đam mê giúp họ có thêm niềm vui, tiếp thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Cứ 5 năm một lần, Liên hoan văn nghệ quần chúng “Tiếng hát từ trái tim” dành cho người khiếm thị được Hội Người mù tỉnh Quảng Bình tổ chức với mục đích khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ, tạo điều kiện cho những năng khiếu về nghệ thuật, gặp gỡ, giao lưu, xóa đi mặc cảm tự ti, chủ động vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đây thực sự là một hoạt động tích cực, ý nghĩa và đầy tính nhân văn.

25 tiết mục và sự tham gia của 30 thí sinh đã đem đến cho khán giả một chương trình nghệ thuật phong phú, đầy màu sắc với đủ các thể loại: đơn ca, song ca,  tốp ca, có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, lòng hăng say lao động, tin yêu cuộc sống. Nếu nói âm nhạc mang đến niềm vui và xoa dịu nỗi đau thì điều đó càng đúng với người khiếm thị. Hàng ngày, họ vẫn miệt mài tìm nguồn sáng cho mình bằng tiếng hát cất lên từ trái tim. Những con người không thấy ánh sáng nhưng trong tim họ luôn tràn đầy sức sống, tràn đầy ánh sáng của sự lạc quan yêu đời. Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát từ trái tim” không chỉ là nơi giao lưu, chia sẻ và khơi dậy niềm vui sống yêu đời và lạc quan của người khiếm thị, mà còn là nơi họ được thể hiện mình với xã hội.

Khi những âm thanh mượt mà được cất lên, cả hội trường như ngập tràn trong tiếng ca của các chàng trai, cô gái đến từ khắp nẻo chốn thôn quê chưa một lần được đứng dưới ánh đèn sân khấu... Không ít nước mắt xúc động đã rơi từ hàng ghế khán giả. Họ biểu diễn rất nhiệt tình, hát bằng cả trái tim, bằng sự cảm nhận, sự tưởng tượng của một người không nhìn thấy thế giới thực bên ngoài, có thí sinh khi hoàn thành xong phần dự thi của mình nhưng không biết được hướng khán giả ngồi để cúi chào, phải có người trợ giúp họ mới từ từ bước ra sau cánh gà để chương trình được tiếp nối.

Một trong các tiết mục đặc sắc được biểu diễn tại chương trình.
Một trong các tiết mục đặc sắc được biểu diễn tại chương trình.

Gặp và nói chuyện với em Trần Xuân Thành (sinh năm 1989), Hội Người mù thị xã Ba Đồn, người đạt giải A tại liên hoan, mới thấy được niềm vui của em khi lần đầu được đứng trên sân khấu, trước khán giả để cất lên tiếng hát của mình. Với em, khi được đứng trên sân khấu, được hát, có người lắng nghe là niềm vui, hạnh phúc vô bờ. Mất đi ánh sáng của đôi mắt, cảm nhận cuộc sống bằng âm thanh, vì vậy âm nhạc và những lời ca, tiếng hát là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của em.

Ấn tượng với chúng tôi tại buổi liên hoan đó là được nghe chàng “thư sinh” Lê Hữu Hiếu (sinh năm 1992) đến từ Hội Người mù Quảng Ninh độc tấu đàn nhị với ca khúc: “Lời ca dâng Bác” tại sân khấu. Bị tai nạn và ảnh hưởng đến mắt lúc 6 tuổi, học hết lớp 9, vì mắt kém nên không thể tiếp tục học, em phải ở nhà. Thỉnh thoảng nghe ông nội đánh đàn nhị, em cũng muốn chơi cho vơi đi nỗi buồn. Hiếu cho biết: “Để đánh được đàn nhị thì người bình thường đàn đã khó, người khiếm thị như em càng khó hơn. Nhưng với tình yêu âm nhạc nên em đã cố gắng rất nhiều. Mày mò 2 năm em mới biết đánh các bản nhạc thô sơ, hiện nay em đã thành thạo hơn nhưng vẫn chưa hiểu hết được kỹ thuật của đàn nhị. Đến với liên hoan năm nay, tuy chưa đạt giải cao nhưng em đã được khích lệ được tinh thần, em sẽ cố gắng, không mặc cảm, tự ti với khiếm khuyết của mình. Mong muốn lớn nhất của em là được tới trung tâm để được học hoàn thiện năng khiếu của mình”.

Tuy không đạt giải cao nhưng ông Trần Văn Hanh (sinh năm 1953) đến từ Hội Người mù Đồng Hới đã để lại cho khán giả một tiết mục thật ấn tượng với ca khúc “Quảng Bình đánh rất hay” của cố nhạc sĩ Thái Quý. Đây là ca khúc nói về niềm tự hào của quân và dân tỉnh Quảng Bình kiên cường, bất khuất trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Hanh có phong cách biểu diễn lạc quan, yêu đời.
 Bằng những ca khúc, ngôn từ của âm nhạc, nhiều thí sinh khiếm thị đã bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình đối với gia đình, bè bạn, với quê hương, đất nước. Nhiều tiết mục đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả như tiết mục “Tìm về lời ru” của bạn Nguyễn Văn Tứ  đến từ Hội Người mù thành phố Đồng Hới; tiết mục “Hò khoan đối đáp” của hai thí sinh Nguyễn Thị Sáu và Phan Thanh Việt đến từ Hội Người mù huyện Lệ Thủy... Có thể họ chưa tự tin trên sân khấu, giọng hát chưa được trau chuốt và chưa thật sự có nhiều kỹ thuật, một số tiết mục do các thí sinh chọn ca khúc chưa hợp với chất giọng, chưa có người hướng dẫn cách hát, cách xử lý tác phẩm... nên hiệu quả chưa cao, nhưng buổi liên hoan đã tạo nên một không khí rất ấm cúng, sự đồng cảm, sự gắn kết giữa khán giả với diễn viên.

Kết thúc chương trình, Ban giám khảo đã chọn ra một số giải A, B, C, nhưng tất cả các thí sinh tham gia liên hoan đều là những người chiến thắng. Họ cất lên lời ca, tiếng hát bằng cả trái tim, bằng sự nhiệt tình và lòng đam mê nghệ thuật để chiến thắng chính mình. Mong rằng sân chơi bổ ích này sẽ được duy trì thường xuyên và phát triển rộng rãi hơn trong thời gian tới.

T. Hoa