.

Chuyện về một làng mê ca Huế - Bài 1: Hơn một thế kỷ "bén duyên"

Thứ Năm, 01/09/2016, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo những bậc cao niên trong làng, ca Huế xuất hiện ở Quảng Xá (xã Tân Ninh huyện Quảng Ninh) cách đây đã hơn một trăm năm. Người dân trong làng say mê ca Huế và lưu giữ nó như một giá trị văn hóa của làng.

Trong suy nghĩ của nhiều người, ca Huế là một thể loại thuộc về vùng đất cố đô Huế và chỉ ở vùng đất này mới có. Tuy nhiên, nếu có dịp đến làng Quảng Xá chắc hẳn mọi người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến từ các cụ già tuổi thất thập đến những người trung niên đều thạo và hát rất hay những làn điệu ca Huế. Ngạc nhiên hơn khi với họ, ca Huế không chỉ là món ăn tinh thần mà còn được xem là một giá trị văn hóa của làng Quảng Xá.

Nói về lịch sử ca Huế trên đất làng mình, nhiều cụ cao niên có những cách giải thích khác nhau. Lật lại những tài liệu, sổ sách ghi chép về nguồn gốc, lịch sử của ca Huế trên đất Quảng Xá, ông Dương Viết Thủ, một người chuyên sưu tập những tài liệu nghiên cứu về văn hóa, lịch sử làng Quảng Xá cho biết: Theo một cuốn sách ghi chép thì ca Huế xuất hiện ở làng Quảng Xá cách đây đã hơn một trăm năm. Ngày xưa, làng vốn nổi tiếng là có truyền thống ca hát và đặc biệt là rất hiếu học. Trong làng có ông Dương Viết Hoành (1836-1909) thường gọi là ông Đội Đồ vốn mê ca hát và được làm chức quan phụ trách âm nhạc trong triều đình Huế. Khi trở về quê, ông đã mang các nhạc cụ như kèn, nhị, sáo, đàn nguyệt, đàn tranh...cùng với các làn điệu ca Huế như Nam Ai, Nam Bằng, Lưu Thủy, Hành Vân, Kim Tiền, Lý ngựa ô... về làng và truyền lại cho người dân.   

 Khi mang về vùng đất Quảng Xá, ca Huế vẫn được người dân trong làng thể hiện đúng với những đặc điểm vốn có của nó.
Khi mang về vùng đất Quảng Xá, ca Huế vẫn được người dân trong làng thể hiện đúng với những đặc điểm vốn có của nó.

Từng được cha và ông nội mình kể về lịch sử ca Huế ở làng, ông Nguyễn Văn Xám (76 tuổi), nguyên cán bộ văn hóa xã Tân Ninh cho biết: Ngày xưa, trong dòng họ Nguyễn Văn của ông, có ông Nguyễn Văn Thừa làm đến chức quan Thừa phủ ở kinh đô Huế. Vốn là người yêu ca hát nên khi nghe ca Huế ông rất thích và chăm chỉ học hỏi với mong muốn được mang ca Huế về cho con cháu trong làng. Không những thế, vì quá đam mê loại nhạc này, quan Thừa phủ còn cử người cháu của mình là ông Nguyễn Tuân, người làng thường gọi là ông Bát Vời (ông nội của ông Nguyễn Văn Xám) vào Huế học thêm ca Huế để về truyền dạy cho dân làng. Ông Xám kể lại, ông Bát Vời là người có năng khiếu về âm nhạc và chơi thành thạo 5 nhạc cụ đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tì bà, đàn tam thập lục) nên được triều đình trọng dụng và phong cho hàm Bát phẩm, làm một chức quan chuyên phục vụ âm nhạc cho vua chúa lúc bấy giờ. Ông còn được một vị quan trong triều yêu mến và gả con gái, cũng là người giỏi về âm nhạc cho. Sau khi trở về quê, ông Bát Vời được xem là một trong những người có công lớn trong việc đưa phong trào hát ca Huế trở nên sôi động và nổi tiếng ở làng Quảng Xá thời bấy giờ.

Dù có những cách kể khác nhau về lịch sử ca Huế ở làng, tuy nhiên có thể khẳng định rằng sau khi được đưa về làng Quảng Xá, ca Huế phát triển mạnh mẽ và được đông đảo người dân yêu thích. Sở dĩ loại âm nhạc vốn chỉ dành cho vua chúa thời bấy giờ này lại trở nên phổ biến và được ưa chuộng ở một làng quê như Quảng Xá là do trước đây, Quảng Xá không chỉ có nghề trồng lúa mà còn phát triển nghề trồng bông, dệt vải. Vào những lúc nông nhàn hay đêm trăng, thanh niên, phụ nữ thường tập trung ở đình làng, các ngôi nhà rộng rãi để kéo sợi. Vừa làm, họ vừa ngân nga những câu hát, làn điệu dân ca. Ca Huế khi được đưa về làng lại có những bài hát ca ngợi cuộc sống lao động khiến cho người dân vô cùng yêu thích. Họ hát suông mà không cần nhạc cụ nào bổ trợ nào và hát mọi lúc, mọi nơi. Chính vì vậy mà những làn điệu ca Huế dường như càng thấm sâu vào trí nhớ của mỗi người. Cứ như thế, ca Huế được truyền khẩu từ thế hệ này sang đến thế hệ cho đến nay, dù một số làn điệu ca Huế không được ghi chép đầy đủ nhưng không ít bậc cao niên trong làng vẫn thuộc nằm lòng từng lời ca, câu chữ.

Ở làng Quảng Xá có bà Nguyễn Thị Chuyện được công nhận là nghệ nhân dân gian Quảng Bình tiêu biểu giai đoạn 2012-2013, năm nay đã bước qua tuổi 80 nhưng khi nhắc đến những làn điệu ca Huế như Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ... là bà bắt nhịp rất nhanh và hát một mạch đến cuối bài. Bà cười nói: “Dù không ghi chép chi cả nhưng hiện tại mệ vẫn thuộc đến 13 làn điệu ca Huế và một số bài hát có lời cổ khác”. Bà Chuyện nhớ, lúc còn nhỏ, bà vẫn thường theo mẹ ra sân đình kéo sợi. Nghe mẹ và người dân trong làng vừa hát những làn điệu ca Huế vừa kéo sợi bà rất thích và hát nhẩm theo. Có lẽ, cũng chính vì được tiếp xúc sớm với ca Huế từ những ngày bé mà thể loại âm nhạc này ngấm sâu vào máu bà cho dù thời gian với nhiều biến cố của lịch sử. Bởi vậy mà đến nay, ở vào cái tuổi 80 nhưng khi nhắc đến ca Huế là bà như trẻ ra và nhớ vanh vách các làn điệu này.

Nhiều người sẽ thắc mắc, ca Huế về làng Quảng Xá được hát như thế nào, khi mà nó vốn là thể loại âm nhạc gắn với đặc điểm, đặc trưng về ngữ âm, ngữ điệu của giọng nói xứ Huế. Bà Chuyện kể, trước đây, vào những năm 1962, làng có một số gia đình ở cố đô Huế ra tập kết. Vì biết Quảng Xá trước đây có phong trào hát ca Huế nên mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê hương họ đã mời bà và ông chú đánh đàn nguyệt đến hát cho nghe. Khi nghe bà hát, họ rất xúc động và chia sẻ rằng, không ngờ ở vùng đất cách xa Huế mà lại hát ca Huế hay đến vậy. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của họ dường như được lấp đầy, thay vào đó là cảm giác như đang được sống trên chính quê hương mình.     

Nói về ca Huế của làng Quảng Xá, cụ Dương Viết Thủ nói rằng: Ca Huế in đậm trong đời sống của người dân làng Quảng Xá đã qua 6 thế hệ và trở thành nét văn hóa đặc trưng của làng. Mỗi một người con trong làng ai cũng thấm những làn điệu Nam Ai, Nam Bằng và những điệu khác như  Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ...để rồi lớn lên dù còn ở làng hay đi xa lập nghiệp vẫn giữ trong mình những câu hát mê say lòng người.

Đ.Nguyệt

Bài 2: Nâng niu từng làn điệu