.

Bảo tồn văn hóa dân gian: Cần chính sách đãi ngộ hậu vinh danh

Thứ Hai, 13/06/2016, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, 4 nghệ nhân dân gian của Quảng Bình đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của những người lặng thầm trong bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhưng dường như sự tôn vinh đó vẫn là chưa đủ!

Chật vật cống hiến

Quảng Bình hiện có 25 nghệ nhân dân gian cấp tỉnh và 9 nghệ nhân dân gian cấp nhà nước, trong đó, có 4 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng là Nghệ nhân ưu tú. Đó là các nghệ nhân Phạm Ngọc Thức (Quảng Trạch), Đặng Thị Hới, Nguyễn Thị Lý (Lệ Thủy) và Phạm Thị Niếu (Bố Trạch). Cả cuộc đời gắn bó với phong trào văn hóa văn nghệ dân gian của quê hương, họ được ví như những “báu vật nhân văn sống”, cần mẫn giữ nguồn cho những mạch ngầm văn hóa truyền thống. Xuất thân là những người làm nông nghiệp, tiếng hát của họ xuất phát từ trong chính đời sống lao động cần cù nên ngọt ngào, tha thiết và cũng thấm đẫm tình cảm.

Nhưng có một điều khiến chúng tôi trăn trở khi tìm gặp những con người đặc biệt ấy là bởi, trong khi đời sống tinh thần phong phú là vậy thì cuộc sống mưu sinh của họ lại khá chật vật. Ngoài cụ Phạm Thị Niếu, còn những nghệ nhân khác vừa miệt mài cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, vừa vẫn phải lăn lộn với cuộc mưu sinh. Cụ Phạm Ngọc Thức, nay đã ngoài 80 tuổi vẫn ngày ngày lênh đênh trên biển, đôi bàn tay đã bợt bạt đi vì nắng gió đại dương. Tiếng “hò hẻ” của ông cất lên giữa muôn trùng sóng, lẫn vào giữa chát mặn mồ hôi khổ nhọc. Cũng như cụ Thức, không có nghề nghiệp ổn định, các nghệ nhân hò khoan Nguyễn Thị Lý và Đặng Thị Hới (Lệ Thủy), người bám đồng ruộng mưu sinh, người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Cuộc sống của họ mấy chục năm qua vẫn thế: quay vòng với những nỗi lo nặng gánh, những bận bịu áo cơm.

Cuộc sống còn vất vả nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Lý (trái) vẫn say mê với hò khoan Lệ Thủy.
Cuộc sống còn vất vả nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Lý (trái) vẫn say mê với hò khoan Lệ Thủy.

Gần trọn đời mình, chưa nhận bất kỳ một sự hỗ trợ vật chất nào, sự tri ân lớn lao nhất họ nhận được từ chính sân khấu cuộc đời có lẽ là những ánh mắt trân trọng, những tràng vỗ tay của khán giả xa gần. Vậy nhưng những người đang nắm giữ những “báu vật” ấy vẫn chung thủy với niềm đam mê, cống hiến bằng tất cả tài năng vốn sẵn và trách nhiệm tự thân mà không ngồi đó để chờ đợi chính sách. Nhưng họ không đòi hỏi không có nghĩa là không cần đến. Chắc chắn rằng một khi nghệ nhân dân gian đã được tôn vinh và có chế độ đãi ngộ tốt thì họ mới có thể yên tâm dành nhiều thời gian, công sức còn lại để giao truyền những bí quyết mình đang nắm giữ cho thế hệ trẻ. Bởi “cơm áo” vốn chẳng bao giờ “đùa với khách thơ”! Và nếu trao cho họ danh hiệu rồi để mặc họ tiếp tục “tự bơi” thì không khác gì khoác lên họ một món đồ trang sức đẹp lộng lẫy nhưng không hề có giá trị!

Không nhanh, sẽ trễ!

Hiểu thấu những khó khăn của các nghệ nhân dân gian tỉnh nhà, ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh thẳng thắn khẳng định: “Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đó là một nguồn động viên lớn, nhưng để thay đổi đời sống cho họ thì khó. Đợt phong tặng này mỗi nghệ nhân được tặng kèm theo 10 triệu đồng. Số tiền này không phải là ít. Song bảo vệ di sản không cứ phải là cho họ ít tiền trước mắt, mà vấn đề là sau khi được phong tặng các nghệ nhân sẽ sống thế nào, hoạt động ra làm sao, các chế độ chính sách tiếp theo sẽ là gì? Khi Nghệ sỹ ưu tú có lương cơ hữu của một cơ quan nhà nước thì các Nghệ nhân ưu tú lại chẳng có gì. Tôi mong muốn Nhà nước nên cấp cho họ thẻ bảo hiểm y tế và nếu được thì mỗi tháng cho một khoản tiền nào đó để coi như đồng lương cố định để họ tiếp tục làm nghề”. Trăn trở của ông Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh cũng là nỗi lòng chung của các Nghệ nhân ưu tú. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lý chia sẻ với chúng tôi rằng, nghề nghiệp chính của bà là làm nông, nên ngoài việc nghiên cứu, biểu diễn hò khoan, suốt mấy chục năm qua, bà vẫn chật vật sống với ruộng đồng. Giờ đã quá lục tuần, sức khỏe đã không còn vững chãi, nếu có được một khoản hỗ trợ ổn định hằng tháng thì bà có thể vững tin tiếp tục chặng đường bảo tồn, phát triển văn hóa quê hương.

Con cái thành đạt, kinh tế vững vàng, có thể coi cụ Phạm Thị Niếu may mắn hơn nhiều nghệ nhân khác khi không phải chật vật với nỗi lo cơm áo. Khoản kinh phí hoạt động của CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch mà cụ làm chủ nhiệm chủ yếu từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, từ bà con, anh em của các thành viên trong CLB. Nhưng đôi khi cụ phải tự bỏ tiền túi của mình ra để mua trang phục, đạo cụ biểu diễn. Cụ Niếu bảo, nếu có được một khoản hỗ trợ hằng tháng cho Nghệ nhân ưu tú, cụ sẽ dành nó cho việc duy trì hoạt động cho CLB, nhất là trong công tác truyền dạy điệu hò biển Nhân Trạch.

Một khi đã tôn vinh họ, thì điều cần thiết là cần một cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp để nghệ nhân yên tâm hơn với việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa quê hương. Bên cạnh các quy định chung của Nhà nước, một số tỉnh đã tự xây dựng quy chế và các chính sách riêng đãi ngộ hậu vinh danh phù hợp cho các Nghệ nhân ưu tú, như chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân hát quan họ của Bắc Ninh, chính sách cho hát xoan của Phú Thọ, hay chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân cồng chiêng của các tỉnh Tây Nguyên... Riêng tại tỉnh ta, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mậu Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho hay, đến thời điểm này, Quảng Bình chưa có một chính sách cụ thể nào dành riêng cho các Nghệ nhân ưu tú. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh để xây dựng một đề án nhằm hỗ trợ chung cho cả các Nghệ sỹ ưu tú và Nghệ nhân ưu tú.

Thế nhưng, “thời gian tới” mà ông Phó giám đốc Sở nhắc đến sẽ là bao giờ? Và đãi ngộ như thế nào cho xứng đáng với công sức của nghệ nhân cả đời học hỏi, lưu giữ, truyền dạy văn hóa dân gian trong khi thực tại lại đang phải đối diện với khổ cực và tuổi già? Đừng để một nghệ nhân dân gian nào “ra đi” khi chưa kịp nhận bất kỳ sự đãi ngộ nào! Bởi thời gian vốn tàn nhẫn, không chờ bất kỳ ai và đợi bất kỳ điều gì!

Diệu Hương