.

Về đất cũ, nhớ tiền nhân

Thứ Tư, 08/06/2016, 11:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Phan Thúc Duyện – một người con của đất Quảng Nam, là một trong những yếu nhân của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Vốn là một người có tư duy tiến bộ, nên trong những năm tháng bị thực dân Pháp đày ải tại vùng đất phía tây Lệ Thủy, dưới đôi bàn tay cần mẫn của ông, vùng đồi rặt cỏ dại đã thành vùng đồn điền rộng lớn, phì nhiêu. Hôm nay, bước chân trên mảnh đất này, vẫn nghe bao thế hệ con cháu nhắc đến ông bằng tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn.  

Bài 1: “Phú cường để đánh Tây”

Với khẩu hiệu “Khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, phong trào Duy Tân những năm đầu thế kỷ XX đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân sỹ yêu nước, trong đó có Phan Thúc Duyện. Trong những năm tháng gian khổ nhưng vinh quang nhất cuộc đời mình, bằng tài năng, ý chí hơn người, người chí sỹ ấy đã góp phần làm nên một phong trào yêu nước có ý nghĩa nhất lúc bấy giờ.
 

Danh nhân Phan Thúc Duyện.
Danh nhân Phan Thúc Duyện.

Phan Thúc Duyện sinh ngày 10 tháng 2 năm 1873, tại làng Phong Thử, tổng Đa Hòa, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là thị xã Điện Bàn – PV). Theo cuốn Quốc triều hương khoa lục của Trần Quý Cáp, năm 1900, niên hiệu Thành Thái thứ 12, Phan Thúc Duyện đỗ cử nhân. Tại trường thi Thừa Thiên, ông xếp hạng thứ 6, trong tổng số 42 người. Tại khoa thi này, Huỳnh Thúc Kháng đỗ thủ khoa.

Sinh ra trên mảnh đất có bề dày truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ, Phan Thúc Duyện hiểu sâu sắc những nỗi khổ đau của người dân dưới ách đàn áp của Thực dân Pháp. Tình yêu nước, thương dân và mong muốn đổi thay thời cuộc thấm đẫm trong từng suy nghĩ của người con xứ Quảng. Bởi thế, sau khi đỗ cử nhân, Phan Thúc Duyện không ra làm quan mà ở nhà giao du cùng các bạn học, nhất là Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... Gặp lúc phong trào Duy Tân tại Quảng Nam nói riêng và Trung Kỳ nói chung như ngọn gió thổi lan mạnh mẽ, Phan Thúc Duyện như người đang bơ vơ mất phương hướng tìm thấy được lối khai sáng cho riêng mình. Hưởng ứng phong trào, ông tích cực tuyên truyền vận động Duy Tân trong tỉnh, dưới sự chủ xướng của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Không đi theo chủ trương cải cách để đấu tranh bạo động khi thuận hợp như Duy Tân của Phan Bội Châu trước đó, phong trào Duy Tân do các ông Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... lúc bấy giờ chủ trương cải cách nhưng bất bạo động. Với tư tưởng tiến bộ, họ chủ trương “Chú trọng mở mang kinh tế, lập thương hội, nông hội làm tiền đề dân sinh” và “không để dân giàu thì không có con đường nào đạt đến mục đích tự trị được”.

Với sẵn tư duy cải cách, từ chủ trương đó, Phan Thúc Duyện đã trở thành một trong những người vận động và thực thi một cách nhiệt thành các chủ trương: mở hội buôn, lập trường học, dạy chữ quốc ngữ, lập nông hội, kêu gọi hớt tóc ngắn, mặc đồ âu phục, dùng vải nội hoá... Do là một trong những người có trọng trách ở thương cuộc Hội An, nên Phan Thúc Duyện có kinh nghiệm để thành lập và điều hành thành công Hợp thương Diên Phong ở Phong Thử, rồi nơi đây nhanh chóng trở thành một công ty nổi tiếng nhất của Quảng Nam, là điển hình cho phong trào Duy Tân. Ngoài hợp thương Diên Phong, Phan Thúc Duyện còn tổ chức xây dựng một trường tư thục cũng mang tên Diên Phong tại Phong Thử, trường là một trong hai trường lớn của tỉnh Quảng Nam do tư nhân thành lập lúc bấy giờ. Trong những năm tháng phát triển mạnh mẽ nhất, phong trào Duy Tân như một luồng gió lớn thổi qua, làm đổi thay bộ mặt của một số vùng đất ở Quảng Nam nói riêng và Trung Kỳ nói chung.

Theo tài liệu lịch sử của mảnh đất Điện Bàn (Quảng Nam), tháng 5-1908, phong trào Duy Tân tại Quảng Nam bị thực dân Pháp đàn áp mạnh mẽ, Phan Thúc Duyện bị bắt cùng nhiều đồng chí của mình. Ông bị bắt ngày 5-5-1908, Tri phủ huyện Điện Bàn là Trần Văn Thống đã dẫn lính đến lục soát nhà, tịch thu nhiều của cải. Tài liệu lịch sử Điện Bàn có viết: “Người ta nói rằng, Cử Duyện bị bắt là do ông có viết thư báo cáo tình hình cho Trần Quý Cáp lúc đó đang làm Giáo thọ tại tỉnh Khánh Hòa. Chính các bức thư đó đã thể hiện tấm lòng yêu nước, tư tưởng canh tân, ý chí “phú cường để đánh Tây” của ông và những người đồng chí của mình. Điều đáng quý là, mặc dù thực dân Pháp bắt bớ, đàn áp phong trào rất dữ song Cử Duyện vẫn không trốn chạy, không sợ bị liên lụy, ông vẫn thông tin và động viên tâm lý các đồng chí của mình cho đến ngày ông bị bắt”.

Tháng 8-1908, Phan Thúc Duyện cùng nhiều đồng chí khác bị bắt và đày đi Côn Đảo. Những tháng ngày lao tù cực khổ, nhưng người chí sĩ ấy vẫn một lòng hướng về quê hương với lòng quyết tâm son sắt. Càng chật vật, gian khó, ý chí của người con quê hương Điện Bàn ngày ấy càng lạc quan, mạnh mẽ hiếm gặp. Năm 1919, Phan Thúc Duyện được trả tự do, nhưng thực dân Pháp và quan lại Nam triều không cho về ở nguyên quán mà buộc ông phải chịu kiếp “lưu đày biệt xứ”. Chúng đưa ông ra trú ở phía Tây Lệ Thủy, Quảng Bình để cách ly ông khỏi vùng đất mà ông có uy tín nhất nhằm tiện việc kiểm soát, theo dõi.

Con đường mang tên danh nhân Phan Thúc Duyện tại thành phố Đà Nẵng.
Con đường mang tên danh nhân Phan Thúc Duyện tại thành phố Đà Nẵng.

Nhưng, mưu đồ của bọn thực dân không thành bởi chính tại nơi đây, con người có chí hướng kinh bang tế thế đó đã bắt tay khai khẩn đất hoang, lập nên đồn điền mới. Vẫn với tư tưởng “phú cường để đánh Tây” cùng tầm nhìn rộng của một nhà kinh tế, ông đã khai phá đồi núi, lập đồn điền trồng cây kết hợp với chăn nuôi. Trong cuốn tuyển tập Danh nhân Quảng Bình, nhà nghiên cứu Tạ Đình Hà có viết: “Ở đây (nay là thị trấn Nông trường Lệ Ninh – PV) lúc bấy giờ là vùng đất hoang vắng, gần núi, dân cư không có. Ông đã lặn lội, khảo sát mấy ngày liền, ông thấy nơi đây có thể khai phá đồi núi, lập đồn điền, trồng cây kết hợp chăn nuôi, phát triển kinh tế. Vì vậy, ông đã quyết định dựng nhà, sinh sống tại đây”.

Khi đời sống nơi miền đất mới đã dần đi vào ổn định, ông bắt đầu bắt tay vào hiện thực hóa những dự định ban đầu bằng việc phát quang, cải tạo vùng đất vốn lâu nay bị bỏ hoang. Diện tích khai phá lúc đầu ít, dần dần mở rộng đến 15ha. Từ những đồi hoang sỏi đá, ông và những người nông dân lao động đã biến thành những đồi chè xanh mướt mắt, được quy hoạch thành ô, thửa bài bản. Ngoài khu vực trồng chè, cây ăn quả, ông còn cho đào đắp đường để khoanh vùng từng ô, lấy diện tích trồng lúa, rồi trồng cây công nghiệp, trồng cây chẩu (dầu sơn), đào ao để nuôi cá...

Nhiều người dân Phú Hòa hôm nay kể lại, ngày ấy, người làm của ông rất đông, còn diện tích vùng đồn điền thì có khi đi bộ hết buổi cũng chưa hết đất. Hàng hóa, sản phẩm làm ra đều được đưa về các chợ để trao đổi mua bán. Một vùng đồi núi hoang sơ ngày nào, nay cây cối đã xanh tươi, hoa màu đã có thu hoạch. Đối với đất và người ở miền tây Lệ Thủy thời điểm ấy, việc làm của ông như một nỗ lực cải cách lớn lao, nhằm đổi thay bộ mặt của vùng đất hoang hóa, biến đất cằn đá sỏi thành bạt ngàn trù phú, mỡ màu.

Nói như Tiến sỹ sử học Dương Trung Quốc thì chính vị trí địa lý, đặc điểm lịch sử đã tạo nên cho mảnh đất Quảng Bình “một biên lực sinh tồn”. Vậy nên, những người có ý chí được sinh ra hay đặt chân đến mảnh đất này đều có thể biến nghịch cảnh để đổi thay thời cuộc. Chuyến “lưu đày biệt xứ” của chí sĩ yêu nước Phan Thúc Duyện đã làm nên một cuộc đổi thay cho mảnh đất phía Tây Lệ Thủy. Vùng đất do Phan Thúc Duyện khai khẩn đó, cho đến nay, người dân ở Phú Hòa, Phú Thủy thường gọi bằng cái tên thân thương: Vùng đất Quảng Nam. Cái tên ấy ghi dấu một thời lưu đày viễn xứ của cử nhân Phan Thúc Duyện và là tình cảm thiết thân những con người nơi này dành riêng cho người có công khai phá vùng đất cằn khô phía Tây huyện Lệ Thủy lúc bấy giờ.

Năm 1930, Phan Thúc Duyện về lại quê hương Phong Thử, giao đồn điền này cho người con trai là Phan Trọng Thỉnh quản lý. Rồi 14 năm sau ngày rời Quảng Bình về quê, ông mất, hưởng thọ 72 tuổi.

Diệu Hương

Bài 2: Cần được tôn vinh